Chim cánh cụt vượt biển về thăm ân nhân và chú sếu không rời người cứu mình

Bích Ngọc

(Dân trí) - Câu chuyện về chú chim cánh cụt vượt biển trở về thăm ân nhân và chú sếu nhất quyết ở lại với người đã cứu mình khiến nhiều người cảm động.

Chú chim cánh cụt vượt biển trở về thăm ân nhân

Cho tới hôm nay, câu chuyện về ông lão đánh cá người Brazil - Joao Pereira de Souza và chú chim cánh cụt Dindim vẫn tiếp tục được các tờ tin tức đề cập như một câu chuyện đẹp.

Là một ngư dân sinh sống ở một ngôi làng ngoài đảo, thuộc vùng biển gần thành phố Rio de Janeiro, Brazil, ông Joao từng tìm thấy một chú chim cánh cụt nhỏ nằm thoi thóp trên một kè đá hồi năm 2011.

Chim cánh cụt vượt biển về thăm ân nhân và chú sếu không rời người cứu mình - 1

Ông lão đánh cá người Brazil - Joao Pereira de Souza và chú chim cánh cụt Dindim (Ảnh: Globo).

Chú chim cánh cụt còn non khi đó đang hấp hối vì đói khát, lông dính đầy váng dầu loang. Ông Joao đã đưa chú chim cánh cụt về nhà, chăm sóc tận tình cho nó khỏe lại. Ông đặt tên cho chú chim cánh cụt Magellan sinh sống ở vùng Nam Mỹ này là Dindim.

Khi Dindim khỏe trở lại, ông Joao thả chú ra biển và không nghĩ sẽ còn gặp lại người bạn nhỏ này. Nhưng ông Joao rất kinh ngạc khi vài tháng sau, chú chim cánh cụt quay trở lại đảo, đúng nơi ông từng tìm thấy nó, ông Joao ngay lập tức nhận ra Dindim. Dindim cũng nhận ra ông, chú chim liền theo chân ông về nhà.

Sau khi được ông Joao cứu sống, chú chim cánh cụt Dindim đã thay đổi nhịp sống thông thường của nó để sống 8 tháng bên ông Joao Pereira. 4 tháng còn lại, Dindim trở ra biển sống cùng với đồng loại.

Mỗi năm, Dindim đều vượt biển để thực hiện chuyến hành trình trở về sống bên ông Joao. Tình cảm giữa ông Joao và Dindim ngày càng gắn bó. "Tôi yêu chú chim cánh cụt này như con của mình và tôi tin rằng nó cũng yêu tôi", ông Joao nói.

Chú chim cánh cụt vượt biển trở về thăm ân nhân (Video: WSJ).

Câu chuyện về ông Joao và chú chim cánh cụt Dindim đã được chia sẻ khá nhiều trên báo. Ông Joao cho biết: "Không ai được phép chạm vào Dindim. Hễ ai đưa tay định chạm vào nó, nó liền dùng mỏ mổ vào tay họ ngay. Nhưng với tôi thì khác, Dindim ngồi trong lòng tôi, để tôi tắm cho nó, cho nó ăn và bế nó đi chơi".

Trong những năm qua, Dindim vẫn đều đặn quay trở lại thăm ông Joao vào tháng 6 và ra đi vào tháng 2 năm sau để trở về sống với các đồng loại của mình. Qua thời gian, càng lúc chú chim càng trở nên thân thiết với ông hơn.

Một số nhà sinh vật học đã tìm tới để tận mắt chứng kiến sự việc lạ lùng, họ đều khẳng định rằng chưa từng thấy sự việc nào như vậy. Theo các nhà sinh vật học, hẳn chú chim cánh cụt đã nghĩ về ông Joao như một thành viên trong gia đình của nó, sau khi ông cứu sống tính mạng và chăm sóc ân cần cho nó khỏe lại.

Chú sếu nhất quyết ở lại với người đã cứu mình

Cách đây một năm, anh Mohammad Arif từng tìm thấy một chú sếu bị thương nằm trên cánh đồng ở Uttar Pradesh, Ấn Độ. Khi ấy, chú sếu Sarus kích thước lớn đang bị chảy máu nhiều ở bên chân phải, chiếc chân này của nó đã bị gãy. Anh Arif đã mang chú sếu về nhà, tận tình chăm sóc vết thương cho nó trong 6 tuần, sau đó, chú sếu khỏe mạnh, vết thương lành hẳn.

Chim cánh cụt vượt biển về thăm ân nhân và chú sếu không rời người cứu mình - 2

Anh Mohammad Arif cho chú sếu ăn (Ảnh: Daily Mail).

Anh Arif vốn tin rằng ngay khi chú sếu được chữa lành vết thương, nó sẽ bay đi, sẽ quay trở lại môi trường sống tự nhiên của nó. Anh không thể ngờ rằng chú sếu nhất quyết ở lại với anh - người ân nhân đã cứu tính mạng và chữa trị vết thương cho nó.

Trong cuộc sống thường ngày, chú sếu gắn bó với anh Arif tới mức có những khi anh chạy xe máy trong làng, chú sếu còn bay theo không rời. Sau đó, câu chuyện về anh Arif và chú sếu do anh cứu mạng bắt đầu được các tờ tin tức đề cập.

Anh nông dân Arif không dùng bất cứ thứ gì để "giam chân" chú sếu, anh để nó tự do di chuyển, bay lượn. Vì vậy, nếu chú sếu muốn quay trở lại môi trường sống tự nhiên, nó có thể bay đi bất cứ lúc nào. Nhưng chính chú sếu đã lựa chọn ở lại bên anh Arif.

Chú sếu nhất quyết ở lại với người đã cứu mình (Video: Daily Mail).

Sếu Sarus là một trong những loài chim có kích thước lớn nhất thế giới. Sếu Sarus rất chung thủy với bạn tình. Một khi đã tìm được bạn tình, sếu Sarus sẽ gắn bó lâu dài. Nếu bạn tình qua đời, sếu Sarus có thể bỏ ăn đến chết vì tiếc thương.

Nói về lý do mang chú sếu bị thương về nhà chăm sóc, chữa trị, anh Arif nói: "Tôi chỉ làm việc nên làm mà thôi, khi nhìn thấy chú sếu bị thương nằm trên cánh đồng chờ chết với một bên chân bị gãy và đang chảy máu, tôi cảm thấy mình cần phải làm gì đó để giúp cho con vật đáng thương ấy".

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm