“Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” mạo danh báo Dân trí là đơn vị bảo trợ truyền thông
(Dân trí) - Báo Dân trí khẳng định chưa bao giờ ký hợp đồng bảo trợ truyền thông cho cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” và cũng không cho phép cuộc thi tự tiện lấy logo của báo để đăng tải dù với mục đích gì.
Mới đây, cư dân mạng đã một phen xôn xao khi xuất hiện thông tin về cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” sẽ diễn ra vào 13/7 tại Cung Hữu nghị Việt Xô Hà Nội được rất nhiều cơ quan báo đài lớn bảo trợ truyền thông. Điều đáng nói là ở mục Đơn vị bảo trợ truyền thông trên băng rôn/banner quảng bá của cuộc thi này có đăng tải logo của Dân trí.
Tuy nhiên, báo Dân trí khẳng định chưa bao giờ ký hợp đồng bảo trợ truyền thông cho cuộc thi này và cũng không cho phép cuộc thi tự lấy logo của báo để đăng tải với mục đích khuếch trương cho cuộc thi. Đây là một sự mạo danh và vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo.
Chia sẻ với báo Dân trí, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội cho biết, cuộc thi này xin giấy phép tổ chức tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc. Cách đây không lâu, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận giấy phép cho phép tổ chức cuộc thi này từ Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ tiếp nhận chương trình biểu diễn nghệ thuật chứ không phải cả cuộc thi.
Ông Tô Văn Động khẳng định, ông đã tiếp nhận thông tin về việc cuộc thi này tuỳ tiện sử dụng logo của các báo đài để đăng tải trái phép trên băng rôn/banner nhằm quảng bá và khuếch trương cho cuộc thi. Vì lí do này mà Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội sẽ cho Thanh tra kiểm tra thật kỹ quá trình tổ chức cuộc thi này. Nếu phát hiện có bất kỳ vi phạm nào sẽ ngay lập tức thu hồi giấy phép và bắt ngừng tổ chức.
Người đứng đầu Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, chiều nay (4/7), Thanh tra Sở sẽ cho kiểm tra việc treo băng rôn quảng bá cuộc thi này. Sở cũng sẵn sàng phối hợp với các báo đài và đơn vị truyền thông để xử lý mạnh tay việc tuỳ tiện lấy logo của các đơn vị báo đài để đăng tải trên băng rôn.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, không hiểu sao đến bây giờ tình trạng các cuộc thi nhan sắc “ất ơ” vẫn mọc lên như “nấm sau mưa”. Điều này khiến cho tình trạng loạn danh hiệu, loạn nhan sắc… làm công chúng trở nên hoang mang, ngơ ngác.
“Thực ra, câu chuyện này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn là bài toán khá đau đầu. Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan quản lý Nhà nước quản lý về việc này cũng khá đau đầu khi nghĩ kế sách để quản lý.
Các nhà làm luật đã đưa ra nhiều quy định để kiểm soát nhưng tình trạng lách luật vẫn diễn ra. Có nhiều cuộc thi đọc tên mà tôi không thể hình dung nổi nó là cuộc thi gì, được tổ chức nhằm mục đích gì. Chẳng hạn cuộc thi trao danh hiệu “Nữ hoàng văn hoá tâm linh” đang gây xôn xao cộng đồng mạng”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, ngoài những cuộc thi lớn mang tầm quốc gia với mục đích tổ chức rõ ràng để tôn vinh nhan sắc và có đề án tổ chức rõ ràng thì đa phần các cuộc thi nhan sắc “ao làng” chủ yếu được tổ chức vì mục đích thương mại là chính. Và cần phải "mạnh tay" đối với những cuộc thi như thế này. Trước hết là việc cấp giấy phép, tiếp theo là khâu thanh kiểm tra quá trình tổ chức và cuối cùng là hậu kiểm người được trao danh hiệu.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng hết sức phản đối chuyện các cuộc thi nhan sắc nhỏ lẻ tự tiện dùng danh nghĩa của các báo đài có uy tín làm cơ quan bảo trợ truyền thông để đạt một ý đồ không trong sáng.
“Tôi cho rằng, những cuộc thi lớn, những cuộc thi uy tín, những cuộc thi tử tế… không bao giờ làm như thế cả. Đã gọi là cuộc thi chính danh nghĩa là phải hợp pháp về mọi phương diện.
Việc tự ý lấy logo của các báo để đăng tải trên băng rôn trước hết là vi phạm bản quyền...
Tôi cho rằng, đã vi phạm pháp luật thì cần phải trình báo để pháp luật xử lý. Xử lý thật mạnh tay để làm gương cho các đơn vị khác đang nung nấu một ý đồ tương tự”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái mạnh mẽ nói.
Hà Tùng Long