Cựu binh Pháp kể về trận Điện Biên Phủ: "Xe thồ đã chiến thắng máy bay"
(Dân trí) - "Các cơ quan của Pháp đã không tính đến số lượng đông đảo người dân của đất nước châu Á này: Họ đã không tưởng tượng được rằng tất cả người dân đều chăm chỉ và cùng tham gia đóng góp…".
"Người Pháp đã bị đánh lừa bởi sự nghi binh khéo léo của đối phương"
"Chúng tôi nhận ra rằng mọi chuyển động, cử chỉ nhỏ nhất của chúng tôi đều được theo dõi từ đầu đến cuối và chúng tôi không thể thực hiện bất cứ điều gì mà không bị phát hiện", cựu binh Pháp Louis kể về phân khu Nam - Hồng Cúm thuộc Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954.
Còn Pierre Bonny, cựu binh người Pháp thuộc Trung đoàn du tiêm kích số 1 tham gia trận Điện Biên Phủ cũng ngạc nhiên nhớ lại: "Băng qua đèo Pha Đin, chúng tôi bắt gặp một đoàn dân công dài tới tận cuối chân trời. Họ đẩy những chiếc xe đạp do nhà máy Saint-Étienne sản xuất, trên bàn đạp, yên xe cho tới tay lái chất đầy những bao gạo và thùng đạn.
Còn vô số người khác nhún nhẩy bước đi với đôi quang gánh quẩy nặng trên vai. Đó là hình ảnh nổi bật về hệ thống hậu cần phương Đông!
Và các cơ quan tình báo Pháp hiển nhiên đã thất bại ước tính trước khi trận chiến bùng nổ rằng quân Việt Nam không có khả năng cung cấp lương thực và đạn từ các căn cứ nằm ở vùng đồng bằng cách Điện Biên Phủ 400km và huy động 40.000 quân chính quy cần thiết để bao vây một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Các cơ quan của Pháp đã không tính đến số lượng đông đảo người dân của đất nước châu Á này: Họ đã không tưởng tượng được rằng tất cả người dân đều chăm chỉ và cùng tham gia đóng góp…
…Công việc tỉ mỉ, kiên trì như loài kiến chỉ có trong một thời đại khác từ xa xưa là điều không thể tưởng tượng được đối với tư tưởng đương đại của người phương Tây, nhưng điều đó đã khiến cho sức mạnh cơ bắp chiến thắng được động cơ đốt trong và chiếc xe đạp cổ của nhà máy Saint-Étienne đã chiến thắng được máy bay!".
Câu chuyện mà Louis hay Pierre Bonny chia sẻ được hai nhà sử học người Pháp - GS Pierre Journoud và GS Hugues Tertrais - ghi lại trong cuốn Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng (nguyên bản tiếng Pháp Paroles de Dien Bien Phu - Les survivants témoignent).
Trong phần"Tiết lộ về những kì tích hậu cần của đối phương", từ chia sẻ của những nhân chứng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, những nghiên cứu cá nhân, hai tác giả đưa ra nhận định: "Ở Điện Biên Phủ, Quân đội Việt Nam có lực lượng hàng trăm nghìn binh lính và dân công, với sức mạnh pháo binh cùng vô số pháo phòng không.
Tất cả đã được ngụy trang từ trước nhằm che mắt đối phương trong vòng vây với phạm vi chiến đấu ngày càng bị thu hẹp, người Pháp đã bị đánh lừa bởi sự nghi binh khéo léo của đối phương, về khả năng huy động và sử dụng một lực lượng lớn như vậy….
Khi tướng Giáp quyết định sử dụng các đại đoàn tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ ngày 13/3, việc bất ngờ phát hiện ra khả năng tấn công của đối phương đã khiến binh lính của Liên hiệp Pháp chịu hậu quả nặng nề. Điều này trái ngược hoàn toàn với việc họ đánh giá quá thấp đối thủ".
Trên đây chỉ là một vài trong số hàng nghìn tư liệu GS Pierre Journoud và GS Hugues Tertrais ghi lại trong cuộc điều tra với hơn 1.000 cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Pháp còn sống để thực hiện cuốn sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng.
Theo hai tác giả, năm 1978, một nhà nghiên cứu thực hiện đề tài về quân đội Pháp ở Đông Dương đã gửi một bản câu hỏi điều tra tới các cựu chiến binh.
Trên 700 câu trả lời thu về đều không mang lại bất cứ điều gì mới ngoài những mơ hồ chung chung về trận chiến lớn. Những cựu chiến binh Điện Biên Phủ, như tác giả kết luận, không muốn đề cập đến; thời điểm hợp lí vẫn chưa đến.
Năm 2004, khi chỉ còn hơn 1.000 cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Pháp còn sống, cuộc điều tra mà GS Pierre Journoud và GS Hugues Tertrais thực hiện đã nhận được một lượng phản hồi nhất định bằng văn bản, từ một trang viết đơn giản đến vài trang dài hơn (thường là những kí ức để lại cho con hoặc cháu), và một vài chục giờ ghi âm trên băng từ.
Từ lính binh nhì tới vị tướng bốn sao, những người được phỏng vấn tiết lộ sự thật của họ, với những mảng tối, mảng sáng và cách nhìn riêng. Họ chia sẻ về những gì phải đối mặt trong trận chiến, những suy nghĩ về cuộc chiến tranh thuộc địa mà họ tham gia, về cuộc sống thường nhật trong trại tạm giam, về những khó khăn khi đã trở về...
Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng là kết quả của quá trình nghiên cứu tư liệu lịch sử cũng như lời kể của các nhân chứng.
Theo Pierre Journoud và Hugues Tertrais, rất nhiều người trong số họ đến Đông Dương với sự hăng hái, lý tưởng và sự ngây ngô của độ tuổi hai mươi (thậm chí ba mươi). Họ nghĩ đơn giản chỉ là phục vụ cho đất nước của mình giống như họ đã phục vụ, một cách đúng mực như trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, Điện Biên Phủ đã trở thành tấn bi kịch đối với họ mà với nhiều người, mỗi khi nhắc lại đó vẫn là "ký ức về những hình ảnh đầy ác mộng".
Câu chuyện từ những số phận khác nhau
Từ nguồn tư liệu sống thu thập được, hai nhà sử học đã giúp người đọc giải đáp được nhiều câu hỏi liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Những câu trả lời đến từ những cựu binh đã có mặt tại "chảo lửa" Điện Biên Phủ năm 1953-1954.
Họ đã chia sẻ hồi ức của mình về những điểm khác biệt muôn hình vạn trạng của "cứ điểm" Điện Biên Phủ, công tác chuẩn bị của người Pháp, những thất bại trong cuộc chiến đấu, "cơn đại hồng thủy ngày 30/3/1954 và trận chiến ở năm quả đồi".
Những tiết lộ về kỳ tích làm nên chiến thắng hay những gì diễn ra sau cuộc chiến, lòng cảm kích với sự nhân văn của phe chiến thắng… cũng được các cựu binh người Pháp kể lại chi tiết.
Theo PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng đã đưa ra góc nhìn mới mẻ của các tác giả về một sự kiện đã được nhiều người thể hiện trong các công trình đã xuất bản.
Đó là góc nhìn từ các nhân chứng, những người có vị trí khác nhau trong cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954, và sau cuộc chiến, số phận họ cũng rất khác nhau.
Trả lời phóng viên Dân trí, TS. Trần Xuân Trí, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ trì dịch và hiệu đính cuốn sách cho biết, đây là một cuốn sách quý giá và đáng đọc bởi nhiều giá trị: Giá trị sử liệu, mang đến cho người đọc góc nhìn đa chiều về Điện Biên Phủ, giúp giáo dục về chính trị tư tưởng, lòng yêu nước tự hào tự tôn dân tộc, giáo dục lòng yêu chuộng hòa bình.
"Qua những câu chuyện mà người lính Pháp kể, tôi thực sự xúc động và tự hào trước chiến thắng của cha ông trong cuộc chiến.
Người Pháp đã nhìn nhận đúng sức mạnh của dân tộc Việt Nam, từ người dân bình thường đến những dân công hỏa tuyến hay những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận. Họ ca ngợi những người dân công đó là "những đội quân bóng đêm", "đội quân ngựa sắt" - vượt hàng trăm cây số đã tải được nhiều tấn lương thực, đạn dược cho chiến trường…
Người Pháp cũng đã nhìn nhận, khen ngợi chính sách nhân văn của Chính phủ, quân đội và người dân Việt Nam đối với hơn 10.000 tù binh bị bắt tại Điện Biên Phủ", TS. Trần Xuân Trí chia sẻ về những điều ấn tượng nhất khi chủ trì dịch và hiệu đính cuốn sách.
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách chiều 3/5, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng là một trong những cuốn sách hay nhất ông từng đọc.
"Cuốn sách giúp tôi hiểu hơn suy nghĩ của phía Pháp về cuộc chiến. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với suy nghĩ của những người lính Pháp đã chiến đấu tại chiến trường, điều này giúp cho chúng tôi có cái nhìn toàn diện và cân bằng hơn về cuộc chiến.
Những câu chuyện cụ thể tác giả cung cấp giúp cho hai dân tộc có thể hòa giải được với nhau, hố ngăn cách về suy nghĩ và quan điểm về cuộc chiến sẽ thu hẹp lại rất nhiều", PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà nói.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), đồng thời tiếp tục phát triển Tủ sách Sử học và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế trong xuất bản sách, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm giới thiệu bản tiếng Việt cuốn sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng được dịch và xuất bản từ nguyên bản tiếng Pháp.
Cuốn sách không chỉ là lời chia sẻ của những người có vai trò chủ chốt trong trận chiến mà còn là câu chuyện cá nhân, những lá thư viết cho người thân, những cảm xúc khi thất bại, nỗi ám ảnh trước cái chết,... của những binh sĩ bình thường - những nhân vật khiêm tốn nhất.
Thúy Anh - Phạm Hồng Hạnh