Chiêm ngưỡng tinh hoa cổ vật Phật giáo ở Đà Nẵng
(Dân trí) - Hàng trăm cổ vật, hiện vật quý báu đang được hoàn tất trưng bày chuẩn bị chính thức ra mắt công chúng trong ngày mở cửa Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng vào ngày 24/12 sắp tới, tại chùa Quán Thế Âm nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.
“Cơ duyên” ra đời Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam
Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh- trụ trì chùa Quán Thế Âm, các cổ vật tại chùa như tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ 7-8, cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tồn tại từ thời khai thiên lập địa chùa Quán Thế Âm vốn là thánh địa tâm linh của quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, gắn liền với lễ hội Quán Thế Âm - một trong 15 lễ hội văn hóa lớn nhất nước được tổ chức vào tháng Hai âm lịch hàng năm. Ngoài ra, có nhiều hiện vật văn hóa Phật giáo do các Phật tử hiến tặng trong quá trình xây mới lại chùa trong 3 năm trở lại đây. Nếu không có một “cơ duyên” thì thật không biết nhà chùa đang có nhiều tinh hoa cổ vật Phật giáo đến thế.
“Cơ duyên” này đến trong một lần các chuyên gia di sản văn hóa Trung ương trên đường vào Quảng Ngãi giám định số cổ vật trục vớt từ con thuyền bị đắm ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhưng bị bão nên các chuyên gia, trong đó có TS. Phạm Quốc Quân và TS. Nguyễn Đình Chiến đã dừng lại Đà Nẵng. Các chuyên gia đã được các lãnh đạo ở Bảo tàng Đà Nẵng là Giám đốc Hà Phước Mai và Phó giám đốc Huỳnh Đình Quốc Thiện giới thiệu sang xem những hiện vật đang được lưu giữ ở chùa Quán Thế Âm. Có khoảng 100 hiện vật ở chùa sau đó đã được trưng bày tại Triển lãm tinh hoa cổ vật Phật giáo Việt Nam hồi tháng 8/2013. Các chuyên gia ngay lập tức đã làm hộ chiếu cho các hiện vật và khuyến khích thành lập Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng. Đến cuối năm 2014, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định chính thức thành lập Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng mà sau khi ra mắt vào ngày 24/12 tới đây, sau một thời gian dài giám định, sắp xếp trưng bày hiện vật, sẽ là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.
Mỗi cổ vật là một câu chuyện
Trong khoảng 500 hiện vật đang được lưu giữ tại chùa Quán Thế Âm, ngoài ra còn có nhiều hiện vật do các chùa khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và cả các tỉnh, thành khác tập hợp lại, có khoảng 200 hiện đã được xác định là cổ vật có giá trị không chỉ về mặt tâm linh trong tín ngưỡng Phật giáo mà còn là những cổ vật có giá trị như những hiện vật di sản văn hóa.
Trong số các cổ vật này, các chuyên gia đã khuyến khích thành lập hồ sơ bảo vật quốc gia cho hai nhóm cổ vật. Một là, tượng bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử tạc hình Phật Bà đang bế một trẻ nhỏ trên tay, mà tương truyền là được tìm thấy trong hoàng cung nhà Nguyễn do một hoàng hậu thờ để cầu thái tử. Hai là, nhóm 8 tượng Phật Mật Tông mà hiện Bảo tàng mới trưng bày 6 tượng. Theo các chuyên gia là các TS. Phạm Quốc Quân và TS. Nguyễn Đình Chiến, nên liên lạc mời các nhà giám định quốc tế để có thể lý giải các bức tượng này làm bằng chất liệu gì lại lên màu xanh ngọc rất đẹp, rất nghệ thuật như thế. Các tượng trong nhóm tượng này lại có hình dáng rất khác lạ, hiếm thấy. Có nhiều khả năng, bộ tượng này có nguồn cội từ Phật viện Đồng Dương được xây dựng từ thế kỷ 9 dưới vương triều Chămpa, nơi tìm thấy hai bảo vật quốc gia đã được công nhận là Tượng Phật Đồng Dương và tượng Bồ Tát Tara.
Nhiều hiện vật rất đáng chú ý khác ở Bảo tàng như bức tranh khảm xà cừ hình đức Phật nhập niết bàn, xung quanh là các tướng quân, các tăng ni, cung phi mỹ nữ, muôn thú...; tựng Quan Âm tứ thủ; hay bức tượng Phật Di Lặc tuy chưa xác định là cổ vật nhưng đặc biệt ở chỗ tuy có kích thước bên ngoài tương đối nhỏ, không biết làm bằng chất liệu quặng kim loại gì lại nặng đến phải 2, 3 người đỡ mới được...
Thượng tọa Thích Huệ Vinh đặc biệt kể câu chuyện về bức tượng Phật Bồ Tát cưỡi rồng một sừng (tương truyền là hình tượng của cá hóa rồng), trên tay Bồ Tát là một viên định hải châu có ý nghĩa chế ngự rồng dữ gây họa sóng thần. Bức tượng này đã có một chuyến đi Nhật trở về khi người Nhật muốn tạc một bức tượng Phật theo nguyên mẫu này để cầu an qua những trận sóng thần gây động đất kinh hoàng ở xứ Phù Tang. Bức tượng này vốn do một người dân hiến tặng nhà chùa cũng trong một “cơ duyên”. “Sau đợt sóng thần ở Nhật Bản, tôi có nghĩ đến việc tạc một tượng Phật có ý nghĩa cầu an thì thật tự nhiên khoảng một thangsau đó, có một người dân đã mang đến hiến tặng nhà chùa hiện vật quý giá này” - Trụ trì chùa Quán Thế Âm kể.
Hàng trăm cổ vật, hiện vật với hàng trăm câu chuyện kể không chỉ gắn liền với đời sống tâm linh Phật giáo mà còn là những di sản văn hóa vô cùng có giá trị đang chờ ngày chính thức rămts cùng Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng. Bảo tàng được kỳ vọng sẽ là một điểm đến hấp dẫn du khách ngay trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng.
Khánh Hiền