Công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Sóc Trăng

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Tối 30/10, Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê, công nhận các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng cho biết, hoạt động kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị, nét đẹp văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Tôn vinh giá trị nghệ thuật sân khấu Dù Kê thể hiện sâu sắc sự tri ân và tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân đã có công lao cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật này.

Đồng thời, cũng là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa phi vận thể của các di sản nhằm góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, cũng như các dân tộc cùng cộng cư, hình thành truyền thống đoàn kết của người Sóc Trăng.

Công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Sóc Trăng - 1
Công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Sóc Trăng - 2

Trình diễn nghệ thuật sân khấu Dù Kê.

Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng, nghệ thuật sân khấu Dù Kê đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Tính đến nay, nghệ thuật sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer Nam Bộ đã có lịch sử 100 năm hình thành và phát triển. Dù phải trải qua nhiều thăng trầm nhưng loại hình nghệ thuật độc đáo này đã có chỗ đứng vững chãi trong lòng người hâm mộ.

Công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Sóc Trăng - 3

Trao công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo ngành VH-TT&DL đã công bố 3 loại hình, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rom Vong, Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng và Nghề thủ công truyền thống làm bánh Pía ở xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer Nam Bộ ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỉ XX và nhanh chóng được công chúng đón nhận nhiệt tình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam Bộ.

Trải qua 100 hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer Nam Bộ đã có những đóng góp quan trọng trên niều phương diện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; tiếp thêm sức mạnh, tinh thần để con người vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống; giáo dục, bồi dưỡng các giá trị nhân văn cho con người; tạo sự gắn kết giữa cá nhân, các dân tộc trong xã hội;…

Năm 1985, nghệ thuật sân khấu Dù Kê chính thức được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Năm 2014, nghệ thuật sân khấu Dù Kê được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.