Khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng

(Dân trí) - Chiều 24/12, lễ khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Thế Âm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

 

Khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng - 1
Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng vừa chính thức mở cửa đón khách tham quan từ chiều 24/12

Như Dân trí đã có bài báo sớm, tại chùa Quán Thế Âm - Ngũ giác đài sen ngọc Đà Nẵng, lưu giữ hàng trăm cổ vật, hiện vật quý báu điển hình cho văn hóa Phật giáo. Các cổ vật, hiện vật tại chùa như tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ 7-8, cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20... tồn tại từ thời khai thiên lập địa chùa Quán Thế Âm vốn là thánh địa tâm linh của quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Cuối năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm. Đây được xem là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, và là bảo tàng ngoài công lập thứ ba trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (sau Bảo tàng Văn hóa Việt và Bảo tàng Đồng Đình).

 

Lễ khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên của Việt Nam được tở chức trọng thể tại chùa Quán Thế Âm chiều 24/12
Lễ khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên của Việt Nam được tở chức trọng thể tại chùa Quán Thế Âm chiều 24/12

 

Theo ông Trần Quang Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Nẵng, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu văn hóa Phật giáo vốn có vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam; góp thêm một điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Đà Nẵng.

 

Khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng - 3
Nhiều hiện vật, nhóm hiện vật vừa có giá trị biểu tượng văn hóa Phật giáo vừa là những di sản văn hóa quý giá đang được trưng bày tại Bảo tàng
Nhiều hiện vật, nhóm hiện vật vừa có giá trị biểu tượng văn hóa Phật giáo vừa là những di sản văn hóa quý giá đang được trưng bày tại Bảo tàng

 

Có khoảng 500 hiện vật tại chùa Quán Thế Âm nơi đặt Bảo tàng đã được các chuyên gia trong lĩnh vực giám định cổ vật làm hộ chiếu
Có khoảng 500 hiện vật tại chùa Quán Thế Âm nơi đặt Bảo tàng đã được các chuyên gia trong lĩnh vực giám định cổ vật làm hộ chiếu

 

Khách tham quan ghi hình từng hiện vật trưng bày tại Bảo tàng
Khách tham quan ghi hình từng hiện vật trưng bày tại Bảo tàng

 

Được biết, trong hơn một năm qua, các chuyên gia trong Hội đồng giám định cổ vật thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao- Du lịch gồm các TS. Phạm Quốc Quân và TS. Nguyễn Đình Chiến đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng... nghiên cứu, thẩm định và làm hộ chiếu cho khoảng 500 hiện vật, cổ vật tại chúa Quán Thế Âm. Tại buổi họp báo ngay trước lễ khánh thành Bảo tàng chiều 24/12, TS. Nguyễn Đình Chiến - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - một trong hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giám định cổ vật, hiện vật tại Bảo tàng cho biêt, các hiện vật, cổ vật được giám định hầu hết bằng phương pháp chuyên gia và sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, hiệu chỉnh, bổ sung thông tin cho từng hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng.

TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng cách mạng Việt Nam chia sẻ lý lịch hiện vật trưng bày tại Bảo tàng mới là những thông tin ban đầu và việc giám định được thực hiện hết sức cẩn trọng, những thông tin chi tiết chưa rõ vẫn được để ngõ để tiếp tục nghiêm cứu, giám định. “Về giá trị của các hiện vật thì niên đại của hiện vật chỉ là một yếu tố để xét đến, quan trọng là giá trị văn hóa phi vật thể chứa đựng bên trong hiện vật. Nhiều hiện vật mới hơn nhưng lại có giá trị hơn cả các cổ vật do nội hàm giá trị văn hóa phi vật thể bên trong” - TS.Phạm Quốc Quân nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đến dự lễ khánh thành Bảo tàng tin rằng các hiện vật, cổ vật đang được trưng bày tại Bảo tàng còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị quý báu mà chưa được rõ hết. Trước hết, quy mô của Bảo tàng xét tới số lượng hiện vật đang được trưng bày tại đây; còn về chất lượng hiện vật vẫn còn nhiều thông tin chi tiết để ngõ là một sự cẩn trọng cho thấy sự nghiêm túc của các chuyên gia cũng như nhà chùa nơi đặt Bảo tàng.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc việc mở cửa Bảo tàng là một cách để các hiện vật được tiếp cận với công chúng, trong đó có nhiều người là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực. Đồng thời với việc mở cửa Bảo tàng, cần có một “bảo tàng ảo” trên mạng thông tin vê các hiện vật ở Bảo tàng để tiếp nhận thêm nhiều ý kiến đánh giá, thảo luận, so sánh với các hiện vật trong công chúng.

Khánh Hiền