Thứ trưởng Vương Duy Biên:
“Biết đâu Việt Nam là trường quay lớn của thế giới trong nay mai”
(Dân trí) - Bên lề cuộc họp báo ra mắt đoàn làm phim “Kong: Skull Island” sáng 21/2 tại Hà Nội, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã chia sẻ những liên quan đến việc quảng bá du lịch bằng điện ảnh mà bấy lâu Việt Nam chưa xem trọng. Ông Biên cũng lạc quan rằng, biết đâu Việt Nam trở thành trường quay lớn của các đoàn làm phim trên thế giới trong nay mai.
Ông nghĩ gì về việc đoàn làm phim “Kong: Skull Island” đến quay tại Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với việc quảng bá du lịch Việt Nam?
Thực ra, việc hợp tác với các đoàn làm phim quốc tế đến quay tại Việt Nam chúng ta đã làm. Trước đây từng có các bộ phim như: Người tình, Đông Dương, Điện Biên Phủ… Chúng ta đã được chứng kiến hiệu ứng du lịch được bùng nổ sau khi các bộ phim được công chiếu. Tôi nghĩ, lần này một hãng phim rất có tiếng của Hollywood, lại làm bộ phim cũng rất nổi tiếng chọn Việt Nam làm bối cảnh quay quan trọng thứ 3 trong phim, chắc chắn sẽ tạo nên hiệu ứng rất lớn. Tôi cho rằng, từ tác phẩm điện ảnh “bom tấn” này, sẽ giúp chúng ta quảng bá đất nước và con người Việt Nam rộng rãi, ấn tượng hơn. Tôi nhìn thấy được hiệu ứng du lịch sẽ rất mạnh mẽ khi bộ phim này công chiếu.
Từ sự kiện này chúng ta cần phải tranh thủ đẩy mạnh hơn công tác quảng bá du lịch. Trước hết là phải tạo điều kiện hết sức để đoàn làm phim hoàn thành tác phẩm, sớm đưa bộ phim công chiếu trên thế giới. Và từ đó, chúng ta cũng phải suy tính đến việc phải đẩy mạnh hơn nữa kênh quảng bá du lịch bằng điện ảnh. Tất nhiên, ngoài giới thiệu bằng tác phẩm điện ảnh chúng ta còn nhiều kênh khác để quảng bá du lịch như: tổ chức các tuần lễ văn hoá ở nước ngoài, hợp tác triển lãm, chương trình ca nhạc… Tuy nhiên, tôi cho rằng việc quảng bá du lịch bằng tác phẩm điện ảnh là kênh quảng bá đạt hiệu quả lớn nhất mà từ trước tới nay chúng ta vẫn chưa đẩy mạnh lắm, chưa tận dụng hết.
Vì thế, chúng ta phải biết nắm bắt lấy cơ hội này và từ đó mở ra những hướng phát triển mới. Tôi còn nói đùa, biết đâu, đến một lúc nào đó các đoàn làm phim thấy đến Việt Nam được tạo điều kiện rất thuận lợi, mọi chi phí được giảm thiểu, dân rất hiếu khách, nhiệt tình và thân thiện, cảnh Việt Nam lại đẹp… thì các đoàn làm phim thế giới lại thích đến Việt Nam quay phim, lại sử dụng hình ảnh các di sản - thắng cảnh Việt Nam vào phim.
Tôi nghĩ rằng, cơ hội để phát triển du lịch bằng điện ảnh đến thì chúng ta phải nắm lấy. Nhưng để “nắm” được trước hết chúng ta phải giảm thiểu các thủ tục, đơn giản hoá các loại giấy tờ… nhất là các thủ tục trong quá trình đoàn làm phim đưa hàng trăm tấn đạo cụ và một đội ngũ nhân lực hết sức hùng hậu sang thực hiện các cảnh quay. Tôi nghĩ việc này sẽ tạo thiện cảm cho các đoàn làm phim. Và biết đâu, trong tương lai Việt Nam trở thành trường quay lớn của các đoàn làm phim lớn trên thế giới (cười). Nếu được như thế thì quá tuyệt vời.
Ông có thể cho biết, thủ tục để một đoàn làm phim quốc tế được cấp phép vào quay tại Việt Nam?
Có nhiều thủ tục lắm. Mỗi đoàn làm phim lớn như vậy, hàng trăm tấn đạo cụ, thậm chí có đạo cụ lớn như trực thăng chuyên dụng, vật liệu nổ… muốn đem vào phải làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để tạo điều kiện cho đoàn làm phim tạm nhập, tái xuất những đạo cụ đó. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên có phương án nhập lớn như thế nhưng khi các Bộ ngành hiểu được vấn đề này sẽ tạo điều kiện hơn.
Trong thủ tục xin phép được quay tại Việt Nam đoàn làm phim bao giờ cũng nếu rõ về số lượng đạo cụ, số lượng nhân sự, kế hoạch…
Từ sự kiện đoàn phim “Kong: Skull Island” sang quay ở Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình lần này, Bộ VH,TT&DL đã nghĩ gì đến phương án mở rộng việc mời gọi các đoàn làm phim sang Việt Nam quay phim?
Thật ra, việc tận dụng một sự kiện điện ảnh để đề ra một kế hoạch dài hơi cho việc quảng bá du lịch thì hơi khập khiễng. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam để đạt đến một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, công nghiệp không khói là một việc lớn mà cả đất nước, cả bộ ngành từ trung ương đến địa phương phải cùng kết hợp làm. Một sự kiện điện ảnh cũng là một gợi ý tốt để chúng ta thêm được một hướng phát triển, giới thiệu hình ảnh Việt Nam đẹp, thân thiện và mến khách ra bạn bè thế giới.
Tôi nhớ, lần chúng tôi sang Pháp sau khi đoàn làm phim Pháp thực hiện xong 3 bộ phim: Người tình, Đông Dương và Điện Biên Phủ thì cả châu Âu, đặc biệt là Pháp đều có hội chứng du lịch Việt Nam. Nghĩa là cái ngẫu nhiên điện ảnh mang lại cho du lịch, giống như chúng ta vừa chứng kiến hiệu ứng của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Khi làm phim ra các đạo diễn, các nhà sản xuất không nghĩ để hướng tất cả các tác phẩm vào điện ảnh để phục vụ du lịch. Người ta phải làm tốt tác phẩm điện ảnh trước đã, còn hiệu ứng du lịch là hiệu quả có được sau khi phát hành bộ phim. Bây giờ mình lường được là với bộ phim này, với hãng làm phim nổi tiếng này, nhiều người trên thế giới sẽ xem và tôi tin bộ phim sẽ tạo nên hiệu ứng khi công chiếu.
Từ bộ phim này chúng ta mở ra các hướng hợp tác điện ảnh quốc tế cho các đoàn làm phim Việt Nam. Đấy là một kênh rất tốt mà mọi thể chế của chúng ta, từ phép tắc giấy tờ… đều tối giản. Mình có sự thông thoáng, tạo điều kiện thì họ sẽ thích đến Việt Nam hơn.
Ông có cho rằng, giữa Bộ VH,TT&DL và Cục Điện ảnh cần có cái bắt tay thật “chặt” để tạo ra những tác phẩm điện ảnh nhằm quảng bá du lịch Việt Nam?
Cái này thật ra chúng tôi đang làm. Trong các chương trình xúc tiến du lịch thì vẫn có các tác phẩm điện ảnh, các tác phẩm phim giới thiệu du lịch Việt Nam cũng có. Cho nên từ hiệu ứng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tôi nghĩ rằng, không chỉ có Cục Điện ảnh mà nhiều đoàn làm phim, thậm chí nhiều địa phương đã nghĩ tới việc sản xuất các tác phẩm điện ảnh để từ ngôn ngữ điện ảnh mà giới thiệu hình ảnh đất nước, hình ảnh quê hương, địa phương của họ. Điều này trên thế giới chúng ta đã từng chứng kiến nhiều bộ phim “bom tấn” của Hollywood, người ta sẽ tìm đến. Chẳng hạn, phim “Trận chiến Trân Châu cảng”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”… chúng ta cũng muốn đến nơi đó.
Vậy theo ông, vì sao hiệu ứng từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ” xanh tích cực đến thế mà đến nay du lịch Phú Yên vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực?
Có thể nói, hiệu ứng du lịch qua tác phẩm điện ảnh, chúng ta mới có từ “hiện tượng” “Tôi thấy hoa vàng trên có xanh”. Cách nay mấy hôm tôi biết, bên Tổng Cục Du lịch cũng rất quan tâm đến sự kiện đoàn làm phim “Kong: Skull Island” ra mắt tại Việt Nam. Tôi cũng nói với các anh bên Tổng Cục Du lịch rằng, đây là cơ hội để các anh chuẩn bị đón chờ hiệu ứng. Tôi tin rằng, ngành du lịch sẽ phải tận dụng cơ hội này để đề ra môi trường về hạ tầng du lịch, ví như điểm đến, giao thông đi lại, dịch vụ… để khi khách xem xong phim họ sẽ tìm đến với Việt Nam. Tất cả hạ tầng phải có khâu chuẩn bị. Về phía Bộ cần phải có sự đầu tư hơn với những bộ phim có chất lượng cao. Muốn tạo ra được hiệu ứng du lịch trước hết bộ phim phải rất hay, rất xuất sắc…. Có hay thì mới bán được cho nước ngoài để họ chiếu rộng rãi cho khán giả.
Cam kết với đoàn làm phim như thế nào trong việc bảo vệ ba di sản ở ba nơi mà đoàn làm phim đến thực hiện các cảnh quay?
Cái đầu tiên khi bắt tay hợp tác với nhau đó là không ảnh hưởng đến di sản của chúng ta. Và đoàn làm phim rất tôn trọng điều này vì các bạn đã từng làm việc ở nhiều di sản trên thế giới nên các bạn hiểu. Thậm chí, đoàn làm phim còn tôn trọng cả nếp sinh hoạt của người dân bản địa. Ví dụ, bây giờ ở Tràng An đang là mùa lễ hội, phương tiện giao thông đến đó rất đông. Làm thế nào để không ảnh hưởng đến quá trình tổ chức lễ hội và tham gia lễ hội của địa phương. Với Hạ Long (Quảng Ninh) và Quảng Bình cũng thế. Làm thế nào để được việc cho cả hai bên chứ không phải chỉ được việc cho đoàn làm phim. Tôi nghĩ, đoàn làm phim rất tôn trọng điều này để thực hiện.
Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin!
Hà Tùng Long