Đạo diễn "Trò chơi con mực" : "Thành công của phim chỉ giúp tôi... đủ ăn"
(Dân trí) - Đạo diễn của bộ phim nhiều tập "Trò chơi con mực" ăn khách toàn cầu thời gian qua không hề giàu lên nhờ phim, anh không có khoản thu nhập phát sinh đáng kể nào, và "vẫn chỉ đủ ăn".
Dù bộ phim nhiều tập "Trò chơi con mực" thành công lớn, trở thành bộ phim thành công nhất của nền tảng trực tuyến Netflix, nhưng đạo diễn của phim Hwang Dong-hyuk không giàu lên nhờ phim và thực tế không nhận về khoản thu nhập phát sinh đáng kể nào.
"Trò chơi con mực" hiện có thể được xem như một hiện tượng văn hóa đại chúng quốc tế, đạt đến số lượng người xem kỷ lục, nhưng phim không đưa lại hiệu ứng tích cực cho... túi tiền của đạo diễn, biên kịch kiêm người sáng tạo của sê-ri.
Đạo diễn Hwang Dong-hyuk chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ tin tức The Guardian (Anh) rằng bộ phim nhiều tập làm về đề tài sinh tồn dù rất gây sốt nhưng cơ bản vẫn chỉ giúp đạo diễn "đủ ăn".
Vị đạo diễn 50 tuổi cho hay: "Các bạn đừng nghĩ bộ phim này thành công lớn thì Netflix sẽ chi thêm cho tôi tiền thưởng. Netflix vẫn chỉ trả tôi số tiền như đã thương lượng trong hợp đồng gốc được thảo ra lúc khởi động dự án làm phim mà thôi".
Đạo diễn Hwang Dong-hyuk hài hước cho rằng mình sẽ không bao giờ có thể giàu có như nhân vật chính của "Trò chơi con mực". Dù vậy, anh cũng vẫn tích cực, lạc quan về đời sống cá nhân của mình và chia sẻ rằng anh vẫn có đủ tiền "để sống qua ngày".
Thông tin mới này là một yếu tố gây bất ngờ, khiến nhiều fan của bộ phim cảm thấy ái ngại cho vị đạo diễn. Bộ phim đã được 142 triệu người dùng dịch vụ của Netflix trên toàn cầu theo dõi, giúp nền tảng này gia tăng số lượng khách hàng. Hiện tại, "Trò chơi con mực" được ước tính có giá trị vào khoảng 900 triệu USD.
Trước đây, đạo diễn Hwang Dong-hyuk đã từng chia sẻ về việc thực hiện bộ phim này khiến anh gặp nhiều hệ lụy đối với sức khỏe thể chất và tinh thần: "Thực hiện bộ phim này khiến tôi bị ảnh hưởng cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc, có những lúc tôi cảm thấy kiệt quệ, tôi đã rụng 6 chiếc răng trong quá trình làm bộ phim "Trò chơi con mực".
Tôi vẫn tiếp tục nảy sinh những ý tưởng mới trong quá trình làm phim và còn phải nhìn nhận, đánh giá lại những tập mà chúng tôi đã ghi hình, nên khối lượng công việc bị nhân lên nhiều lần".
Nội dung phim "Trò chơi con mực" xoay quanh 456 người chơi đang ngập trong nợ nần, khó thoát ra được, họ cùng tham gia vào một cuộc chơi mạo hiểm tính mạng những mong nhận được số tiền thưởng lớn có thể giúp họ đổi đời.
Cảm hứng để đạo diễn Hwang Dong-hyuk thực hiện bộ phim "Trò chơi con mực" đến từ chính những khó khăn kinh tế mà vị đạo diễn từng gặp phải. Anh đã từng tìm kiếm sự khuây khỏa cho tâm hồn bằng những bộ truyện tranh xoay quanh những nhân vật nghèo khó, khát khao có được một số tiền lớn để đổi đời:
"Nếu thực sự có một trò chơi sinh tồn như trong phim được tổ chức trong thực tế, tôi tự hỏi liệu mình có tham gia với hy vọng có thể mang về một khoản tiền cho gia đình hay không.
Tôi nhìn nhận khả năng ấy từ khía cạnh một nhà làm phim và đặt vào chuyện phim những trải nghiệm và xúc cảm của chính mình để tạo nên những nhân vật và câu chuyện chân thực, đó chính là cách tôi bắt đầu thực hiện kịch bản phim", đạo diễn Hwang Dong-hyuk cho hay.
Hiện tại, đạo diễn Hwang Dong-hyuk vẫn còn cơ hội để làm giàu từ thành công của "Trò chơi con mực", anh hài hước chia sẻ: "Nhiều khả năng tôi sẽ thực hiện tiếp phần 2 để có thể giàu có như nhân vật giành chiến thắng trong "Trò chơi con mực"".
Nỗi đau đứng sau thành công của "Trò chơi con mực"
"Trò chơi con mực" phản ánh sự bất bình đẳng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Hàn Quốc, khoảng cách giàu nghèo quá lớn, quá khốc liệt. Trong "Trò chơi con mực", người xem thấy những người nghèo càng lúc càng trở nên cùng quẫn trong nợ nần, túng thiếu, không thoát ra được.
Nhân vật chính của phim "Trò chơi con mực" - Gi-hun trước khi trở thành tay nghiện cờ bạc và chịu đựng sự khốn khổ trong tay những kẻ cho vay nặng lãi, đã từng là một công nhân nhà máy, nhưng rồi công ty này phá sản và anh ta rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cuộc sống của Gi-hun sau đó là chuỗi thất bại liên tiếp trong công việc, anh kiếm sống nhọc nhằn và vẫn đang sống cùng với người mẹ già. Những nhân vật khác tham gia vào trò chơi trong phim cũng đều ngập trong nợ nần giống như Gi-hun.
Họ tham gia vào cuộc chơi đánh cược mạng sống này với mong muốn thoát ra khỏi những rắc rối tiền bạc đang bủa vây cuộc sống của mình, nhưng trong quá trình tham gia, dù thua ở bất cứ thời điểm nào, họ ngay lập tức mất mạng. Nội dung phim được đánh giá là dữ dội và tàn khốc, nhưng cũng rất có tính giải trí đối với người xem.
Việc các nhà làm phim tại Hàn Quốc đã và đang khai thác chủ đề về khoảng cách giàu nghèo cho thấy sự bức bối của những vấn đề xã hội tại Hàn Quốc. Theo thống kê, một bộ phận người Hàn Quốc đang vay nợ nhiều hơn.
Tờ nhật báo danh tiếng Chosun Ilbo của Hàn Quốc từng đưa ra thống kê rằng có khoảng 4,24 triệu người Hàn Quốc (khoảng 8% dân số) đang vay tiền từ các tổ chức tài chính, quỹ tín dụng và thậm chí là từ những kẻ cho vay nặng lãi tại cùng một thời điểm, nghĩa là họ vay nợ nhiều nơi.
Thực tế hiện tại, cuộc sống còn đang trở nên khắc nghiệt hơn, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp chật vật để tồn tại.
Nhiều người lao động tại Hàn Quốc đang gặp khó khăn, khủng hoảng. Một bài báo đăng trên tờ Chosun Ilbo đã ghi lại tâm sự của một người nghèo rơi vào cảnh nợ nần trầm trọng. Câu nói của người này đã trở thành dòng tít của bài báo: "Tôi không xem nổi bộ phim "Trò chơi con mực", bởi phim quá giống với cuộc đời khốn khổ của tôi".
Thực tế, bất bình đẳng trong đời sống kinh tế - xã hội, khoảng cách khắc nghiệt giữa người giàu và người nghèo không phải là vấn đề mà riêng Hàn Quốc gặp phải. Điều này đang xảy ra trên khắp thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng đó chính là lý do tại sao "Trò chơi con mực" tạo được sức hấp dẫn lớn đối với người xem trên khắp thế giới, bất kể những sự khác biệt về văn hóa.
Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang tạo nên những làn sóng xuất khẩu văn hóa rất hấp dẫn đối với công chúng toàn cầu.
Những khắc họa chân thực, thậm chí trần trụi về thực tế cuộc sống trong "Trò chơi con mực" khiến giới chuyên môn, truyền thông và công chúng toàn cầu phải công nhận rằng giới làm phim Hàn Quốc đang tạo nên những sản phẩm có sự cân bằng giữa giá trị nghệ thuật, thông điệp xã hội và tính giải trí rất đáng nể.
Có rất nhiều chuyện đáng nói, đáng bàn trong bộ phim này. Nhưng dù câu chuyện có thể rất nặng nề, các nhà làm phim Hàn Quốc vẫn có cách khiến cho phim mang tính giải trí, hấp dẫn số đông và tạo nên những hiện tượng đình đám toàn cầu.
Giới chuyên môn với góc nhìn sâu sắc hay công chúng với nhu cầu giải trí đều được thỏa mãn theo những cách khác nhau khi đứng trước những bộ phim như "Trò chơi con mực" hay trước đó là phim điện ảnh "Ký sinh trùng" (2019).
Hiện tại, rất nhiều tờ báo phương Tây liên tục nhắc tới "Hallyu", tới "làn sóng Hàn", bởi làn sóng ấy đã đổ bộ tới thế giới phương Tây và khiến những nền công nghiệp giải trí hùng mạnh nhất cũng phải dè chừng quan sát. "Trò chơi con mực" chính là một làn sóng dữ dội mà truyền thông - công chúng thế giới vừa chứng kiến.