1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Cục NTBD nói gì về việc công ty xuất nhập khẩu ô tô tổ chức thi Nữ hoàng tại Hà Nội?

(Dân trí) - Liên quan đến việc một công ty xuất nhập khẩu ô tô được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép tổ chức chung kết trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” đang gây ồn ào, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với NSND Quanh Vinh - Quyền Cục trưởng Cục NTBD.

Thưa ông, theo quy định hiện hành, các tổ chức/cá nhân/doanh nghiệp phải hội đủ những điều kiện gì mới được cấp phép tổ chức các cuộc thi liên quan tôn vinh nhan sắc?

Nghị định 79/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP) đã quy định rất rõ ràng về số lượng các cuộc thi người đẹp tổ chức hàng năm ở trong nước. Theo đó, đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, mỗi năm không tổ chức quá 2 lần; Cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương, mỗi năm tổ chức không quá 3 lần; Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức không quá 1 lần... Các cuộc thi phải được cấp phép theo quy định.

Cục NTBD nói gì về việc công ty xuất nhập khẩu ô tô tổ chức thi Nữ hoàng tại Hà Nội? - 1

NSND Quanh Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép. Cuộc thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể Trung ương do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp cho cuộc thi người đẹp trong phạm vi địa phương.

Tổ chức đề nghị cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp phải gửi một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao. Hồ sơ xin cấp phép bao gồm: 1 đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức cuộc thi; 1 đề án tổ chức cuộc thi; 1 văn bản chấp thuận địa điểm đăng cai tổ chức vòng Chung kết cuộc thi của UBND cấp tỉnh gửi cơ quan cấp phép; 1 bản sao chứng thực hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận giữa tổ chức Việt Nam với tổ chức nước ngoài (đối với cuộc thi quốc tế tổ chức tại Việt Nam) và 1 bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong đó, đề án cuộc thi gửi kèm xin cấp phép phải nêu rõ những nội dung sau: Tên cuộc thi; Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi; Thể lệ cuộc thi; Nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức thi; Danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng, thời gian trao giải; Quyền và nghĩa vụ của Ban tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi; Quyền và nghĩa vụ của thí sinh dự thi và thí sinh đạt giải; Kinh phí; Danh sách và quy chế hoạt động của Ban tổ chức và Ban giám khảo; Mẫu đơn đăng ký dự thi của thí sinh. Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét cấp phép cho đơn vị tổ chức.

Nghị định 79 có ghi rõ là “Khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, không phải ai muốn tổ chức thi người đẹp hoặc người mẫu đều có thể được cấp phép mà phải xem xét xem trong giấy phép kinh doanh, tổ chức đó có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hoá, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hoá, nghệ thuật hay không.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp/người mẫu cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu xem tổ chức đó có đủ năng lực tổ chức lĩnh vực đó hay không.

Mới đây, việc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép cho một công ty xuất nhập khẩu ô tô tổ chức chung kết trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” đã gây nên nhiều bàn tán xôn xao trong dư luận. Ông nhận định như thế nào về sự việc này?

Tôi xin nhấn mạnh, bất kỳ tổ chức nào muốn xin giấy phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp thì điều kiện trước hết là trong giấy phép kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hoá, nghệ thuật hoặc phải có chức năng hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Nếu không có những chức năng này thì không được phép tổ chức.

Cục NTBD nói gì về việc công ty xuất nhập khẩu ô tô tổ chức thi Nữ hoàng tại Hà Nội? - 2

BTC chương trình Chung kết trao giải "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" đã tự tiện lấy logo báo Dân trí đặc vào mục Đơn vị truyền thông trên thư mời.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thật rằng, Luật Doanh nghiệp của chúng ta hiện nay vẫn còn quá nhiều kẽ hở nên các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở đó mà lách luật. Có nhiều doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh đã đăng ký tới hàng chục chức năng kinh doanh khác nhau. Từ buôn bán vật liệu xây dựng, vận chuyển hàng hoá, dịch vụ ăn uống… cho đến biểu diễn nghệ thuật.

Chính vì điều này nên Cục Nghệ thuật biểu diễn đang nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo về sửa đổi Nghị định liên quan đến biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi người đẹp/người mẫu… để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Không thể để cho tình trạng doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cũng có thể tổ chức cuộc thi người đẹp, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cũng có thể tổ chức biểu diễn nghệ thuật… lộng hành như hiện nay được. Cơ chế này sẽ tạo nên sự hỗn loạn về các cuộc thi sắc đẹp, loạn danh hiệu và làm khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra - giám sát.

Theo ông, việc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép cho công ty xuất nhập khẩu ô tô tổ chức chung kết trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” nhưng đơn vị này lại tổ chức sự kiện này tại Hà Nội là có đúng pháp luật hay không?

Theo quy định, đã là cuộc thi cấp địa phương thì xin giấy phép ở đâu sẽ phải tổ chức các vòng thi ở địa phương đó. Vì việc này còn liên quan đến khâu thanh kiểm tra và giám sát quá trình tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.

Tôi thấy anh Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã trả lời rất rõ là Hà Nội chỉ tiếp nhận phần tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” do Vĩnh Phúc cấp chứ không phải toàn bộ chương trình chung kết và trao giải.

Và nếu là chương trình biểu diễn nghệ thuật thì sẽ không được phép tổ chức các màn thi và trao giải các danh hiệu. Nếu phát hiện bất kỳ sai phạm nào, Hà Nội được quyền ra quyết định thu hồi giấy phép và bắt dừng tổ chức ngay lập tức.

Qua sự việc này, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu thêm để đề xuất các quy định sát thực hơn. Không thể để tình trạng một địa phương cấp giấy phép rồi lại tổ chức ở một địa phương khác như thế được. Việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra... dễ dẫn đến những phát sinh mang tính chồng chéo, làm khó cơ quan quản lý.

Trong bản dự thảo về sửa đổi Nghị định liên quan đến biểu diễn nghệ thuật, tổ chức người đẹp/người mẫu sẽ đưa ra những vấn đề gì mới, thưa ông?

Tinh thần của Nghị định mới là hướng tới đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục hành chính. Tất nhiên, giảm bớt không có nghĩa bỏ trắng, ở đây là phân quyền cho địa phương. Nhưng một điều mà Nghị định mới bắt buộc phải có đó là tất cả các địa phương khi xem xét hô sơ xin cấp phép tổ chức cuộc thi người đẹp/người mẫu của doanh nghiệp đều phải xem xét thật kỹ năng lực của đơn vị đó. Phải xem việc tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn hoặc tổ chức cuộc thi người đẹp/người mẫu là một lĩnh vực đặc thù chứ không thể đặt ngang hàng với kinh doanh dịch vụ như hiện nay được.

Và việc xem xét năng lực của đơn vị tổ chức phải có quy chế và quy trình rõ ràng. Và nếu có sai phạm cũng sẽ phải có hình thức xử lý cụ thể chứ không chung chung được. Chúng tôi cũng rất mong, khi chúng tôi trình bản dự thảo sửa đổi Nghị định về nghệ thuật biểu diễn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà báo và toàn thể người dân.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long