Huế:

Châu bản triều Nguyễn còn nhiều giá trị quý cần được làm rõ

(Dân trí) - Ngày 22/11 tại TP Huế đã diễn ra Tọa đàm “Châu bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương” với nhiều ý kiến quan trọng từ các chuyên gia văn hóa.

Nhiều người chưa hiểu được chiều sâu của Châu bản

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, qua diễn trình lịch sử hơn 700 năm (từ 1306) bắt đầu từ Thuận Hóa đến Phú Xuân để trở thành Kinh đô của cả nước (từ 1788-1801 dưới triều Tây Sơn, từ 1802-1945 dưới triều Nguyễn), rồi Thừa Thiên Huế sau này, văn hóa Huế đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng văn hóa của cả dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa được bảo lưu, kế thừa và ngày không ngừng được phát huy đã làm cho vùng đất Huế ngày càng phong phú và đa dạng với rất nhiều loại hình văn hóa tồn tại bổ sung lẫn nhau. Trong đó, Châu bản triều Nguyễn là một giá trị đặc sắc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Châu bản triều Nguyễn nói chung từ trước đến nay đã có một số công trình nghiên cứu, đánh giá. Tuy chưa thật sự toàn diện, nhưng nhìn chung các công trình nghiên cứu, giới thiệu về Châu bản triều Nguyễn đã công bố cũng khái quát lên được phần nào về các giá trị của châu bản. Nhưng, trừ những người nghiên cứu chuyên sâu mới có điều kiện để nắm bắt được một cách đầy đủ về các giá trị của châu bản, nhiều người vẫn chưa có thể định hình một cách rõ nét về chiều sâu của loại hình di sản này. Hơn nữa, để xác định một bức chân dung đa diện của Châu bản triều Nguyễn, thì đến nay vẫn là điều còn nhiều chuyện rất đáng bàn.

Cố đô Huế là nơi xuất phát và chứa đựng hệ thống Châu bản triều Nguyễn đầy giá trị

Cố đô Huế là nơi xuất phát và chứa đựng hệ thống Châu bản triều Nguyễn đầy giá trị

Ths. Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết: “Châu bản triều Nguyễn hiện nay là một trong các sưu tập tài liệu đặc biệt quý hiếm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ. Với những giá trị đặc biệt đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hình thức và nội dung như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế”. 

Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính của triều Nguyễn (từ 1802 đến 1945 là thời kỳ vua Nguyễn đóng đô tại Huế), bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu chỉ… được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng màu mực son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Cố đô Huế là nơi xuất phát và chứa đựng hệ thống Châu bản triều Nguyễn đầy giá trị

Bút phê vua Thành Thái (mực đỏ, dấu đỏ, có những chỗ vua trực tiếp sửa vào) trên bản tấu chọn phò mã cho công chúa

Di sản tư liệu thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích... Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận ngày 31/7/2009. Đến ngày 9/3/2010, Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới. Ngày 26/5/2011, Hệ thống mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục sẽ được đề cử vào di sản tư liệu thế giới. Ngày 14/5/2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện nay, các di sản tư liệu thế giới đang chuẩn bị đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu như Bộ kinh Phật cổ ở chùa Dâu (Bắc Ninh), các cột kinh, sách đá chùa Nhất Trụ (Ninh Bình), Bản thảo của Bác Hồ (Hà Nội), Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình triều Nguyễn (Thừa Thiên Huế)…

Nhiều giá trị đặc sắc từ Châu bản triều Nguyễn

Nhà nghiên cứu Huế, Ths. Phan Thuận An nhận xét, “Nhìn lại châu bản triều Nguyễn trên quan điểm sử học, chúng ta thấy loại tư liệu gốc này đã được thực hiện một cách bài bản theo một phương thức làm việc chặt chẽ, có sự liên đới chịu trách nhiệm giữa vua với các trực thần ở Nội Các cũng như với các sử thần ở Quốc Sử Quán. Chính phương thức làm việc nghiêm cẩn của văn phòng các vua triều Nguyễn đã tạo ra được sự khả tín trong nội dung các châu bản”.

Ths. Nguyễn Thu Hoài qua tham luận “Giá trị đặc sắc của Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn” đã nhấn mạnh, đây là các văn thư hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền triều Nguyễn, vì thế nó đương nhiên phản ánh rõ ràng và sinh động giai đoạn lịch sử này. Hình ảnh các Hoàng đế, bộ máy chính quyền, đời sống nhân dân hay sự hiện diện của thực dân phương Tây đều được thể hiện khách quan trên từng trang tài liệu.

Bút phê của Hoàng đế Khải Định (mực đỏ) ở bản tấu thiết triều chính sự năm 1917
Bút phê của Hoàng đế Khải Định (mực đỏ) ở bản tấu thiết triều chính sự năm 1917

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho rằng: “Châu bản là tài liệu đề cập khá nhiều về việc xây dựng, tu bổ các công trình dưới triều Nguyễn, kể cả việc bài trí, sinh hoạt trong cung điện. Nếu khai thác được mảng tài liệu này, thì đây cũng là một lời giải quan trọng cho các nhà quản lý, bảo tồn ở Huế. 

Cố đô Huế là nơi gắn liền với sự hình thành của châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của châu bản. Vì vậy, việc các đơn vị quản lý và chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa châu bản, bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, về Huế để khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Và đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra”.

PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, những Châu bản được các vị vua triều Nguyễn phê duyệt không chỉ có hiệu lực về mặt hành chính trong cả nước, mà còn mang tính pháp lý quốc tế, bởi vậy giá trị của nó được ghi nhận tuyệt đối.

Đặc biệt qua nghiên cứu về chủ đề về Hoàng Sa, Trường Sa trong Châu bản, PGS.TS. Đỗ Bang nhấn mạnh: “Triều đình nhà Nguyễn đã huy động một lực lượng hùng hậu phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế,quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết...

Bút phê của Hoàng đế Khải Định (mực đỏ) ở bản tấu thiết triều chính sự năm 1917

Bản tấu của Nội các trình vua về khen thưởng các sai phái và dân phu đi khảo sát ở Hoàng Sa năm vua Minh Mạng thứ 16 (1835)

Hàng năm, lực lượng thực hiện nhiệm vụ Hoàng Sa trên 6 tháng có mặt tại quần đảo này để làm nhiệm vụ khai thác kinh tế và bảo vệ chủ quyền. Những tháng bão tố, tuy không có mặt thường xuyên tại đảo nhưng những biện pháp bảo vệ chủ quyền của triều Nguyễn vẫn giữ được tính liên tục trong lịch sử”.

Tọa đàm đã khẳng định lại một lần nữa rằng Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu Hán Nôm đặc biệt quý hiếm, chứa đựng rất nhiều thông tin có giá trị. Tiếc rằng trong những năm chiến tranh, một số lượng không nhỏ châu bản đã bị mất mát, hủy hoại. Nhưng dù có bị thiếu hụt, mất mát thì Châu bản triều Nguyễn vẫn là khối tư liệu văn kiện quý giá hiếm hoi còn lại của một vương triều phong kiến tại Việt Nam.

Với tham luận “Mục lục Châu bản triều Nguyễn - một  tài liệu Hán Việt quý hiếm”, tác giả Nguyễn Hồng Trân, đã đánh giá một cách tổng quan nhất về thực trang lưu trữ, viên dịch và in ấn Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập tài liệu đang lưu trữ tại Huế. Sau 1975,  thư viện Đại học Khoa học Huế tiếp nhận và lưu giữ được 121 tập bản gốc viết tay của Mục lục Châu bản triều Nguyễn, với 18.191 bản phiếu ghi. Tuy vậy, sự mất mát là rất lớn so với thời kỳ Viện Đại học Huế biên dịch và phân loại Mục lục Châu bản triều Nguyễn. Do vậy, một kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Mục lục Châu bản triều Nguyễn là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Bút phê của Hoàng đế Khải Định (mực đỏ) ở bản tấu thiết triều chính sự năm 1917

Kho di sản tư liệu thế giới - Châu bản triều Nguyễn vẫn còn rất nhiều nội dung quý cần được làm sáng tỏ và đưa đến công chúng rộng rãi trong thời gian tới

Th.s. Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết, đang triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015 đến 2025. Đề án này sẽ có nhiều điểm nhấn như: Xây dựng khu trưng bày “Không gian Châu bản triều Nguyễn” tại Trung tâm như một điểm tham quan thường xuyên thu hút công chúng; Thiết kế, bài trí kho bảo quản tài liệu Châu bản thành không gian đặc trưng để phục vụ khách tham quan kho tài liệu; Công bố các bộ sách chuyên đề về Châu bản triều Nguyễn… 

Ths. Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết thêm, từ thực tiễn của di sản tư liệu Châu bản, đã hướng vấn đề đến một loại tiềm năng di sản tư liệu ở Huế đó là Hệ thống thơ ca, văn tự trên kiến trúc cung đình Nguyễn. “Nếu Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương với các tiêu chí như tính độc đáo, tính xác thực; là nguồn sử liệu gốc, thể hiện sự đa dạng về chữ viết… thì Thơ văn trên kiến trúc cung đình thời Nguyễn cũng thể hiện được những đặc điểm khu biệt có giá trị nổi bật của một loại hình di sản tư liệu cực kỳ đặc sắc vì thơ trên kiến trúc là một loại hình di sản vừa có tính vật thể, vừa có tính phi vật thể rất độc đáo của Việt Nam”.

Bút phê của Hoàng đế Khải Định (mực đỏ) ở bản tấu thiết triều chính sự năm 1917
Hệ thống thơ ca trên di tích Huế hiện còn rất nhiều, đang chuẩn bị được đề cử lên UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới



 













Đại Dương