Bí mật đối thoại phim Bụi đời Chợ Lớn

Cuộc họp kéo dài từ 9 giờ 30 phút đến tận 13 giờ không cho báo giới tham dự. Nhiều câu hỏi thắc mắc Cục Điện ảnh tổ chức đối thoại nhằm mục đích gì?

Sau những lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ của nhà sản xuất phim Bụi đời Chợ Lớn, ngày 3-5, lãnh đạo Cục Điện ảnh đã chấp nhận lời đề nghị tổ chức buổi đối thoại với nhà sản xuất bộ phim này về những khúc mắc trong việc xét duyệt bộ phim.

Cảnh trong phim Bụi đời Chợ Lớn. Ảnh: FACEBOOK

Cảnh trong phim Bụi đời Chợ Lớn. Ảnh: FACEBOOK

Cắt giảm cảnh bạo lực mới được chiếu

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện (còn gọi là Hội đồng Duyệt phim Quốc gia) - người có mặt trong buổi đối thoại, cho hay nội dung chính của buổi đối thoại xoay quanh việc lãnh đạo Cục Điện ảnh giải thích cho đại diện nhà sản xuất (gồm 4 người) về những vấn đề pháp lý mà hãng chưa rõ.
 
Trước đó, đạo diễn Charlie Nguyễn, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn phim, cho rằng kinh doanh hợp tác nước ngoài mới bắt buộc phải trình duyệt kịch bản. Còn trường hợp dự án Bụi đời Chợ Lớn của Thiên Ngân và Chánh Phương là 2 hãng phim Việt Nam thì kịch bản không cần thông qua. Charlie Nguyễn cũng nhấn mạnh anh được thuê làm đạo diễn chứ không phải là đối tác kinh doanh với 2 hãng phim trên.
 
Về việc gửi kịch bản để Cục Điện ảnh thẩm định, đạo diễn này nói gửi kịch bản vì muốn xin tư vấn, góp ý để còn đo lường độ an toàn và cắt bỏ những chi tiết Cục Điện ảnh không thích để không phải quay, nhằm tránh lãng phí tiền bạc và rắc rối sau này. Và việc gửi kịch bản của nhà sản xuất là đã xem trọng ý kiến của Cục Điện ảnh, còn cục góp ý như thế nào, nhà sản xuất không nhất thiết phải làm theo.

Một lãnh đạo Cục Điện ảnh khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động sau buổi đối thoại rằng cục làm việc hoàn toàn theo quy định của Luật Điện ảnh. “Không có chuyện không đúng quy định ở đây. Chúng tôi đã nói rõ và đại diện nhà sản xuất cũng đã xin lỗi về những phát ngôn chưa chuẩn của một số người. Họ cũng cam kết sẽ sửa chữa bộ phim theo yêu cầu của Cục Điện ảnh để bộ phim có thể ra mắt khán giả đúng như mong muốn của nhà sản xuất” - vị lãnh đạo này cho biết.

Liên quan đến việc sửa chữa kịch bản bộ phim, lãnh đạo Cục Điện ảnh cho hay cơ quan này đã yêu cầu hãng phim phải sửa chữa kịch bản, cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm, loại bỏ một số lời thoại thô tục hoặc có tính chất kích động bạo lực để tránh vi phạm Luật Điện ảnh.
 
Cục Điện ảnh cũng đã khuyến cáo nhà sản xuất không nên đưa những cảnh chém giết, thanh toán dã man trên các ngõ hẻm, đường phố của TPHCM mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện, can thiệp của bất cứ lực lượng xã hội nào, điều này không đúng bản chất cuộc sống của TP.
 
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, phim cũng có những chi tiết mong muốn hướng thiện của một số nhân vật xã hội đen như Hùng, Phong “bụi”, hai nhân vật nữ cũng cố gắng khuyên bảo người thân từ bỏ thế giới tội ác nhưng thể hiện quá mờ nhạt và không có tính thuyết phục. Chính vì thế, yêu cầu mà Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đề ra là những chi tiết tâm lý, tình cảm này cần được khai thác sâu hơn và nâng cao hơn.
 
Trước băn khoăn liệu bộ phim này có còn nội dung, hồn cốt sau khi đã sửa chữa, dưới góc độ của một nhà chuyên môn, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho hay nếu phát triển được những mối quan hệ nhân văn còn mờ nhạt trong phim thì Bụi đời Chợ Lớn sẽ cân đối và ổn hơn nhiều.

Tại sao phải tổ chức đối thoại?

Cuộc họp kéo dài từ 9 giờ 30 phút đến tận 13 giờ, phóng viên các báo không được phép tham gia, đứng chờ ngoài cửa phòng họp tầng 3 văn phòng Cục Điện ảnh cũng bị mời xuống tầng 1. Cuộc họp kết thúc, nhà sản xuất lập tức lên ô tô trở về, Cục Điện ảnh cũng không chia sẻ điều gì với báo chí ngay sau đó.

Dư luận thời gian qua khá ồn ào sau khi Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đề nghị Cục Điện ảnh chưa cho phép trình chiếu bộ phim này. Vì chưa được xem phim nên báo chí chỉ phản ánh thông qua những phát ngôn của hai bên. Dư luận xã hội xung quanh quyết định không cấp phép phổ biến của Cục Điện ảnh đối với bộ phim này cũng trái chiều.

Một cuộc đối thoại giữa hai bên, giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất phim, sau những ồn ào như thế đáng lý ra được tổ chức công khai có báo giới tham dự. Đằng này, sự việc diễn ra trong vòng bí mật rồi rút đi lặng lẽ. Không hiểu Cục Điện ảnh đang thể hiện tính dân chủ hay không tự tin trước những thẩm định, phán xét của mình và của Hội đồng Duyệt phim Quốc gia khi tổ chức cuộc đối thoại bí mật như vậy?

Đại diện Cục Điện ảnh từng biện minh rằng cục sẵn sàng đối thoại một cách dân chủ với nhà sản xuất theo đề nghị của họ. “Chúng tôi tôn trọng nhà sản xuất nhưng công việc phải được xử lý theo pháp luật”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức đối thoại không công khai trước công luận như thế chẳng những không thể hiện dân chủ mà còn gây bất lợi cho Cục Điện ảnh.

Chưa biết nhà sản xuất sẽ sửa chữa như thế nào để bộ phim sớm được chiếu nhưng rõ ràng những lùm xùm thời gian qua có thể là... cơ hội quảng bá tốt nhất cho bộ phim này trước khi ra rạp (!)

 
Theo Hoàng Lan Anh
Người Lao động