Xúc động nghe lại những giai phẩm đi vào lòng người của nhạc sĩ Lam Phương

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Lam Phương là tác giả âm nhạc tiêu biểu của Sài Gòn giai đoạn trước 1975. Ông sáng tác khoảng hơn 200 ca khúc, trong đó, đa số là tác phẩm bất hủ trong lòng người mộ điệu từ thập niên 1950 đến nay...

Nhạc sĩ Lam Phương qua đời vào lúc 6h07' ngày 22/12 tại thành phố Fountain Valley, California (Mỹ) sau một thời gian điều trị bệnh tai biến. Ông hưởng thọ 83 tuổi.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Kiên Giang. Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài về tình yêu quê hương, đất nước, con người... Trong đó, ca khúc đầu tay "Chiều thu ấy" được viết vào năm ông 15 tuổi.

Dưới đây là một số ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông.

"Kiếp nghèo"

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lam Phương từng chia sẻ, những ca khúc đầu đời được ông sáng tác khi "tâm hồn còn trong trắng". "Chiều thu ấy" là sáng tác đầu tay của ông năm 15 tuổi, nhưng "Kiếp nghèo" lại là ca khúc được nhiều người biết đến.

Ca khúc "Kiếp nghèo" được ông sáng tác từ tâm thế của cậu học sinh nhà nghèo, viết nhạc để kiếm tiền đi học. Bất ngờ là ca khúc này lại giúp ông kiếm được tiền, cuộc sống "dễ thở" hơn...

Ðường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi

Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Ðời gì chẳng tình thương không yêu thương
Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Ðôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Ðêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Ðời nghèo lòng nào *** mơ tình chung

Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Ðây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai... ( sáng tác 1975)

Cẩm Ly hát "Kiếp nghèo" (Lam Phương)

"Thành phố buồn"

Năm 2016, Lệ Quyên xúc động chia sẻ về lần cô được gặp gỡ nhạc sĩ Lam Phương: "Khi đi sang Mỹ lưu diễn, tôi cố gắng tranh thủ thời gian để thăm chú vì không biết mình còn cơ hội mấy lần để gặp chú. Tuy phải ngồi xe lăn, nhưng chú vẫn rất minh mẫn".

Trong chuyến đi này, ngoài Lệ Quyên, còn có ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung. Nữ ca sĩ cũng cho biết, khi cô chia sẻ và xin phép nhạc sĩ ra mắt album gồm các sáng tác của Lam Phương, ông nghe thử và rất thích. Album gồm 12 ca khúc trong đó có "Biển tình", "Kiếp nghèo", "Thành phố buồn"...

Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều
Anh thấy đẹp hơn.
Một sáng nào nhớ không em?
Ngày chủ nhật ngày của duyên mình
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù
Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.

Rồi từ đó vì cách xa
Duyên tình thêm nhạt nhòa
Rồi từ đó chốn phong ba
Em làm dâu nhà người
Âm thầm anh tiếc thương đời
Đau buồn em khóc chia phôi
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui
Thành phố buồn lắm tơ vương
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đổ
Giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi quên cả tình yêu.

Lệ Quyên hát "Thành phố buồn"

"Khóc thầm"

Danh ca Hương Lan từng chia sẻ, đoạn mở đầu của ca khúc "Khóc thầm" được nhạc sĩ Lam Phương lấy cảm hứng từ cuộc chia tay của chính chị với người yêu.

Theo đó, hè năm 1969, Hương Lan hát "Mưa đêm ngoại ô", một sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng. Chính ca khúc này đã giúp chị gặp được người bạn trai đầu tiên. Vì mê "Mưa đêm tỉnh nhỏ" qua giọng ca Hương Lan nên anh đi tìm nữ ca sĩ. Hai người làm bạn rồi trở nên thân quen với nhau. Hết hè, bạn trai trở về Mỹ học…

Cố nhạc sĩ Lam Phương đã dựa theo tình cảm đó để viết "Khóc thầm": "Tiễn anh đi rồi, em về gác lạnh đìu hiu/Ngoài trời trăng tỏ, mà sao ướt đôi tay mềm/Bóng đêm ngỡ là người em yêu/Khép đôi mi lại càng thương nhiều/Trời ơi thương nhớ, bao năm mặn nồng bây giờ lìa nhau"...

Tiễn em đi rồi anh về gác lạnh đìu hiu
Ngoài trời trăng tỏ mà sao ướt đôi mi gầy
Bóng đêm ngỡ là người em yêu
Khép đôi mi lại càng thương nhiều
Giờ đây thương nhớ bao năm mặn nồng bây giờ lìa nhau
Em yêu ơi từ nay cách biệt nụ cười
Đường xa gió lạnh mưa nhiều
Và môi em đắng cay trăm chiều
Bao năm rồi một ngày chưa sống xa nhau
Ngọt bùi chia sớt cho nhau
Mà giờ này sao lắm thương đau
Mấy đêm qua rồi nghe từng lá rụng ngoài sân
Từng hồi chuông đổ càng thêm tái tê trong lòng
Vắng em cô phòng càng quạnh hiu
Nhớ em nhớ từng làn hơi thở
Trời ơi có biết xa em sẽ làm chết cả đời anh
Em yêu ơi từ nay cách biệt nụ cười
Đường xa gió lạnh mưa nhiều
Và môi em đắng cay trăm chiều
Bao năm rồi một ngày chưa sống xa nhau
Ngọt bùi chia sớt cho nhau
Mà giờ này sao lắm thương đau
Mấy đêm qua rồi nghe từng lá rụng ngoài sân
Từng hồi chuông đổ càng thêm tái tê trong lòng
Vắng em cô phòng càng quạnh hiu
Nhớ em nhớ từng làn hơi thở
Trời ơi có biết xa em sẽ làm chết cả đời anh
Trời ơi có biết xa em sẽ làm chết cả đời anh
Danh ca Hương Lan hát "Khóc thầm"

"Một mình"

Theo chia sẻ của Quang Hà, "Một mình" là một trong những số ít những ca khúc mà nhạc sĩ Lam Phương viết cho riêng ông.

Ông vẫn còn nhớ rõ ngày mà mình viết lên những câu hát: "Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình...". "Đó là ngày 11/11/1990 khi tôi chuyển về sống với người bác ruột, một căn nhà nhỏ nằm gần bờ sông thuộc quận Noisiel, ngoại ô Paris, Pháp", nhạc sĩ Lam Phương kể.

Cố nhạc sĩ từng bảo, đó là khoảng thời gian rất buồn: "Cuộc đời tôi buồn nhiều hơn vui. Nhưng chính vì biết trước như vậy nên tôi biết dẹp nỗi buồn qua một bên và tự tìm niềm vui và an ủi riêng cho mình. Tâm hồn nghệ sĩ mà, buồn đó nhưng rồi lại chờ và hy vọng niềm vui đến thì mới có cảm xúc được chứ! Tôi sống bằng hy vọng nhiều mà!"

Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình, đã có người nghe

Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành
Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình
Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh

Đường xưa quen lối, tình dối người mang
Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan
Cố tìm tình chồng chất ngổn ngang
Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu
Tình cờ gặp nhau, ngỡ ngàng nhìn nhau
Để rồi còn gì nữa cho nhau

Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh

Quang Hà hát "Một mình"

"Cỏ úa"

Chia sẻ về sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung ngậm ngùi nói: "Tôi gặp chú Lam Phương lần cuối là khoảng trước khi dịch Covid- 19 tại Mỹ lan rộng. Thời điểm đó, chú Lam Phương vẫn giữ tinh thần lạc quan.

Tôi và một số nghệ sĩ cũng may mắn được tham gia những đêm liveshow của chú và thỉnh thoảng cũng được ghé tới tư gia của chú để thăm hỏi chú và nghe chú chia sẻ về những tác phẩm của chú. Tôi hát các sáng tác của chú, trong đó "Cỏ úa" được nhiều khán giả rất yêu thích…

Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng.
Còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm.
Có phải còn yêu vì đôi lần thầm nhớ.
Mình đã thật quên cớ sao lòng vẫn chờ.
Từ lúc em đi trong rượu cay men nồng.
Màu trắng khăn tang quanh căn phòng cô đơn.
Bão tố triền miên ngày em về nhà đó.
Buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu.
Đk:
Một chiều trên đồi em làm thơ,
Cỏ biết tương tư vàng úa.
Mộng dệt theo đàn bên người mới.
Mới biết mình yêu bao giờ.
Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời.
Tình đã như vôi mong chi còn chung đôi.
Cứ cuối mặt đi để nghe đời lầm lỡ.
Đừng níu thời gian cho thêm sầu vương mang

Nguyễn Hồng Nhung và Đan Nguyên hát "Cỏ úa"

"Bài thơ không đoạn kết"

"Sáng nay khi biết tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời, tôi cảm thấy lòng mình nhói lên một nỗi đau, bởi dù tôi chưa từng có cơ hội như nhiều ca sĩ khác là được làm việc nên nếu nói về kỷ niệm giữa tôi và nhạc sĩ Lam Phương là không có.

Nhưng chính điều đó đã khiến tôi cảm thấy hơn cả nỗi buồn khi biết tin nhạc sĩ đã ra đi. Sự ra đi của ông hay của nhiều nhạc sĩ trước đó như nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Phạm Duy… những cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt là một mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam và để lại tiếc nuối cho khán giả yêu nhạc.

Tuy nhiên mỗi người đều phải trải qua sinh lão bệnh tử, sẽ có đoạn cuối của con đường. Với nhạc sĩ Lam Phương, ông không chỉ nghĩ mình đi và có đoạn kết của con đường, dường như con đường đời của ông không bao giờ có đoạn kết.

Trong ca khúc "Bài thơ không đoạn kết" đã có những câu: "Từ ngày có anh em mong sao duyên êm như lời thơ/Đời đã không cho em xây trọn niềm mơ/Một bài thơ yêu không đoạn kết/Một cuộc tình tan giữa sông Seine…"", ca sĩ Thu Phương chia sẻ trước tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời.

Em gửi cho anh đôi môi hồng đào ngày xưa
Một nụ hôn tha thiết của thuở mây mưa
Một tình yêu muôn kiếp thoáng mãi hương xưa

Và em gửi cho anh ánh mắt nôn nao đầu tiên
Tìm giùm em câu kết lá số tơ duyên
Tình xôn xao thế mấy anh ơi giờ cũng ngủ yên

Từ ngày có anh em mong sao duyên êm như lời thơ
Đời đã không cho em xây trọn niềm mơ
Một bài thơ yêu không đoạn kết
Một cuộc tình tan giữa sông Seine
Đời buồn như đêm vắng không đèn
Thôi cũng đành. Thôi cũng đành

Em gửi cho anh câu kinh vang trong hồi chuông
Và từ đây xa lánh phút giây yêu đương
Để câu kinh sám hối đưa em vào cõi bình yên

Thu Phương hát "Bài thơ không đoạn kết"

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm