Việt Nam thân thương:

Để yêu một thành phố không có mùa đông

Nếu Hà Nội có cái đẹp của quá vãng, Sài Gòn có sức sống của tương lai. Nếu Hà Nội vẫn còn vẻ chật hẹp khó khăn của “kẻ sĩ Bắc kỳ”, Sài Gòn có vẻ bao dung độ lượng của thành phố đã cưu mang bao cuộc đời khốn khó.

Làm sao có thể sống ở một thành phố không có mùa đông, không có những nhánh cây khô gầy lặng lẽ, không có quán nước ven đường tàu cô đơn một ngọn đèn đêm giá rét, một tiếng rao “Lá mùi ơ...” trong cái se sắt của nỗi niềm ấu thơ...? Ai xa Hà Nội mà không hỏi như thế, mà không nhớ nôn nao Hồ Tây sáng sương mù, chiều miên man sóng nước?

Nếu đã trót gặp một chiều thu Hà Nội, một góc phố buổi sáng sớm thưa người, mịn màng hoa sấu trắng, hay một tối muộn lạnh rùng mình khi bước ra từ văn phòng kẹt cứng giấy tờ, thì khó mà trách người ta sao cứ phải nhớ. Bởi đó là khi Hà Nội thoát khỏi lớp áo với son phấn lòe loẹt: các kiểu cờ phướn xanh đỏ, đèn lồng đèn xếp, hoa giả hoa nhựa..., để được tinh tươm như chưa bao giờ là một sân khấu bi hài khổng lồ của các cuộc mưu sinh, đổi chác. Thì ra đời người cần có những phút giây đối diện với mình.

Tôi tâm niệm khi rời Hà Nội, nhất quyết phải mua một căn nhà nhìn ra sông Sài Gòn với hy vọng tìm một chút Hà Nội nơi cái thành phố mà người ta cho là ồn ã. Song cuối cùng lại ngậm ngùi về một ngôi nhà sát chợ xép bên sông, xôn xao hàng quán(*) sớm chiều. Người bán nhà cười độ lượng: “Khi triều cường lên phố, nhất định em sẽ nhìn thấy sông...”. Điều lãng mạn ở Sài Gòn tôi chấp nhận là thế đó, cùng lắm chỉ được khuyến mãi thêm một chiều mưa rơi...

Sài Gòn nắng gần như quanh năm nhưng điều tôi sợ là thấy lòng mình lạnh. Bởi tự hỏi làm sao có thể không thấy xa lạ với một thành phố không gắn với kỷ niệm thời trẻ dại, với bạn bè, với gia đình thân yêu. Đã có bao nhiêu người đến với Sài Gòn và tự hỏi: Phải ăn gì để nhớ nổi bao nhiêu ngã tư, bùng binh ngã năm, ngã bảy? Làm sao biết chỗ mua thứ này, bán thứ kia? Làm sao tìm ra chỗ ăn ngon, chỗ uống thích? Làm sao tránh đường ngập khi triều cường lên, tránh chỗ kẹt xe? Đủ thứ “làm sao” đến trống rỗng cả cái đầu. Ấy vậy mà có bao người dưng đã trở nên yêu quý thành phố này, nơi đã diễn ra bao thăng trầm nhưng vẫn trẻ và đầy lòng hào hiệp. Đến Sài Gòn để gặp những thùng trà đá miễn phí, những người tay không bắt cướp, nấu cháo từ thiện, những người đọc báo buổi sáng ở mọi góc phố, những ngày mưa bình yên mướt mát giàn hoa trước hiên nhà...

Mới thấy Sài Gòn là thành phố dễ thương, với con người dễ thương, chân tình và giản dị. Mới hay mình chưa thấy gắn bó với Sài Gòn vì mình còn chưa nhớ nổi một con đường, mình và thành phố chưa là bạn, và vì mình chưa cởi bỏ quá khứ hạn hẹp kia.

Tôi đã có những lần may mắn được đứng trước những di tích ngàn năm tuổi, choáng ngợp trước những công trình kiến trúc vĩ đại mà người đời ca tụng, nhân loại ngẩn ngơ, song không có đủ sự rung động từ những điều thân thuộc và biết rằng những nơi ấy mãi không thuộc về mình. Kỳ vọng về những điều vĩ đại thật khờ khạo và ngốc nghếch biết chừng nào. Sự rung động với một miền đất không đến từ những điều quá lớn lao.

Đứng trước những thành quách hoang phế và đổ nát của Hy Lạp cổ đại, người ta thấy sự tàn nhẫn của thời gian, nhưng nhìn vào thực trạng của Hy Lạp hiện nay lại thấy một sự bảo thủ và túng quẫn khó chữa của con người. Và người ta hiểu ra, chưa hết những dân tộc vẫn núp bóng quá khứ mà chẳng lo nổi tương lai. Nếu Hà Nội là một thành phố đẹp cái đẹp của quá vãng thì Sài Gòn có sức sống và trật tự của tương lai. Nếu Hà Nội vẫn còn cái vẻ chật hẹp và khó khăn của “kẻ sĩ Bắc kỳ” thì Sài Gòn lại có cái vẻ bao dung và độ lượng của một thành phố đã và đang cưu mang bao cuộc đời khốn khó.

Ừ thì Hà Nội bụi bặm, ngột ngạt, chật chội, con người có lúc gò bó nhau, người ta vẫn vừa yêu vừa trách, kiểu như bởi yêu mà ghét, vì ghét nên lại yêu nhiều. Nhưng Sài Gòn hấp dẫn bởi sự rộng lượng. Tình yêu một thành phố vốn dĩ ích kỷ, để đổi thay, người ta cần thời gian và sự mở lòng.

Năm nào cũng vậy, ở các thành phố lớn đều diễn ra những cuộc ra đi và trở về, bao giờ cũng nhiều sắc thái, người hớn hở, kẻ nặng lòng. Người từ Nam ra, kẻ vào xứ ấm, người về nông thôn, người đi miền núi..., và dường như ai rồi cũng di cư về một nơi ấm lòng ở cuối hành trình.

Người ta nói, có rất nhiều điều ngang qua đời mình, thứ thì ở lại, thứ thì đi. Trong những hành trình ấy, con người phải tự lựa chọn cái gì cần buông, điều gì cần nắm. Mà biết buông thì khó hơn biết nắm nhiều lần. 
 

* Độc giả tham gia viết bài cho cuộc thi Việt Nam thân thương xin gửi mail về địa chỉ: vietnamthanthuong.firstnews@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!


___________________________
(*) Mượn câu “Nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm” của Trịnh Công Sơn.
Theo Hồng Phúc
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

    Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm