Cô gái Việt làm loạt món ngon mang đậm hương vị quê nhà ở trời Tây
(Dân trí) - Dù sinh sống ở Đức đã 5 năm nhưng chị Vân vẫn cảm nhận được hương vị quê nhà mỗi ngày nhờ những bữa cơm nhiều món ngon đậm chất Việt tự nấu từ vườn rau sạch tại gia.
Chị Lê Thị Tuyết Vân (36 tuổi, quê ở Long An) lấy chồng là người Việt nhưng sống tại Đức từ nhỏ. Sau kết hôn, chị theo chồng sang trời Âu để bắt đầu cuộc sống mới. Dù sống xa quê đã 5 năm nhưng chị luôn cố gắng giữ gìn nét văn hóa truyền thống bằng cách thường xuyên nấu các món ngon đậm đà hương vị Việt.
Những món ăn chất chứa tinh hoa ẩm thực không chỉ phần nào giúp chị vơi bớt nỗi nhớ quê hương mà còn là cầu nối gắn kết cô gái Việt với những người bạn quốc tế.
Thậm chí, chị Vân còn cải tạo ban công thành khu vườn trồng các loại rau Việt để có nguồn thực phẩm sạch sử dụng hàng ngày, thoải mái chế biến các món ăn truyền thống mà bản thân yêu thích.
Trước khi sang Đức, chị từng có ý định mở nhà hàng thuần Việt nhưng không thể thực hiện vì gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, niềm đam mê nấu nướng và yêu thích ẩm thực quê nhà luôn thường trực trong lòng người phụ nữ này.
"Vì sống tại thành phố nhỏ nên việc đi chợ mua nguyên liệu Việt Nam rất bất tiện, chưa kể quá trình nấu nướng mất nhiều thời gian và vất vả. Công việc của ông xã lại bận rộn, không thể phụ giúp nên mình phải từ bỏ dự định mở nhà hàng thuần Việt ở Đức", chị Vân kể.
Gác lại kế hoạch lớn, cô gái quê Long An chuyển sang "mở quán" nhỏ tại gia, tự nấu nướng phục vụ "khách hàng" là chồng. Thỉnh thoảng hàng xóm, bạn bè ghé thăm, chị lại vào bếp, chiêu đãi mọi người những món ăn đậm đà hương vị Việt.
Cô gái Việt thường nấu phở, bún bò Huế và làm chả giò, cất trữ trong ngăn đá tủ lạnh để có thể phục vụ bất kỳ lúc nào những món ông xã yêu thích nhất.
"Nấu phở tốn khá nhiều thời gian nên mình thường chế biến mỗi lần một nồi thật to rồi chia ra thành các gói nhỏ đem bảo quản ngăn đá, sử dụng dần. Khi nào muốn ăn là có đồ ngay, gần hết lại nấu và tích trữ.
Chồng mình là người Việt nhưng qua Đức sống từ nhỏ nên quen ăn món Tây nhiều hơn món Việt. Đặc biệt là những món kho và cá thì ông xã ăn không biết ăn. Mình chăm chỉ vào bếp nấu món Việt để cảm nhận được hương vị quê nhà dù sống giữa trời Âu", chị chia sẻ.
Nói về món ăn Việt kỳ công nhất, người vợ trẻ thấy món nào cũng đòi hỏi sự khéo léo và cần nhiều thời gian như nem chua, chả lụa, lạp xưởng, giò thủ, pate, chạo tôm,...
Ngoài những dịp lễ, ngày đặc biệt, chị Vân vẫn thường nấu món Việt hàng ngày, thay đổi thực đơn linh hoạt, đa dạng để chồng có thể thưởng thức nhiều món ngon quê nhà.
Chị còn cải tạo ban công để làm thành khu vườn trồng nhiều loại rau và rau gia vị Việt như hành lá, ngò rí, hẹ,...
Thời tiết mùa hè ở Đức khá ấm, cô gái Việt có thể trồng nhiều loại rau phục vụ cho những bữa ăn hàng ngày như ớt, bầu, hành lá..., giúp tiết kiệm chi phí. Nếu chưa sử dụng hết, chị bảo quản trong ngăn đá và dùng tới mùa đông.
Không chỉ nấu những món ngon thanh mát, giải nhiệt mùa hè, chị còn trổ tài chế biến nhiều món nóng vào mùa đông như phở, bún bò, bánh canh, cháo hải sản, hủ tiếu…
Những món ăn không chỉ được bài trí đẹp mắt, hấp dẫn mà còn thay đổi linh hoạt, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho hai vợ chồng.
Nhận được lời khen, cảm ơn từ mọi người xung quanh sau khi thưởng thức món ăn mình nấu, chị thấy xúc động và hạnh phúc. Đó là món quà tinh thần đặc biệt giúp cô gái Việt xa quê lan tỏa văn hóa ẩm thực của đất nước tới bạn bè quốc tế.
Dù ở nước ngoài nhưng chị luôn cảm thấy như đang sống tại quê nhà vì được ăn món Việt và trồng các loại rau thơm Việt Nam, nhất là trong mùa dịch. Gần 2 năm chưa thể về thăm gia đình vì Covid-19 nhưng cô gái quê Long An cảm thấy mọi khoảng cách đã trở nên ngắn hơn nhờ những bữa ăn mang đậm hương vị Việt.