Gặp những "bảo mẫu" tại vườn thú lâu đời nhất Việt Nam
(Dân trí) - "Tôi có một tình yêu đặc biệt với các loài thú, xem chúng như những đứa con của mình. Tôi đùa với mọi người rằng chúng tôi là những "bảo mẫu" và nơi này là "nhà trẻ đặc biệt", chị Diễm Ngọc nói.
Những cán bộ, bác sĩ thú y, nhân viên tại Thảo Cầm Viên được ví như những "bảo mẫu của muông thú" bởi trong nhiều năm qua, họ đã và đang làm một công việc rất ý nghĩa đó là cứu hộ và nuôi dưỡng nhiều loại động vật hoang dã, trong đó có một số loài nằm trong sách đỏ đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Công việc này có phần vất vả và thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm bởi bản năng tự nhiên của những loài thú dữ. Nhưng với tình yêu dành cho các loài thú và gần gũi với chúng mỗi ngày đã giúp họ gắn bó và luôn tận tình với công việc qua năm tháng.
Từ sáng sớm, khu vực chế biến thức ăn cho động vật ở Thảo Cầm Viên đã bận rộn, các nhân viên nhận thức ăn từ nhà cung cấp để sơ chế, chế biến chuẩn bị cho bữa ăn đầu ngày của các loài thú. Mỗi ngày, Thảo Cầm Viên tiếp nhận khoảng 6 tấn thức ăn, trong đó bao gồm các loại rau củ quả, các loại thịt tươi... để cung cấp cho hơn 1.300 cá thể đang được nuôi dưỡng tại đây.
Chị Nhung (nhân viên tổ chế biến thực phẩm) có hơn 20 năm làm việc tại Thảo Cầm Viên cho biết, công việc tuy vất vả nhưng mọi người cố gắng hết mình, hoàn thành nhiệm vụ.
"Đôi lúc công việc nhiều và luôn tay nhưng mọi người cười đùa với nhau làm tôi quên đi cái mệt", chị Nhung nói.
Ngoài việc được kiểm định trước khi tiếp nhận, các loại thịt, cá tươi cũng được ông Thân Văn Nê (Tổ trưởng tổ chế biến thực phẩm) cẩn thận kiểm tra bằng que thử một lần nữa trước khi mang đi chế biến và đưa ra các chuồng thú.
"Hằng ngày tôi phải kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi chế biến và đưa ra chuồng thú, nếu phát hiện đồ tươi sống có dấu hiệu nhiễm hóa chất tôi sẽ cho ngừng toàn bộ hoạt động của tổ chế biến và mời đơn vị chuyên môn vào cuộc để kiểm tra lô hàng", ông Nê nói.
Thức ăn sau khi chế biến, sơ chế xong sẽ được đẩy đi phát cho từng nhân viên phụ trách mỗi chuồng.
Sau khi nhận thức ăn, các nhân viên phụ trách sẽ phân loại lại thức ăn trước khi cho vào chuồng. Mỗi loài sẽ có mỗi tập tính ăn uống khác nhau, có loài thích ăn đồ ăn nguyên nhưng cũng có loài chỉ ăn thức ăn đã sơ chế hoặc bỏ vỏ, cắt nhỏ.
Đa số thú ăn thịt từ tự nhiên về đều giữ bản tính hoang dã, người nuôi phải đọc, đoán được những cử chỉ, hành động bản năng của nó. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì bởi thuần hóa một loài thú không đơn giản chỉ làm trong ngày một, ngày hai mà thậm chí thời gian có thể tính bằng năm.
"Thời gian tôi ở sở thú nhiều hơn ở bên gia đình, tôi coi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi lúc rảnh tay, tôi hay ngồi lại để ngắm nghía "đứa con" mình chăm bẵm", anh Huỳnh Thế Hùng (42 tuổi) nói.
Hiện tại Thảo Cầm Viên đang nuôi dưỡng 9 cá thể hổ bao gồm hổ Đông Dương, hổ Bengal, hổ Bengal trắng.
Ông Doãn Duy Hùng (57 tuổi) đang chơi đùa cùng chú hà mã. "Có nhiều kỷ niệm với mẹ con hà mã này lắm, tôi nhớ có hôm tôi bận việc nên phải nhờ người khác trông chuồng hộ, thấy người lạ, mẹ con hà mã không chịu đến ăn theo lời gọi. Phải chờ tôi đến gọi thì hai mẹ con nó mới chịu lại ăn", ông Hùng cười.
Hiện Thảo Cầm Viên đang nuôi dưỡng 5 cá thể hà mã (4 hà mã thường, 1 hà mã lùn).
Tại đây còn có 4 cá thể voi, trong đó cá thể voi già nhất là 65 tuổi, nặng đến 4,5 tấn.
Tổ voi hiện có 4 nhân viên chăm sóc chính, căn phòng kho rộng chưa đầy 10m2 là nơi chứa hàng chục món đồ để tập luyện, nuôi dưỡng voi. Đây cũng là nơi nghỉ ngơi của các nhân viên làm việc tại tổ voi.
Chị Nguyễn Phương Diễm Ngọc (30 tuổi, nhân viên thú y) đang cho chú bê 2 tháng tuổi bú sữa bằng bình. Chăm sóc chú bê từ lúc chào đời, chị đặt tên cho nó là Be từ lúc nhận chăm sóc.
"Tôi có một tình yêu đặc biệt với các loài thú, xem chúng như những đứa con của mình. Nhiều lúc tôi đùa với mọi người rằng chúng tôi là những "bảo mẫu" và nơi này là "nhà trẻ đặc biệt", chị Ngọc nói.
Cứ thế, công việc mỗi ngày của những "bảo mẫu" tại sở thú lâu đời nhất Việt Nam bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc chiều muộn. Họ vẫn làm việc hăng say và xem những loài thú ở đây như đứa con của chính mình.
Thảo Cầm Viên vừa tròn 160 tuổi, mặc dù đã trải qua thời gian dài như vậy nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ lại nhiều công trình cổ, tiêu biểu là khu chuồng khỉ với kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm 1920. Đây được xem một trong những công trình cổ nhất ở Thảo Cầm Viên.
Thảo Cầm Viên được thành lập vào năm 1864, tọa lạc gần hạ lưu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với diện tích 16,9 ha. Đây là vườn thú lâu đời đứng hàng thứ tám trên thế giới với tuổi đời đến nay đã tròn 160 năm.
Hiện nơi này đang nuôi dưỡng 1.373 cá thể thuộc 145 loài động vật, trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm như: trĩ sao, chà và, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm...
Việc nhân giống và bảo tồn các loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng giúp góp phần tuyên truyền bảo vệ các loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng đến tất cả các đối tượng người dân.