Câu chuyện về công chúa thiệt mạng sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Công chúa người Anh Anne là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử thực hiện chuyến bay băng qua Đại Tây Dương và bà đã qua đời trong chuyến bay thất bại này.

Công chúa Anne hay còn gọi là Lady Anne Savile sinh năm 1864 trong một gia đình rất giàu có và danh giá người Anh. Cha của bà là bá tước Mexborough. Công chúa Anne là một nhà hoạt động xã hội và người bảo trợ hàng không nổi tiếng tại Anh. Anne là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử thực hiện chuyến bay xuyên qua Đại Tây Dương và thiệt mạng.

Anne kết hôn với hoàng tử Ludwig vào năm 1897 tại London, Anh quốc. Hai năm sau ngày cưới, chồng của Anne, Ludwig đã chết tại Philippines trong chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ. Công chúa Anne không tái hôn sau khi chồng qua đời.

Trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Anne thường xuyên đi du lịch tới Mỹ. Trong một chuyến đi vào tháng 1/1913, bà di chuyển bằng tàu hơi nước SS Majestic. Bà gây bất ngờ khi mang theo một chiếc giường cân bằng tự động do chính bà sáng chế ra và bà tuyên bố là chiếc giường giúp ngăn ngừa được bệnh say sóng.

Anne rất đam mê hàng không và bà bắt đầu thực hiện các chuyến bay với tư cách là một hành khách từ năm 1914. Sau đó, công chúa kết bạn với cơ trưởng Leslie Hamilton, một phi công lái máy bay trong Thế chiến thứ nhất, người có biệt danh là "Người giang hồ bay". Anne là hành khách khi Hamilton lái máy bay tham gia cuộc đua Cúp Nhà vua năm 1923. Trong thời gian tham gia với tư cách là hành khách trong các sự kiện hàng không, bà thường dùng cái tên thời con gái của mình, Lady Anne Savile. 

Câu chuyện về công chúa thiệt mạng sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương - 1

Công chúa người Anh Anne (Ảnh: Pinterest).

Năm 1927, cơ trưởng Leslie Hamilton muốn lập kỷ lục là phi công đầu tiên lái chuyến bay băng qua Đại Tây Dương, từ Anh đến Mỹ và công chúa Anne đồng ý là nhà tài trợ cho chuyến bay này với điều kiện bà phải được đi cùng. Dù vấp phải sự phản đối của những người thân trong gia đình bao gồm cả anh trai của bà là bá tước John Horace Savile, công chúa Anne, khi đó 63 tuổi vẫn quyết định tham gia chuyến thám hiểm của Hamilton với tư cách là một hành khách vì công chúa Anne luôn mơ ước trở thành người phụ nữ đầu tiên bay qua biển.

Anne, cơ trưởng Hamilton và phi công Frederick F. Minchin xuất phát từ sân bay ở Upavon, Wiltshire, Anh quốc lúc 7 giờ 32 phút sáng 31/8/1927 trên một chiếc máy bay Fokker F.VII chạy bằng động cơ Bristol Jupiter 450 mã lực. Tham gia chuyến bay lịch sử, công chúa Anne mặc trang phục màu tím hoàng gia rất sang trọng. Bà tới sân bay bằng siêu xe Rolls Royce và mặc bộ đồ bay như bộ đồ mà bà đã mặc khi tham gia các cuộc đua trước đây. Một vị Đức tổng giám mục Cardiff đã làm lễ ban phước lành cho chiếc máy bay và thành viên trên chuyến bay đặc biệt này.

Máy bay mang tên Saint Raphael hướng về phía tây của biển Ireland và được nhìn thấy lần cuối bởi thủy thủ đoàn của con tàu SS Josiah Macy. Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, các thành viên trên tàu hơi nước của Hà Lan SS Blijdendijik báo cáo đã nhìn thấy một luồng ánh sáng trắng di chuyển về phía đông, cách New York (Mỹ) khoảng 420 dặm và nếu đó là chuyến bay của công chúa Anne và phi hành đoàn thì nghĩa là chuyến bay đã bị lạc đường.

Không ai nhìn thấy chiếc máy bay Saint Raphael thêm một lần nào nữa. Đội cứu hộ tìm kiếm tất cả các điểm dọc theo bờ biển Labrador cũng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của máy bay Saint Raphael. Các cuộc tìm kiếm diễn ra trong vài ngày sau đó cũng thất bại và vào ngày 5/9/1927, các anh trai của công chúa Anne thông báo, họ tin rằng em gái của họ đã chết trên biển cùng với hai phi công.

Câu chuyện về công chúa thiệt mạng sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương - 2

Công chúa người Anh Anne qua đời ở tuổi 63 sau chuyến bay xuyên qua Đại Tây Dương thất bại (Ảnh: Imago Images).

Mặc dù không tìm thấy dấu hiệu của Saint Raphael nhưng người ta cho rằng công chúa Anne cùng với hai phi công Hamilton và Minchin đã qua đời vào ngày 31/8/1927 tại khu vực Bắc Đại Tây Dương gần bán đảo Labrador và Newfoundland.

Công chúa Blücher von Wahlstatt, một người họ hàng của công chúa Anne sau đó đã chia sẻ với báo giới rằng: "Các anh trai của Anne đã nỗ lực hết sức để khuyên can cô ấy đừng tham gia một cuộc phiêu lưu không cần thiết như thế này nhưng cô ấy không nghe lời và quyết làm theo ý của mình".

Vào thời điểm công chúa Anne qua đời, bà là người phụ nữ thứ hai mất tích trong một chuyến bay xuyên qua Đại Tây Dương. Người phụ nữ đầu tiên biến mất trong chuyến bay qua Đại Tây Dương là Mildred Doran, người đã tham gia cuộc đua Dole Air từ Oakland, California, Mỹ đến Hawaii, Mỹ.

Công chúa Anne được thông báo là đã chết theo lệnh tòa án đưa ra tại London vào ngày 6/2/1928. Bà qua đời ở tuổi 63 và để lại một khối tài sản rất lớn. Ngày nay, tại nhà thờ St Raphael ở Anh có một tấm bia tưởng niệm dành cho Anne và hai phi công vì đã dũng cảm thực hiện chuyến bay xuyên qua Đại Tây Dương từ Anh đến Mỹ.

Theo www.gracesguide.co.uk