"Du lịch Việt Nam cần thay đổi nhận thức từ người đứng đầu"

(Dân trí) – “Nhận thức chưa đúng mức, cách làm thiếu chuyên nghiệp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong lĩnh vực du lịch… dẫn đến kém hiệu quả trong công tác xúc tiến quảng bá”- PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhận định.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Trung Lương- về những vấn đề bất cập trong công tác xúc tiến quảng bá Du lịch của Việt Nam hiện nay.
 
Du lịch Việt Nam cần thay đổi nhận thức từ người đứng đầu
Sự cố treo nhầm bức ảnh phong cảnh Trung Quốc tại gian hàng của Tổng cục du lịch chỉ là sự cố làm tràn ly. Mấu chốt của vấn đề là chưa có "nhận thức" đúng hướng từ những người có quyền quyết định trong ngành du lịch.

 
Được quan tâm, đầu tư từ năm 2000 nhưng đến nay công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của chúng ta chưa đạt hiệu quả cao là do thiếu tính chuyên nghiệp, nhận thức chưa đúng mức, chưa xác định được nhu cầu của khách dẫn đến cái cần thì không có. Bên cạnh đó, những người làm công tác xúc tiến du lịch lại không phải là người hiểu rõ và có định hướng đúng trước thực trạng của ngành dẫn đến tình trạng trên.

Vậy, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bất cập trong công tác xúc tiến quảng bá thưa ông?

Từ khi thành lập cho đến nay ngành du lịch tách ra nhập vào đến 6 lần và lần cuối cùng lại nhập với 2 ngành không phải ngành kinh tế là thể thao và văn hoá dẫn đến việc tự mình cản trở mình. Những người có quyền quyết định phải xác định rõ ràng đây là một ngành kinh tế để từ đó có sự đầu tư và định hướng lâu dài.

Bên cạnh đó, hiện nay chức năng xúc tiến du lịch nước ngoài được giao cho Cục hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đây là điều bất hợp lý dẫn đến thực trạng trên.

Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng trên là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong lĩnh vực du lịch. Dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu năng lực cả về tài chính, nhân lực cũng như quản lý.
Theo ông công tác quảng bá của du lịch Việt Nam nên đi theo hướng nào?

Theo kết quả nghiên cứu (chưa toàn diện) của chúng tôi cho thấy 70-80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhờ nghe người thân kể chứ không phải do đã thăm quan gian hàng, roadshow của ngành du lịch ở nước ngoài hoặc xem quảng cáo trên CNN, BBC. Qua đây có thể thấy cách làm truyền thống này chưa đạt hiệu quả cao.

Nếu biết kết hợp giữa văn hóa truyền thống và phương thức quảng bá qua phim ảnh, đời sống như cách làm của Hàn Quốc thì hiệu quả đạt được sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, để du lịch phát triển cần xây dựng những chiến lược chuyên ngành riêng như chiến lược về sản phẩm, chiến lược về xúc tiến quảng bá, chiến lược về đào tạo,… cần một chiến lược toàn diện và sự phối hợp liên ngành chặt chẽ. Và để du lịch phát triển thì mỗi người dân phải là một đại sứ với nụ cười thân thiện!

Du lịch Việt Nam hiện nay đang bị khai thác bừa bãi, mạnh ai nấy làm, ông đánh giá thế nào trước hiện trạng này?

Chúng tôi xót xa trước hiện trạng trên và rất tiếc bởi tiềm năng du lịch của chúng ta không kém các nước nhưng chúng ta chưa biết cách làm và chưa có ý thức giữ gìn. Để giải quyết vấn đề này cần phải thay đổi “nhận thức”, mà quan trọng nhất là “nhận thức” của người có quyền quyết định.

Bên cạnh đó, chúng ta cần những người trực tiếp thực hiện phải có trình độ, chuyên nghiệp và tâm huyết với nghề.  

Nên tiêu tiền quảng bá sao cho hiệu quả, thưa ông?

Quảng bá xúc tiến chỉ chuyên nghiệp và hiệu quả khi hiểu được phản ứng của khách hàng. Nhưng ngành du lịch Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào nghiêm túc về vấn đề này. Cần định kỳ đánh giá lại hoạt động xúc tiến quảng bá bằng ngân sách nhà nước để nắm được hiệu quả của nó đến đâu và rút ra kinh nghiệm. Có như vậy việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho công tác xúc tiến quảng bá mới có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 
Thu Hà (thực hiện)