Cách ngâm mật ong cùng các loại thảo mộc
(Dân trí) - Mật ong ngâm với trái cây hoặc thảo mộc là một cách tuyệt vời để tăng thêm hương vị, cũng như bổ sung các chất có lợi cho sức khỏe.
Mật ong được đánh giá là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Được truyền cảm hứng từ câu chuyện làm ra những hũ mật nguyên chất của những người nông dân. Sau khi mua mật ong sú và mật hoa miền núi về, chị Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (Đà Lạt, Lâm Đồng) tìm hiểu và nghiên cứu những cách ngâm mật ong với những loại trái cây, thảo mộc để tăng thêm hương vị và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Hai phương pháp để ngâm mật ong
Phương pháp nhanh: Làm nóng mật ong cùng với các loại thảo mộc từ từ cho đến khi đạt đến nhiệt độ 85⁰C trong 10 phút. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm phá hủy các enzym có lợi...
Phương pháp chậm: Để mật ong ngấm vào các loại thảo mộc ít nhất trong hai tuần. Phương pháp này tuy hơi tốn thời gian, nhưng hương vị và các chất dinh dưỡng thu được ở mức tối đa.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Mật ong: Mật ong thô có hương vị nhẹ, chưa qua tinh chế và xử lý nhiệt là thích hợp nhất.
Các loại thảo mộc tươi hoặc khô: Hương thảo, cỏ xạ hương, bạc hà, hoa oải hương, hoa cúc, cánh hoa hồng, chanh, gừng, tỏi, nghệ, đinh hương, vani, quế, hoa hồi sao, saffron...
Để ngăn vi khuẩn xâm nhập, hãy rửa sạch và lau khô hoàn toàn các loại hoa và thảo mộc tươi trước khi ngâm. Nếu sử dụng vỏ cam quýt, hãy cạo vỏ cam quýt vào đêm hôm trước và để khô.
Hũ thủy tinh: Luộc trong nước sôi khoảng 10 phút và để khô, khử trùng.
Cách làm
Cho các loại thảo mộc vào hủ thủy tinh (định lượng thùy theo sở thích mùi vị đậm hay nhẹ và mục đích sử dụng), đổ ngập mật ong, sau đó đậy kín nắp lại. Nhớ ghi lại nội dung và hạn sử dụng của mật ong.
Để yên ít nhất trong hai tuần ở chỗ tối và nơi thoáng mát, nên bảo quản ở nhiệt độ không quá 27⁰C, lý tưởng nhất là khoảng 21-26⁰C. Tùy vào điều kiện bảo quản mà có thể sử dụng đến một năm (để ngăn mát tủ lạnh).
Cách sử dụng
Mật ong ngâm thảo mộc có thể dùng để pha trà, ăn với bánh mì, sữa chua, dùng trong nước sốt salad hoặc trị liệu,... Bên cạnh đó, chúng cũng có thể được sử dụng như một loại mỹ phẩm, một loại mặt nạ cho da.
Mật ong ngâm đông trùng hạ thảo: Bồi bổ cơ thể tăng cường sức khỏe, dùng cho người già, người mới ốm dậy, người suy nhược. Tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm cholesterol trong máu, chống lão hóa giúp da mịn màng.
Mật ong chanh quế: Kết hợp cả 3 thứ trong trà quế - chanh - mật ong là một công thức hiệu quả giúp giảm cân và làm dịu cơn ho hoặc đau họng.
Mật ong hoa cúc: Có tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp, trị mất ngủ, cao huyết áp hay đau đầu.
Mật ong quế: Có vị cay, tính ấm, giúp trị đờm, hen suyễn, đau răng lợi, hôi miệng.
Mật ong hoa hồng: Hoa hồng chứa nhiều vitamin C, nhiều hơn cả cam. Vậy nên nó rất tốt cho hệ thống miễn dịch cũng như chống lại độc tố. Nó cũng được coi là một loại thảo mộc làm mát, mang trong mình sức mạnh tự nhiên giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Dùng như mặt nạ còn có thể chống lại các gốc tự do và bổ sung vitamin C cho làn da.
Mật ong đinh hương: Trong chăm sóc răng miệng, hỗn hợp giúp làm giảm đau răng, đau nướu răng, loét miệng và hôi miệng. Ngoài ra còn số công dụng như giảm stress, thúc đẩy tiêu hóa, giảm ho, bôi vào vết thương hoặc vết côn trùng cắn, tăng cường hệ miễn dịch.
Mật ong hương thảo: Thường được dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, làm việc quá sức, choáng do huyết áp thấp, người mệt yếu do tuần hoàn kém...
Mật ong hoa lavender (oải hương): Tốt cho dạ dày, làm giảm chứng đầy hơi, kích thích sự thèm ăn,... (tránh dùng oải hương với liều lượng cao đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, vì chúng có tính chất kích thích dạ con, dễ gây sinh non cho sản phụ).
Mật ong xạ hương: Giúp tinh thần thư giãn hơn, hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm, mất ngủ, lo âu. Điều trị ho, cảm cúm, cảm lạnh
Lưu ý: Không cho trẻ dưới một tuổi uống mật ong vì có thể gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ.