Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu”

(Dân trí) - Bảo tàng Khoa học nằm ở London, Anh, đã vừa chính thức đề nghị công chúng giúp họ nhận biết những món đồ bí ẩn mà chính các nhà khoa học cũng đang... “vắt óc” mà vẫn “bó tay”.

Hiện tại, Bảo tàng Khoa học nằm ở London, Anh đang nắm giữ khá nhiều món đồ xưa cũ mà qua thời gian, người ta dần bị mất những thông tin về các món đồ này, để đến hôm nay, chúng được đưa vào một bộ sưu tập những món đồ... bí ẩn, không biết nên gọi tên là gì, có công dụng gì, sử dụng như thế nào…

Bảo tàng Khoa học của Anh đang có khoảng 7,3 triệu hiện vật, trong số đó có một số hiện vật lạ lẫm vô cùng, khiến chính các nhà nghiên cứu cũng không hiểu những đồ vật đó là gì. Với hy vọng tri thức cộng đồng có thể phần nào giúp bảo tàng tìm ra câu trả lời đằng sau những món đồ bí hiểm này, mới đây, phía bảo tàng đã cung cấp các bức ảnh để công chúng giúp hỗ trợ thông tin nếu có manh mối.

Bà Jessica Bradford, người đảm nhận nhiệm vụ trông nom bộ sưu tập các hiện vật tại Bảo tàng Khoa học chia sẻ: “Trong quá trình hệ thống lại các hiện vật, chúng tôi quyết định sẽ chụp hình tất cả những món đồ không thể gọi tên để nhờ tới sự hỗ trợ của cộng đồng”.

Bà Bradford chia sẻ rằng công việc này đã bắt đầu từ năm 2018 và các nhân viên của bảo tàng đã tìm ra được nhiều thông tin thú vị về một số hiện vật bí ẩn. Chẳng hạn có một chiếc đồng hồ cổ có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếc đồng hồ này tính thời gian bằng tuần hương, tức là dùng thời lượng một nén hương cháy hết để tính toán thời gian.

Thoạt tiên, bảo tàng không biết món đồ đó là gì, cho tới khi một nhà nghiên cứu đã biết về món đồ này tư vấn cho họ. Chiếc đồng hồ đó vừa để tính thời gian vừa như một liệu pháp thư giãn với mùi hương thảo mộc. Phương thức tính thời gian này thường được sử dụng trong những hoạt động, nghi lễ, sự kiện có tính chất trang trọng.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều món đồ khác chưa được gọi tên và chờ được khám phá ra. Phía bảo tàng hy vọng rằng giống như sự tư vấn tình cờ nhưng rất hữu ích của nhà nghiên cứu kể trên, trong công chúng cũng có thể có nhiều người nắm giữ những tri thức giúp họ giải mã những món đồ bí ẩn.

Chiêm ngưỡng một số món đồ bí ẩn mà các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Khoa học của Anh cũng đang phải... bó tay:

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 1

Món dụng cụ này được đúc từ một khối đồng duy nhất

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 2

Thêm một món đồ chưa thể gọi tên

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 3

Cỗ máy này được cho là có khả năng lọc không khí, từng được thực hiện ở Paris, Pháp hồi năm 1894. Phía bảo tàng có thông tin sơ lược về món đồ như vậy, nhưng bản thân họ cũng không chắc chắn và vẫn muốn nhận được sự tư vấn của công chúng.

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 4

Món đồ bằng đồng này có những cánh quạt có thể thu lại và nằm vào trong ống đồng nhỏ. Liệu đây có phải một chiếc quạt tay?

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 5

Món đồ này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1750-1850, nhưng không ai hiểu nó có vai trò gì.

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 6

Thêm một món đồ phức tạp không thể gọi tên

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 7

Không ai hiểu nổi món đồ này để làm gì

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 8

Chiếc hộp bọc da đựng 6 khối hình trụ làm bằng thép. Món đồ này được thực hiện từ năm 1840-1890, cho tới giờ không ai còn biết về công năng của những khối hình trụ này.

Đến nhà khoa học cũng “bó tay”, công chúng được mời tham gia “giải cứu” - 9

Nếu công chúng có bất cứ hình dung hay ý tưởng nào về những món đồ này, họ có thể gợi ý cho viện bảo tàng.

Bích Ngọc

Theo The Guardian