Đặc sản "trời ban" chỉ có ở Nam Định, khách "dài cổ" chờ thưởng thức
(Dân trí) - Dù vẻ ngoài khá giống củ sả nhưng củ niễng có phần ruột trắng ngà, hơi đốm đen và là nguyên liệu chế biến nhiều món ngon nức tiếng ở tỉnh Nam Định.
Củ niễng là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Thoạt nhìn, chúng có vẻ ngoài dễ gây nhầm lẫn với củ sả, lớp vỏ màu nâu sậm ở gần gốc và hơi xanh phía trên ngọn, thân phình to, chắc nịch. Củ niễng thường mọc ở những khu vực ven sông, đầm nước hay trong góc ao.
Củ niễng mọc hoang rất nhiều, xưa không có người ăn. Nhưng nay người dân đã biết cách chế biến, thưởng thức nên niễng trở thành nguyên liệu làm ra nhiều món ăn ngon. Chúng cũng được trồng để bán nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của thực khách gần xa.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 11, khi tiết trời bắt đầu se lạnh cũng là lúc niễng nở rộ. Khi ấy, người dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Nam Định bắt đầu nhộn nhịp ra đồng để thu hoạch niễng.
Cách chế biến củ niễng khá đơn giản. Sau thu hoạch, người ta rửa sạch củ niễng rồi bóc hết lớp vỏ nâu bên ngoài để lấy phần ruột trắng ngà bên trong. Đây cũng chính là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn nổi tiếng ở xứ thành Nam.
Củ niễng thường được chế biến thành các món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như niễng xào trứng, niễng xào thịt bò, niễng xào rươi, canh niễng... Người ta cũng có thể ăn niễng sống để cảm nhận vị giòn, ngọt, thanh mát của loại củ này.
Du khách đến Nam Định vào dịp cuối năm thường mua niễng về làm quà. Người địa phương thường bán niễng theo bó 10 củ với giá 10.000-15.000 đồng. Niễng cũng được vận chuyển tới các tỉnh thành lân cận để phục vụ thực khách, nhất là Hà Nội, có giá 40.000-50.000 đồng/bó 10 củ.
Không chỉ có hương vị thơm ngon, lạ miệng, củ niễng còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như canxi, sắt, photpho, kali, natri, đồng hay bổ sung nguồn vitamin A, B, C, D... dồi dào.
Theo y học hiện đại, củ niễng có thể phòng bệnh tăng huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch, đặc biệt là khả năng điều trị bệnh xơ cứng gan, ure máu cao. Trong Đông y, củ niễng vị ngọt tính mát. Người ta thường lấy rễ cành, hạt của niễng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thông sữa...