Hàn Quốc đã chuẩn bị suốt 30 năm để có hiện tượng "Trò chơi con mực"

(Dân trí) - "Squid Game" (Trò chơi con mực) chỉ là một nấc thang thành công mới trong công cuộc xuất khẩu văn hóa mà nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã kiên nhẫn chuẩn bị trong suốt 2 - 3 thập kỷ qua.

Đối với những người vốn đã quan tâm tới văn hóa Hàn, tới "làn sóng Hàn" kể từ thập niên 1990, họ sẽ không bất ngờ trước những thành công mà hiện tại, nền công nghiệp giải trí xứ kim chi đang tạo dựng được trên quy mô quốc tế.

Hiện tượng văn hóa Hàn đình đám nhất trên toàn cầu trong năm nay chính là bộ phim nhiều tập "Trò chơi con mực", nhưng đây kỳ thực chỉ là một nấc thang thành công mới trong chặng hành trình với tham vọng xuất khẩu văn hóa, mà nền công nghiệp giải trí xứ Hàn đã cần mẫn thực hiện suốt 2 - 3 thập kỷ qua.

Hàn Quốc đã chuẩn bị suốt 30 năm để có hiện tượng Trò chơi con mực - 1

Hiện tượng văn hóa Hàn đình đám nhất trên toàn cầu trong năm nay chính là bộ phim nhiều tập "Trò chơi con mực" (Ảnh: Binghamton).

Thành công trên quy mô toàn cầu của "Trò chơi con mực" được tạo nên từ tổng hòa rất nhiều yếu tố mà nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã kỳ công vun đắp, chuẩn bị suốt một thời gian dài.

Những "làn sóng Hàn", những cuộc xuất khẩu văn hóa Hàn vốn đã được biết tới tại Châu Á từ lâu, giờ đây, "làn sóng" ấy mở rộng ra tầm quốc tế, khiến ngay cả những nền công nghiệp giải trí hùng mạnh hàng đầu trong thế giới phương Tây cũng phải sửng sốt, dè chừng và tìm cách phân tích, lý giải.

Giáo sư người Mỹ gốc Hàn - ông Ku Ji-song chuyên giảng dạy về văn hóa Châu Á và hiện đang nghiên cứu tại Trung tâm Hàn Quốc học thuộc Đại học Binghamton, New York, Mỹ, đã có những phân tích đánh giá chuyên sâu về "làn sóng Hàn" đang phủ khắp toàn cầu.

Theo ông Ku Ji-song, để có được làn sóng Hàn với mức độ thành công và quy mô bao phủ rộng lớn như hiện nay, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã kỳ công chuẩn bị từ rất lâu:

"Trong hơn 20 năm qua, phim Hàn đã không ngừng gia tăng mức độ ăn khách đối với công chúng quốc tế. Thoạt tiên, những nước ở gần Hàn Quốc bị hấp dẫn trước tiên bởi phim Hàn, dần dần, "làn sóng Hàn" mở rộng ra và giờ đã lan tới cả các nước phương Tây thông qua nhiều nền tảng quảng bá.

Tôi nghĩ dịch bệnh là một lý do khiến công chúng thế giới có nhiều thời gian hơn để tìm kiếm những món ăn tinh thần mới và bỗng nhiều người cảm thấy bị hấp dẫn bởi văn hóa Hàn. Trước đó, sự gia tăng tầm ảnh hưởng của nhạc Hàn, của phim truyền hình Hàn, phim điện ảnh Hàn... đã góp phần khiến văn hóa đại chúng Hàn Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với công chúng thế giới.

Hàn Quốc đã chuẩn bị suốt 30 năm để có hiện tượng Trò chơi con mực - 2

Các nền tảng giải trí trực tuyến lại ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, giúp các sản phẩm văn hóa Hàn càng dễ tới được với công chúng quốc tế (Ảnh: Cảnh trong phim "Squid Game"/Binghamton).

Sau đó, các nền tảng giải trí trực tuyến lại ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, giúp các sản phẩm văn hóa Hàn càng dễ tới được với công chúng quốc tế. Tất cả những yếu tố này cùng hợp lại tại một thời điểm và tạo nên "làn sóng Hàn" mạnh mẽ như chúng ta đang thấy".

Những bạo lực, tàn khốc mà người xem tìm thấy trong "Trò chơi con mực" thực tế không xa lạ gì với phim truyền hình - điện ảnh Hàn Quốc từ trước đến nay:

"Bộ phim "Trò chơi con mực" tiếp tục chứa đựng sự táo bạo, tính khốc liệt vốn đã được phản ánh trong phim Hàn Quốc từ lâu. Những ai đã xem nhiều phim Hàn sẽ không cảm thấy "Trò chơi con mực" là một cú sốc đột biến", giáo sư Ku Ji-song nhận định.

Thành công của "Trò chơi con mực" đã khiến hàng triệu người trên thế giới bắt đầu quan tâm tìm hiểu về phim Hàn. Về phần giáo sư Ku Ji-song, ông đã không ngừng theo dõi sự phát triển của nền công nghiệp giải trí xứ Hàn, bởi đó vừa là quê hương vừa là một phần nội dung công việc của ông.

Hàn Quốc đã chuẩn bị suốt 30 năm để có hiện tượng Trò chơi con mực - 3

Giáo sư Ku Ji-song đánh giá rằng "làn sóng Hàn" đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 1990 (Ảnh: Cảnh trong phim "Squid Game"/Binghamton).

Giáo sư Ku Ji-song đánh giá rằng "làn sóng Hàn" đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 1990. Khi ấy, nền kinh tế Hàn Quốc đang hồi phục sau khủng hoảng và cần phải có những hạng mục tiềm năng mới có khả năng sinh lợi cao nhưng rủi ro thấp, việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa - giải trí - phong cách sống chính là hướng đi đã được Hàn Quốc hướng đến kể từ thời điểm ấy:

"Muốn nói về tầm ảnh hưởng của văn hóa Hàn, chúng ta cần quay ngược thời gian 20 - 30 năm, trở về thời kỳ đầu của "làn sóng Hàn". Khi ấy, vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc nhận lãnh trách nhiệm biến những sản phẩm văn hóa - giải trí - phong cách sống của Hàn Quốc trở thành những sản phẩm có khả năng xuất khẩu và sinh lợi.

Cơn sốt "Trò chơi con mực" mà chúng ta thấy vừa qua là một đỉnh cao thành công mới đến từ một công cuộc đã được Hàn Quốc khởi động từ cuối thập niên 1990. Thế giới vốn đã biết đến điện thoại Samsung, xe hơi Hyundai, và giờ chúng ta biết tới những sản phẩm văn hóa - giải trí, các sản phẩm thuộc về phong cách sống đến từ Hàn Quốc".

Qua từng thời kỳ, các nội dung văn hóa - giải trí mà nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đưa lại cho công chúng đều có sự thay đổi.

Từ những bộ phim truyền hình tình cảm lãng mạn đôi khi nhuốm màu bi lụy, tới những bộ phim hài tình cảm lãng mạn vui tươi hơn, và giờ là những bộ phim có nhiều chất "quái" với phong cách táo bạo, dữ dội, khốc liệt, phản ánh những tồn tại của xã hội hiện đại; "làn sóng Hàn" đã không ngừng biến đổi qua thời gian để không trở nên cũ kỹ đối với công chúng quốc tế.

Như trong "Trò chơi con mực", người xem tìm thấy những nỗi bất an, áp lực kinh tế, khoảng cách giàu nghèo vốn đang hiện diện trong cuộc sống của rất nhiều người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính điều này đã khiến phim tạo nên sự đồng cảm trong người xem ở nhiều quốc gia, bất kể những khác biệt về văn hóa, bất kể việc có những khán giả trước đó còn chưa từng xem phim Hàn.

Hàn Quốc đã chuẩn bị suốt 30 năm để có hiện tượng Trò chơi con mực - 4

Phim truyền hình Hàn Quốc nói riêng và nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc nói chung đã không ngừng làm mới nội dung (Ảnh: Cảnh trong phim "Squid Game"/Binghamton).

Phim truyền hình Hàn Quốc nói riêng và nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc nói chung đã không ngừng làm mới nội dung, bắt kịp thị hiếu và tạo nên những xu hướng mới trong chặng hành trình dài bền bỉ, để tới hôm nay, "làn sóng Hàn" của họ đã vươn xa tới những bến bờ mới, đạt tới những cấp độ thành công mới.

Để có được những nhóm nhạc như BTS, Blackpink, để có "Parasite" thắng lớn tại giải Oscar 2020, để "Squid Game" trở thành hiện tượng toàn cầu trong năm 2021, kéo theo đó là sự phát triển bùng nổ của thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực Hàn... tại nhiều quốc gia trên thế giới, nền công nghiệp giải trí xứ Hàn đã có một công cuộc chuẩn bị dài lâu, kiên nhẫn, bền bỉ.