Doãn Quốc Đam: “Tôi chưa bao giờ bị nhân vật trên phim gây ám ảnh”
(Dân trí) - "Tôi chưa bao giờ bị kiểu nhân vật trên phim thế nào, ngoài đời mình sẽ như vậy. Thực ra, nếu mọi người gặp tôi ngoài đời có thể cảm nhận đầu tiên sẽ là hơi khó nói chuyện. Tôi thường không thích đến những chỗ quá đông người hoặc tiếp xúc với những người không có cùng quan điểm", Doãn Quốc Đam bày tỏ.
Trong “Sinh tử”, Doãn Quốc Đam không phải thuộc kíp nhân vật chính của phim. Nhưng với vai Thông - Phó Giám đốc Công an tỉnh Việt Thanh, nhân vật này ngày càng dày đất diễn. Đặc biệt, mọi mấu chốt của những căng thẳng trong phim những tập gần đây đều có bàn tay của Thông phía sau.
Doãn Quốc Đam tâm sự, anh từng ước ao được một lần vào vai công an vì trước đó anh đã vào khá nhiều dạng vai khác nhau: từ giang hồ (Người phán xử), chăn dắt gái (Quỳnh búp bê), nhân vật kỳ quái (Mê cung), trai bản (Lặng yên dưới vực sâu)... Nhưng khi nhận kịch bản phim anh lại hơi sốc vì lúc đầu chỉ nghĩ là đóng công an bình thường không ngờ được vào vai một nhân vật có hàm Thượng tá.
Vì sao anh lại cảm thấy sốc khi được thỏa nguyện đóng vai công an trong phim “Sinh tử”?
Thú thật, lúc nhận kịch bản phim “Sinh tử” tôi cũng hơi sốc. Mặc dù tôi mơ ước được đóng vai công an từ lâu nhưng chỉ mong đóng vai bình thường, ai ngờ được cho lên hàm Thượng tá luôn (cười). Một bước làm “quan to” mà chưa kinh qua “lính nhỏ” nên thực sự tôi rất lúng túng.
Tôi nghĩ rằng, tiếp xúc với các đồng chí công an ở các cấp hàm thấp học hỏi còn dễ chứ cấp hàm Thượng tá, tôi chưa tiếp xúc bao giờ nên khó học hỏi để diễn xuất. Cũng chính vì điều này nên trong quá trình quay tôi gặp không ít khó khăn.
Tôi nhớ có một buổi sáng đi quay phân đoạn thủ trưởng gặp nhân viên, quay một đoạn ngắn thôi nhưng quay xong đạo diễn Khải Hưng bảo tôi: “Mày đi như thằng ăn cắp ấy”.
Giờ đóng công an lại vai trò thủ trưởng nên dáng đi cũng phải chỉnh sửa lại cho ra cái uy của người đứng đầu một cơ quan điều tra. Thế là hôm đó, tôi mất nguyên một buổi sáng, khi đoàn quay các đoạn khác thì tôi chỉ đi từ đầu đến cuối hành lang. Tôi còn nhờ quay phim phụ cầm máy quay quay lại để xem mình đi như thế nào còn biết cách mà sửa.
Anh có suy nghĩ gì trước những lời nhận xét của khán giả về vai Thông trong phim?
Đến bây giờ khi bộ phim đã khẳng định được những giá trị của nó thì ai nói gì về vai diễn của tôi, tôi cũng cảm thấy bình thường. Bởi lẽ, tôi luôn là người cố gắng hết sức cho từng vai diễn mình đảm nhận. Tôi trân trọng ý kiến của khán giả nhưng sẽ không để những cảm xúc ngoại cảnh tác động làm tôi mất tập trung trong quá trình thực hiện vai diễn.
Bản thân phim mới qua hơn 20 tập, chặng đường còn rất dài. Về sau này, phim như thế nào thì sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất. Còn những nhận xét hợp hay không hợp, lời thoại khô cứng, diễn đạt chưa chuẩn thì mọi người cũng thấy ở phim này ai cũng bị áp lực vì quá nhiều lời thoại chuyên ngành. Nếu tôi diễn thoại cứng thì dĩ nhiên không chỉ mình tôi mà cả ê-kíp đều vướng phải.
Tất cả những diễn viên của “Sinh tử” đều làm việc với nhiệt huyết cao nhất để mong đem đến cho khán giả những thước phim thực sự thuyết phục. Nói chung tất cả mọi thứ đều là vai mẫu mực và mọi người đang tưởng tượng công an phải thế này, thế kia. Nó giống như khi mình đi xem sân khấu truyền thống, các dạng đào, kép đều có mẫu mực, khuôn thước.
Với tôi nghề diễn viên giúp cho mình dần quen với những nhận xét của khán giả. Tôi coi đó là một động lực. Chỉ cố gắng làm sao làm tốt nhất vai diễn.
Vai Thông có ảnh hưởng đến phong cách của Doãn Quốc Đam ngoài đời nhiều không so với những vai diễn trước?
Từ trước đến nay tôi vẫn thế. Kể cả khi làm “Người phán xử” hay tất cả các vai diễn khác, tôi chưa bao giờ bị kiểu nhân vật trên phim thế nào, ngoài đời mình sẽ như vậy. Thực ra, nếu mọi người gặp tôi ngoài đời có thể cảm nhận đầu tiên sẽ là hơi khó nói chuyện. Tôi thường không thích đến những chỗ quá đông người hoặc tiếp xúc với những người không có cùng quan điểm.
Trong quá trình làm việc, anh có thường xuyên trao đổi với đạo diễn về lời thoại trong phim để cách diễn phù hợp hơn?
Chắc chắn là phải có rồi nhưng chỉ ở trong phạm vi nhất định, không khác hoàn toàn so với kịch bản. Đơn cử như chỗ này câu thoại tôi thấy thừa thì sẽ trao đổi để bớt đi, chỗ này thêm vào có được không? Thực ra việc thêm thắt thoại thì tôi vẫn thường làm. Tôi thường làm phá cách hơn là sự cứng nhắc vì dù gì thì khi đọc kịch bản, văn viết vẫn phải chuyển thành văn nói.
Các tuyến nhân vật của “Sinh tử”, anh cảm thấy phối hợp ăn ý nhất với nhân vật nào?
Thực ra cũng không có gì gọi là hợp với ai nhất đâu. Quan điểm của tôi khi làm việc với bất kỳ ai cũng vậy, ý thức nghề nghiệp và sự chuyên tâm trong công việc nên đặt lên hàng đầu. Dù cho mình có không thích người ta, hay như thế nào thì khi đã nhận vai đều phải diễn cho đúng nhân vật.
Sự phối hợp giữa các diễn viên luôn là yếu tố then chốt. Tôi mong muốn sự nhuần nhuyễn tự nhiên nhất có thể và đặc biệt là không gượng ép. Không thể nào yêu cầu “anh phải phối hợp hay bạn phải phối hợp” trong khi khả năng tung hứng của họ không đủ thì càng gượng ép càng không hay.
Một ngày làm việc của anh với bộ phim này chiếm bao nhiêu thời gian của anh?
Có những thời điểm quay từ 7h sáng đến cỡ 9 giờ tối.
Liệu Thông có phải là nhân vật sẽ có kết cục bi thảm về cuối phim?
Bản chất mọi người xem “Sinh tử” hấp dẫn không phải do nhân vật. Phim càng về sau sẽ có những thay đổi về tuyến, sẽ nói sâu hơn về các vụ việc.
Từ việc sập mỏ bị vỡ lở và lộ ra rất nhiều đường dây khác. Hấp dẫn hay không, khán giả xem không phải chỉ xem mỗi nhân vật Thông mà là tính hấp dẫn của tất cả các nhân vật từ Chủ tịch Tỉnh, Bí thư, Phó Bí thư, Công an, Viện Kiểm sát...
Mọi người xem hấp dẫn hay không là do mạch câu chuyện. Còn các nhân vật ở đây thực sự nói về nổi trội thì không ai nổi trội hơn ai, mỗi người là một mắt xích trong chuyện phim đưa phim đến gần nhất với người xem.
Vậy cái kết của “Sinh tử” theo anh sẽ là một cái kết như thế nào?
Hiện tại chưa làm kết đâu. Tất cả vẫn đang trong quá trình quay, đã có hướng nhưng cái hướng đó chỉ là dự kiến còn chưa chắc đã làm vì sang đến phần 2 này là đạo diễn Mai Hiền “cầm trịch” chứ không phải là đạo diễn Khải Hưng như trước. Biết đâu, anh ấy lại thấy cái kết của kịch bản trước chưa ổn thì sẽ sửa lại.
Từ xưa đến nay Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) trong quá trình làm phim sẽ để 2 đạo diễn cùng làm việc một lúc. Ví dụ như phim “Người phán xử” là 3 đạo diễn: Khải Anh - Mai Hiền - Danh Dũng, sang đến rất nhiều các phim khác đều áp dụng để mỗi người đạo diễn có một ý tưởng riêng sẽ cùng làm việc để chắt lọc cái tốt nhất. VFC đã làm như vậy khoảng 10 phim, cứ 2 đến 3 đạo diễn cùng làm việc, cùng sản xuất để có hiệu quả tốt nhất.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long