Ca khúc duy nhất Trịnh Công Sơn viết tặng Khánh Ly là… sự trách móc!

(Dân trí) - “Yêu dấu tan theo” là ca khúc duy nhất Trịnh Công Sơn viết cho “người tình âm nhạc” Khánh Ly. Tuy nhiên, Khánh Ly chia sẻ rằng, ca khúc đó là lời trách móc nặng nề, được cố nhạc sĩ sáng tác khi đang… giận bà!

“Yêu dấu tan theo” là ca khúc Trịnh Công Sơn viết về Khánh Ly

Hơn nửa đời người gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn, Khánh Ly người mà cố nhạc sĩ họ Trịnh coi là “một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau” đã từng nói: “Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Cũng có lẽ vì thế, Khánh Ly là một trong số những người hiểu rất rõ ca từ, cũng như tâm ý phần lớn ca khúc của Trịnh.

Tuy nhiên, trong chuyến trở lại Hà Nội tiếp tục chương trình từ thiện “Vòng tay nhân ái” và tưởng nhớ ngày mất của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly lại tiết lộ rằng, thực ra cố nhạc sĩ có sáng tác về bà. Hoàn cảnh ra đời ca khúc này rất… éo le và đặc biệt. “Yêu dấu tan theo” lại là lời trách cứ rất nặng nề…

Khánh Ly- Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh internet).
Khánh Ly- Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh internet).

“Nhiều người cứ hỏi rằng, ông Sơn có viết nhạc cho tôi không? Về điều này, ông Sơn không nói. Tôi cũng không hỏi. Nếu hỏi: “Anh có viết bài nào cho em không?” Vô duyên lắm! Nhưng mọi người lại bảo “Yêu dấu tan theo” là ca khúc ông Sơn viết về tôi.

Trong đó có những ca từ như thế này: “Em theo đời cơm áo/Mai ra cùng phố xôn xao/ Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo./Ta ôm tình nặng trĩu/ Nghe quanh đời mưa bão/ Ôi những ngày yêu dấu bọt bèo…”, Khánh Ly nói. Bà kể rằng, thời điểm đó, bà không có tiền, đi hát nhạc Trịnh cũng đâu bởi vì kiếm tiền. Muốn may cái áo, mua đôi giày cũng không có tiền. Đôi giày rách cũng không có tiền để mua. Bà còn phải nuôi con nữa. Gánh nặng cơm áo đè lên vai nên bà phải tính kế sinh nhai. Ngoài giọng hát, bà không biết làm gì nên mờ phòng trà ở Đà Lạt. Trịnh Công Sơn không thích vì thế viết ca khúc trách móc bà.

Bà chia sẻ: “Lúc đó, tôi không thể nói, anh ơi em không có tiền. Nếu tôi nói, ông Sơn sẽ cho tôi, chắc chắn thế. Nhưng tôi không nói được và tôi phải đi làm kiếm tiền. Tôi chỉ biết mỗi hát nên mở phòng trà tại Đà Lạt. Ông Sơn chán lắm, mời ông lên ông cũng không lên. Và ông viết ca khúc “Yêu dấu tan theo”. Tôi nghĩ đó là lời trách rất nặng.

Điều ông Sơn nói rất đúng, người ca sĩ khi phải lo lắng về tiền bạc thì không thể hát hay, không còn hồn vía để mà hát. Cho nên, sau này tôi cũng nghĩ rằng nếu vì tiền thì không nên làm ca sĩ, còn làm ca sĩ phải chấp nhận nghèo nghèo một tí. Với các nhạc sĩ cũng vậy, không ít người thuở đầu viết ca khúc rất hay, sau vì cơm áo đành bỏ nhạc đi làm giàu. Đến khi cuộc sống sung túc rồi, muốn làm nhạc hay cũng không được nữa…


Theo chia sẻ của Khánh Ly, Trịnh Công Sơn là người hiền lành. Ông yêu thương mọi người, không giận hờn ai cả. Người nào bị ông giận nghĩa là ông quý ghê gớm lắm...

Theo chia sẻ của Khánh Ly, Trịnh Công Sơn là người hiền lành. Ông yêu thương mọi người, không giận hờn ai cả. Người nào bị ông giận nghĩa là ông quý ghê gớm lắm...

Sau này, tôi cũng đóng cửa phòng trà vì không biết tính toán. Tôi không giỏi tính toán, chỉ biết hát nên tháng nào cũng phải vay nợ trả tiền các nghệ sĩ.”

“Thời đó nghèo mà vui. Tối ngày tôi lông nhông chơi với đám con trai, không có bạn gái, thành ra hợp với… ông Sơn là vậy. Người ta gọi tôi là Mai đen cũng bởi tôi phơi nắng nhiều”, Khánh Ly hài hước nói.

“Tôi tìm ở Trịnh Công Sơn tình yêu của một người cha”

Theo chia sẻ của Khánh Ly, Trịnh Công Sơn là người hiền lành. Ông yêu thương mọi người, không giận hờn ai cả. Người nào bị ông giận nghĩa là ông quý ghê gớm lắm. Nhưng ông không giận được lâu vì ông không thể sống thiếu bạn bè.

“Ông Sơn thường uống rượu và đi ngủ lúc 5 giờ chiều, trước khi đi ngủ ông say lắm, tắm cái đã. 7 giờ sáng ngủ dậy, ông cũng tắm cái đã, rồi ông ra phốngồi. Có lần, tôi hỏi: “Ngày nào anh cũng ngồi ngoài này vậy?” Ông nói: “Nếu một ngày, anh không nhìn thấy mọi người, anh sẽ buồn ghê lắm!”, bà kể.

Và không hiếm lần, bà bị ông giận và trách cứ: “Khi tôi lấy chồng bên Mỹ, ông Sơn viết cho bức thư: “Mai, bộ hết người rồi sao lấy ông Hoàng Đoan?”. Tôi đọc mà cảm giác tổn thương, đau lòng. Nhưng tôi không cự cãi lại. Năm 1997, sau khi lấy chồng về Việt Nam, ngày nào chúng tôi cũng tới ngồi ăn với ông Sơn. Cả cái bàn 20 người, ngày nào cũng vậy.

Chuyện bức thư, chồng tôi không hề giận Trịnh Công Sơn. Trái lại, ông chồng quái đản của tôi dành cho ông Sơn tình cảm rất đặc biệt.

Có dịp, chồng tôi cũng hỏi ông Sơn sao viết cho tôi bức thư đó. Ông Sơn nói: “Moa không biết về Đoan, chỉ nghe người ta nói, nhưng mà bây giờ Moa biết là Đoan làm được cho Mai nhiều điều. Mai khổ nhiều rồi, Moa không muốn Mai khổ thêm nữa”. Lúc đó, ông Sơn mới nói lý do vì sao ông viết bức thư đó. Ông nghe người ta đồn này nọ và ông sợ tôi khổ.”

Khánh Ly luôn ráng sống theo câu nói của cố nhạc sĩ: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Dù chẳng để làm gì, chỉ để gió cuốn đi...
Khánh Ly luôn ráng sống theo câu nói của cố nhạc sĩ: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Dù chẳng để làm gì, chỉ để gió cuốn đi..."

Dù không nói nhiều nhưng Khánh Ly hiểu mọi việc bà làm ông đều chú ý và quan tâm. Còn bà, vì thiếu thốn tình cảm mà luôn tìm kiếm ở Trịnh Công Sơn tình yêu của một người cha. “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ lúc 3 tuổi. Đi trên đường làng, bố ghé quán lá mua cho tôi vài cái kẹo bột, lấy quả trứng gà chọc hai đầu cho tôi húp. Bố thường ủ tôi trong áo bông, hát cho tôi nghe “Chiều vàng”, “Con thuyền không bến”… Có lẽ từ đó, âm nhạc thấm vào tôi. Tôi yêu bố mà bố thì mất sớm.

Đến khi gặp ông Sơn, ông dạy, tôi: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Lúc đó còn non trẻ, tôi nghĩ tiền không có, tấm lòng làm gì? Ông nói bình thản, không lên gân, không cường điệu: “Thì Mai cứ sống với tấm lòng mình đi, dù chả để làm gì cả, chỉ để gió cuốn đi”. Càng ngày, tôi càng thấm câu nói đó và ráng sống theo như vậy…”, bà bộc bạch.

Khánh Ly bảo, ông Sơn thường tập hát cho bà và không bao giờ sửa. Dù nhiều người nói, tôi hát sai nhạc Trịnh nhưng ông Sơn thì chưa bao giờ nói điều đó. Bà hát theo cảm xúc của mình, bà hát cho ông nghe và ông không chê…

“Dẫu không phải tình yêu, không phải tình nhân nhưng tôi lại cảm thấy mình may mắn khi chỉ là người đi bên cạnh Trịnh Công Sơn, đi dưới bóng mát của ông”, bà nói.

Nguyễn Hằng