Hạt dổi, linh hồn của ẩm thực Tây Bắc
(Dân trí) - Những món đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Bắc luôn có một gia vị đặc biệt, tạo nên nét đặc trưng cho ẩm thực vùng cao, đó chính là hạt dổi.
Khi nhắc đến những gia vị đặc trưng trong ẩm thực Tây Bắc, không thể không nhắc đến hạt dổi. Hạt dổi được mệnh danh "linh hồn" của ẩm thực Tây Bắc. Hương thơm hạt dổi rất đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với những loại gia vị thông thường như tiêu, quế, hồi,... Chỉ cần một vài hạt dổi đã giúp cho mùi vị món ăn trở nên đặc biệt hơn hẳn.
Cây dổi là giống cây thân gỗ, ít cành, cây thẳng, cây trưởng thành có thể cao hơn 30m, đường kính thân cây tới hơn 1m. Dổi ra hoa 2 vụ 1 năm: Vụ chính từ tháng 2-3 và chín vào tháng 9-10. Vụ phụ từ tháng 7-8 và chín vào tháng 3-4. Cứ 2-3 năm lại có 1 vụ thu nhiều.
Người ta có thể thu quả dổi bằng cách nhặt quả quanh gốc hoặc dùng sào chọc cho quả rụng xuống. Quả dổi khi chín sẽ bung ra cho những hạt dổi chín đỏ căng mọng. Hạt dổi to khoảng bằng hạt ngô. Sau khi thu hoạch quả người dân tách hạt phơi khô rồi đem bán. Khi được đem phơi khô sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu cánh gián hoặc màu đen bóng.
Dù đã được phổ biến và trồng nhiều như giá loại hạt này không hề rẻ. Trung bình giá trên thị trường dao động khoảng 500.000 đồng - 1 triệu đồng/ 1 kg. Mỗi cây dổi trưởng thành cho thu hoạch khoảng 10-15 kg hạt dổi. Cây dổi càng lâu năm sẽ cho càng nhiều hạt và hạt càng thơm, ngon.
Cây dổi được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc như Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình… Hạt dổi còn được gọi với cái tên "hạt tiêu rừng". Khi sử dụng để nấu ăn hạt dổi được nướng bằng than cho dậy mùi thơm sau đó giã nhỏ và thêm vào thức ăn.
Một số những món ăn đặc trưng của miền núi phía Bắc như cá nướng, thịt trâu gác bếp, không thể thiếu gia vị này. Hạt dổi chính là bí quyết làm nên hương vị của những món ăn đặc sản vùng cao.