Giới thiệu Đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Báo Nhân dân đã tổ chức giới thiệu Đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ trên các ấn phẩm, nền tảng của báo.
Đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ nhấn mạnh về "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!" của 70 năm trước.
Theo ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đây là một đợt thông tin quy mô, toàn diện, phong phú nhất và kéo dài nhất trên báo chí cho tới thời điểm hiện nay do những người làm báo Đảng thực hiện về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau nhiều tháng chuẩn bị công phu, bắt đầu từ ngày 13/3/2024, Báo Nhân dân triển khai một sản phẩm trên Internet, đó là chuyên trang đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chuyên trang nhằm tái hiện toàn cảnh chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", phân tích đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu của quân và dân ta "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".
Theo đó, chuyên trang bao gồm 6 chuyên mục: Tư liệu; Diễn tiến chiến dịch; Dư luận quốc tế; Điện Biên hôm nay; Hỏi đáp về chiến dịch Điện Biên Phủ; Multimedia.
Trong đó, đặc sắc nhất của chuyên trang là Bản đồ chiến dịch tái hiện diễn biến 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới dạng 56 bản nhật ký, bắt đầu từ ngày 13/3/1954 đến 7/5/1954.
Mỗi bản nhật ký sẽ bao gồm các diễn biến trực tiếp xảy ra tại mặt trận Điện Biên Phủ, diễn biến tại các mặt trận và địa phương khác trên cả nước liên quan đến trận Điện Biên Phủ, công tác hậu cần và cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng như dư luận quốc tế về trận chiến ở Điện Biên Phủ.
Song song với nhật ký chiến dịch, chuyên trang có các tuyến bài phóng sự, bình luận, phân tích, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử về nghệ thuật quân sự, công tác hậu cần, tinh thần dũng cảm cũng như mất mát, hy sinh của người lính.
Người đọc có thể tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến đánh giá của dư luận quốc tế trong và sau khi diễn ra chiến dịch với chuyên mục Dư luận Quốc tế; hoặc trắc nghiệm kiến thức cá nhân về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thông qua các câu hỏi trong chuyên mục Hỏi đáp.
Mục Multimedia sẽ mang đến nhiều hình ảnh tư liệu quý, các video clip được thực hiện công phu bởi Truyền hình Nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm bài viết của các chuyên gia được đăng tải trên chuyên trang đặc biệt này, cách trình bày nội dung rất sáng tạo và cao cấp, mang lại trải nghiệm độc đáo cho người xem.
Không chỉ là vùng đất cách mạng, Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh. Chuyên mục Điện Biên hôm nay ghi nhận những đổi thay của mảnh đất anh hùng, chính quyền và nhân dân quyết tâm, nỗ lực xây dựng Điện Biên phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong thời gian tới, phần diễn tiến chiến dịch sẽ tiếp tục được bổ sung các phiên bản tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung và tiếng Nga trong tháng Tư với hy vọng đưa những thông tin chính thống về Chiến thắng Điện Biên Phủ đến với bạn bè quốc tế, nhất là độc giả trẻ.
Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết thêm, song song với Nhân dân điện tử, trong một tháng rưỡi tới, trên các ấn phẩm Nhân dân hằng ngày, Nhân dân cuối tuần, Nhân dân hằng tháng, báo Thời nay, Truyền hình Nhân dân sẽ có các tuyến bài phóng sự, bình luận, tin tức, phân tích, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, giới thiệu bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật về Điện Biên Phủ xưa và nay với cách thể hiện tổng quan rất mới và đặc biệt thú vị.
Phát biểu tại sự kiện, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - khẳng định, Đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ trên các ấn phẩm, nền tảng của Báo Nhân dân chính là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động tuyên truyền về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết bày tỏ, hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm thông tin đến cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Việt Nam và thế giới hiểu sâu thêm về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khẳng định sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, ý chí và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta, khẳng định đỉnh cao của nghệ thuật quân sự của quân đội ta, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đóng góp của bạn bè quốc tế.
Cũng tại sự kiện, Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, cựu chiến binh Điện Biên Phủ - chia sẻ về kỷ niệm sâu sắc nhất của ông trong thời kỳ kháng chiến.
Đó chính là thời điểm trước khi bắt đầu tấn công nổ súng, các lãnh đạo đã mệnh lệnh thay đổi, lùi lại thời gian tấn công. Sự thay đổi bất ngờ tạo ra rất nhiều khó khăn như di chuyển pháo, thế nhưng, toàn quân đã có tư tưởng đồng lòng, tin tưởng vào mệnh lệnh bên trên để mở ra cuộc tấn công thành công.
"Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi trong chiến dịch đó là thay đổi thời gian tấn công. Không chỉ dùng bộ binh mà dùng pháo binh nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Thay vì quyết tấn công sớm, quân đội ta đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên đã phải lùi lại thời gian.
Hàng vạn quân chuẩn bị đánh nhưng nhận được lệnh chuẩn bị hoãn thì xáo trộn, chúng tôi là đơn vị chấp hành mệnh lệnh. Việc cấp chỉ huy lùi lại thời gian nhưng lực lượng hoàn toàn tin tưởng vì cần phải chuẩn bị thật chu toàn, không được phép sai sót…
Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc", Trung tướng Đặng Quân Thụy kể lại.
Trong khuôn khổ sự kiện, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết đã trao quà lưu niệm tặng các cựu chiến binh Điện Biên Phủ tham dự chương trình.