Danh ca Khánh Ly: “Tôi mang hài cốt chồng về lần này để gặp người đặc biệt”

(Dân trí) - “Mục đích của tôi khi mang tro cốt chồng tôi theo trong lần trở về này là để anh được gặp người đặc biệt, khán giả ở Hà Nội và được làm đám giỗ cho anh tại Sài Gòn vì ở Sài Gòn vẫn còn hai con ruột của anh”, “Nữ hoàng nhạc Trịnh chia sẻ.

Cúi xuống nhiều hơn để thấy mình may mắn

Trong “Live Concert Khánh Ly” diễn ra vào tháng 5/2014 ở Hà Nội, đánh dấu sự trở về của bà sau 60 năm xa quê bà đã nhắc rất nhiều đến sự ra đi dù lúc đó bà lẫn chồng còn sống. Điều gì khiến bà lại nhắc nhiều đến những điều không vui ấy?

Trong cuộc sống có những cái điềm mà khi trải qua rồi người ta mới nhận biết được. Thật ra lúc đó, tôi nghĩ gì thì nói nấy thôi. Những đêm nhạc sau này ở Việt Nam tôi cũng nói nhiều đến sự ra đi. Đó là những chia sẻ bộc phát, tự nhiên, bản năng... thôi. Tôi nhớ, tô còn nói rằng, chúng ta làm được gì hôm nay thì làm đi, kẻo mai ra đi lại hối tiếc.

Ca sỹ Khánh Ly trong chuyến từ thiện ở Ba Vì (Hà Nội) gần đây. Ảnh: QT.
Ca sỹ Khánh Ly trong chuyến từ thiện ở Ba Vì (Hà Nội) gần đây. Ảnh: QT.

Sau này, trong một lần trò chuyện, chồng tôi có nói với tôi thế này “Trong cuộc đời, anh đã làm được hai việc mà anh cảm thấy mãn nguyện nhất đó tổ chức cho em một live show kỷ niệm 50 năm đi hát ở Mỹ và một đêm nhạc trở về sau 60 năm xa quê ở Hà Nội. Nếu bây giờ anh có chết anh cũng vui”. Lúc chồng tôi nói vậy tôi rất vui nhưng chẳng hề nghĩ đó là một điềm báo cho mình biết trước.

Ở thời điểm đó bà hình dung như thế nào về sự ra đi?

Lúc đó mọi chuyện chưa xảy ra trong đời sống của mình nên tôi chỉ ngậm ngùi với những mất mát của người khác thôi. Nhưng khi chính mình lâm vào hoàn cảnh đó thì mọi sự còn khủng khiếp hơn một trận đại hồng thuỷ, một cơn địa chấn hay mọi thứ khủng khiếp trên đời.

Phải chăng vì biết trước sự ra đi nên ông Hoàng Đoan chồng bà đã dặn dò bà rất nhiều?

Không đâu. Tôi không nghĩ là người ta đoán trước được sự ra đi đâu, chồng tôi cũng vậy. Chồng tôi chỉ có những dự cảm nhưng mơ hồ lắm. Nếu ông dự cảm rõ hơn chắc đã dặn dò nhiều hơn nữa... Tôi và chồng tôi giống nhau ở một suy nghĩ đó là trong cuộc sống này, mình phải thường xuyên cúi xuống, cứ cúi xuống thật nhiều để nhận ra mình may mắn. Nhiều người còn khổ, bất hạnh hơn mình... nên cúi xuống sẽ thấy phận người nhỏ bé lắm. Đó cũng là lí do vì sao lần này tôi lại lấy tên một ca khúc trong chùm ca khúc Da vàng “Cúi xuống thật gần” của ông Trịnh Công Sơn để làm tên của đêm nhạc. Đây cũng là tâm nguyện của chồng tôi và cũng là ý muốn của ông Trịnh Công Sơn lúc hai người còn sống. Cúi xuống để gần hơn những phận đời bất hạnh, để nắm chặt tay nhau, để nhớ tới nhau, lắng nghe chuyện đời, chuyện của quê hương, để tìm sự đồng cảm, tìm sự ấm áp, tìm sự sẻ chia.

Những lời dặn dò đó của ông Hoàng Đoan dặn bà trước khi ra đi, điều gì bà thấm thía nhất?

Anh dặn phải luôn sống xứng đáng là con cái của Đức Mẹ và làm thật nhiều công tác từ thiện, xã hội để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chồng tôi nói với tôi rằng, mình là những người sung sướng, được hưởng nhiều hồng phúc nhưng ngoài cuộc đời còn có rất nhiều người không may mắn. Mình giúp được gì cho họ thì phải nên làm sớm. Những công việc này mình làm mãi vẫn chưa hết được nhưng còn sức mình còn làm. Ăn không bao nhiêu, ở không bao nhiêu, chẳng có việc gì để nghĩ nhiều... nên dồn tâm sức cho việc đó để các con thấy. Đó cũng là một cách tập cho các con biết sống yêu thương nhiều hơn.

Là nữ hoàng nhạc Trịnh được hàng triệu khán giả mến mộ nhưng Khánh Ly vẫn luôn thấy mình cô độc. Ảnh: QT.
Là "nữ hoàng nhạc Trịnh" được hàng triệu khán giả mến mộ nhưng Khánh Ly vẫn luôn thấy mình cô độc. Ảnh: QT.

"Tôi luôn nghĩ mình là người cô độc"

Thời gian chồng bà mới mất, bà đã không hoạt động âm nhạc để dành khoảng lặng cho mình. Bây giờ, khoảng lặng đó như thế nào trong bà?

Tôi luôn nghĩ mình là người cô độc. Kiểu như “Vạn người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người thương”. Tôi đã đi rất nhiều trong đời sống này, quen rất nhiều nhưng tìm được người để hiểu mình không dễ. Kể cả khi ông Trịnh Công Sơn còn sống vẫn vậy. Chúng tôi chỉ hiểu nhau qua âm nhạc thôi chứ trò chuyện với nhau không nhiều. Ông Sơn nghĩ điều gì ít khi không nói ra với tôi lắm nên đôi lúc cũng có những ngăn cách. Nhưng tôi hiểu, nói những tâm sự, những suy nghĩ của mình với ai đó khó lắm, không đơn giản. Vì mình không biết người nghe mình có thông cảm, chia sẻ với mình hay không.

Nhiều khi tôi nghĩ, yếu đuối quá cũng không được, cứ phải cố gắng thôi. Vì thế chỉ khi nào một mình tôi mới dám buồn, dám khóc chứ trước mặt con thì không dám. Lúc bố mình mới mất mình chưa thấm cái đau đâu, chỉ nghĩ là mình thiếu ông bố để thương yêu chăm sóc mình. Rồi mẹ có gia đình, lúc đó mình không hiểu nên ghen với người đến sau. Bây giờ thì tôi hiểu nhiều lắm. Tôi hiểu vì sao nên nhìn mọi chuyện xảy ra trên đời sống này bằng con mắt bình thường.

Từ lúc chồng bà mất, bà lại càng dồn mọi sự cô cô độc vào trang viết nhiều hơn?

Tôi ghi lại những điều khác ngày xưa. Ngày xưa, tôi ghi những điều mình thấy trong cuộc sống thường nhật lúc đi diễn, đó là những chuyện của người khác, tôi chỉ thêm thắt vào thôi. Còn bây giờ tôi viết ra nhưng ý nghĩ của mình. Bây giờ viết khó hơn hồi xưa. Vì mình viết ra tức là rút ruột hay trải lòng về suy nghĩ của mình. Cái này không phải là hồi ký đâu, chỉ là những trải lòng của mình thôi. Tôi đâu phải nhân vật quan trọng gì mà viết hồi ký.

Bà chia sẻ, lần này bà mang hài cốt của ông về theo bên mình. Vậy cảm xúc của bà khi đi diễn với chồng bằng hình hài của con người thật và bây giờ trở về với bình tro có gì đặc biệt?

Nữ danh ca quyết định mang hài cốt của chồng về Hà Nội để gặp một người đặc biệt. Ảnh: QT.
Nữ danh ca quyết định mang hài cốt của chồng về Hà Nội để gặp một người đặc biệt. Ảnh: QT.

(Ngẹn ngào) Tôi đã chia sẻ rồi, ở nhà cũng vậy, chỉ là không nghe tiếng chồng tôi nói thôi, chứ lúc nào tôi cũng có cảm giác anh ấy ở bên cạnh. Khi còn sống, anh ấy hay đứng nép ở cánh gà nhìn ra sân khấu theo dõi tôi hát thì bây giờ khi trở về tôi cũng ôm bình tro của anh đứng đúng vị trí đó để anh nhìn ra sân khấu.

Đến gần ngày giỗ của chồng hẳn bà có nhiều xúc cảm lắm?

Tôi cũng chẳng biết gọi tên xúc cảm đó là gì nhưng có một chuyện đó là khi ra sân bay, hải quan mở vali ra kiểm tra xem mình mang cái gì theo, tôi đứng nhìn họ làm mà tôi khóc ngon lành. Cái cảm xúc đó đặc biệt lắm.

Vậy nghĩa là lần này bà cũng sẽ tổ chức ngày giỗ tròn một năm cho chồng mình ở Việt Nam?

Đúng thế. Mục đích của tôi khi mang tro cốt chồng tôi theo trong lần trở về này là để anh được gặp người đặc biệt, khán giả ở Hà Nội và được làm đám giỗ cho anh tại Sài Gòn vì ở Sài Gòn vẫn còn hai con ruột của anh. Tôi định sẽ mời một ít người thân đến nhà thờ để cầu nguyện cho anh trong ngày giỗ. Sau đám giỗ tôi lại mang tro cốt anh theo tôi trong các chuyến từ thiện, công tác xã hội... để anh được đồng hành cùng tôi.

Ai đi trước đều hoả táng rồi sau ba năm sẽ rải tro ra biển

Thường khi người thân đã quá cố, người ta hay án táng họ trong nghĩa trang hoặc gửi tro cốt vào nơi thờ tự nào đó để ai muốn đến viếng thăm đều được, còn bà lại không làm điều đó mà giữ tro cốt chồng mình ở nhà. Vì sao vậy?

Ai đến bây giờ? Vì tôi đi nghĩa trang nhiều nên tôi biết, có những người sau khi qua đời chẳng có ai đến thăm hết. Nấm mồ lạnh quanh năm nằm ở đó thôi. Tôi không thể để chồng tôi như thế được. Ở Mỹ đời sống khắc nghiệt lắm. Nếu muốn đi thăm mộ người thân cũng phải sắp xếp ngày giờ chứ không phải đùng một phát là đi được ngay. Rồi tôi lại không biết lái xe, không thạo đường sá... Mà tôi cũng chỉ sống được đôi ba năm nữa là cùng. Tôi chết rồi ai sẽ vào thăm chồng tôi nữa. Chúng tôi đã thoả thuận với nhau, ai đi trước đều sẽ hoả táng rồi sau ba năm sẽ rải tro ra biển.

Khánh Ly sẽ dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện vào những năm tháng cuối đời thể theo nguyện vọng của chồng quá cố. Trong ảnh là hình ảnh nữ danh ca đến thăm một bệnh nhân tại Viện Bỏng quốc gia cách đây 2 hôm. Ảnh: QT.
Khánh Ly sẽ dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện vào những năm tháng cuối đời thể theo nguyện vọng của chồng quá cố. Trong ảnh là hình ảnh nữ danh ca đến thăm một bệnh nhân tại Viện Bỏng quốc gia cách đây 2 hôm. Ảnh: QT.

Hàng ngày, bà thường dâng lên ban thờ chồng món gì để cả hai cùng thưởng thức với nhau như những ngày còn sống?

Tôi chỉ để hoa, nến. Tôi là người chăm thay hoa, nến nhất. Tôi còn bày cho chồng những con heo nhồi bông nho nhỏ trên ban thờ. Sở dĩ là vậy bởi tự nhiên một vài ngày trước khi mất, anh ấy lại giành mấy con heo nhồi bông nho nhỏ đó với mấy con chó của tôi như là một cái điềm báo vậy. Bây giờ ngẫm lại tôi thấy thật lạ lùng.

Có điều lạ nữa là anh không bao giờ ăn bánh, kẹo ngọt, trái cây... vậy mà những ngày trước khi mất, trong vườn có cây bưởi ra 19 quả, một mình anh ấy ăn hết. Cứ hái quả nào tôi bốc vỏ để sẵn trong tủ lạnh thế để ai thích lại lấy ăn. Ấy vậy mà lần đầu tiên anh sờ đến bởi và ăn một phát hết 19 quả luôn. Cây bưởi đó năm nay không ra hoa, không ra nụ cũng chẳng đơm quả. Tôi cho rằng, cây bưởi đi theo chồng tôi rồi.

Bánh cũng thế, bình thường anh rất ghét, nhét một miếng vào miệng là anh tìm cách nhả ra. Thế mà trước đó tôi làm bánh giáng sinh, anh ăn rất nhiều. Tất cả những cái lạ kỳ đó như điềm báo nhưng cả tôi và anh không hề biết. Bây giờ ngẫm lại, thấy mọi sự ngẫu nhiên nhưng chẳng ngẫu nhiên chút nào.

Nhiều khi buổi tối tôi đói bụng, đi ngang qua ban thờ tôi bảo: “Xin lỗi anh cho em đi ăn”. Vì lúc anh ấy còn sống, cứ buổi tối tôi đói bụng là phải rón rén xuống bếp để tránh không cho anh ấy biết nhưng vừa xuống đến nơi đang lục đồ ăn thì quay lại đã thấy anh ấy đứng sau lưng rồi. Tính tôi mê ăn mỳ gói nhưng chồng tôi không muốn cho tôi ăn vì cho rằng mì gói độc nên tôi mua về anh ấy lại liệng đi. Anh ấy cứ liệng đi tôi lại mua về. Vợ chồng già với nhau nhưng có nhiều cái vui lắm.

Cám ơn bà đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long