Lễ hội Ngư dân Cần Giờ 2015:

Hoành tráng lễ Nghinh Ông

(Dân trí) - Sáng 28/9, Lễ nghinh Ông tại huyện Cần Giờ đã diễn ra trên cửa biển huyện. Từ rất sớm, hàng trăm tàu ghe của ngư dân đã tập hợp rất đông tại các bến tàu.

 

Hoành tráng lễ nghinh Ông tại Cần Giờ

Đúng 9h30, thuyền lễ chính bắt đầu xuất phát.

Tiếp đó, hàng đoàn tàu nối đuôi theo sau tạo nên khung cảnh vô cùng hoành tráng.

 

Thuyền lễ chính đang tiến ra cửa biển.
Thuyền lễ chính đang tiến ra cửa biển.

Có khoảng hơn 100 tàu ghe lớn nhỏ tham gia phần lễ rước. Thông thường lễ hội nghinh Ông có lễ rước và lễ tế truyền thống. Bắt đầu phần nghinh là lễ rước kiệu của Nam Hải Tướng Quân xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con bày lễ vật nghênh đón, khói nhang nghi ngút. Cùng với thuyền rồng rước thủy tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển để nghinh ông. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước.

 

Rất đông bà con ngư dân và du khách theo các tàu tham gia lễ nghinh Ông.
Rất đông bà con ngư dân và du khách theo các tàu tham gia lễ nghinh Ông.

 

KHi ra đến cửa biển, thuyền lễ chính tiến hành nghi thức Nghinh Ông.
KHi ra đến cửa biển, thuyền lễ chính tiến hành nghi thức Nghinh Ông.

 

Theo Vạn trưởng Ngô Văn Dị: “ Mình lập bàn nghinh xong, đợi con nước lớn mang xuống ghe và chạy ra phía nhà đèn(nằm giữa Vũng Tàu và Cần Giờ). Điểm giao nhau này gọi là Tam Giang Khẩu. Ghe lễ chính tiến hành làm lễ nghinh ông. Ngày xưa, môi trường còn tốt, vùng nước này cá ông hay xuất hiện. Hiện chúng tôi còn lưu giữ bộ xương cá ông có năm 1971 dài 15 mét. Người dân làm nông thì thờ thần nông tại đình làng, người xứ biển thờ Cá Ông tại lăng. Ngư dân quan niệm chim chết vì ná, cá chết vì gió. Nếu lễ nghinh ông còn là dịp cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền ghe đầy tôm cá…”

Sau đó, Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thủy Tướng. Trong đoàn rước gồm đội cà khêu, diễn viên hát bội, đội binh tôm tướng cá, dẫn đầu là đội kèn của các em thiếu niên dẫn bàn nghinh về lăng.

 

Thực hiện nghi thức nghinh Ông xong, thuyền lễ chính quay lại lăng Thủy Tướng.
Thực hiện nghi thức nghinh Ông xong, thuyền lễ chính quay lại lăng Thủy Tướng.

 

Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy Tướng.

 

Trên đường nghinh Ông từ cảng tàu về lăng.
Trên đường nghinh Ông từ cảng tàu về lăng.

 

Bà con ngư dân sau khi cầu nguyện sẽ được ban lộc.
Bà con ngư dân sau khi cầu nguyện sẽ được ban lộc.

 

Xây chầu...
Xây chầu...

 

...hành lễ.
...hành lễ.

Theo ông Phạm Hiếu - Phó trưởng ban Tuyên Giáo Huyện Ủy Cần Giờ, Phó BTC lễ hội cho biết: “lễ hội này có từ trước thế kỷ 18, chúng tôi nâng cấp hoạt động lễ hội lên từ năm 2000. Năm 2013, chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì lẽ đó, Cần Giờ đầu tư hơn trong phần lễ và phần hội để bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống này"

Phạm Nguyễn

phamnguyen.dtr@gmail.com.