Bình Định:

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng, hát bội: Nghệ sĩ không đi "xin" đãi ngộ

Doãn Công

(Dân trí) - Theo NSND Ngọc Giàu, nghệ thuật tuồng, hát bội để bảo tồn, phát huy thì nhà nước phải có sự đầu tư, chính sách đãi ngộ xứng đáng chứ người nghệ sĩ không thể đi "xin" cơ chế đặc thù.

Chiều 3/12, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề về "Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại TPHCM và tỉnh Bình Định".

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng, hát bội: Nghệ sĩ không đi xin đãi ngộ - 1

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Doãn Công).

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động phối hợp giữa Sở VH-TT tỉnh Bình Định với Sở VH-TT TPHCM về tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, biểu diễn, giao lưu về bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống tại tỉnh Bình Định.

Tại hội nghị, các đại biểu, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống trong lĩnh vực nghệ thuật tuồng, hát bội đã trình bày thực trạng, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này trong giai đoạn hiện nay; bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng, hát bội: Nghệ sĩ không đi xin đãi ngộ - 2

Một tiết mục Tuồng của Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Ảnh: Doãn Công).

Theo NSND Nguyễn Thị Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, hiện nay, nghệ thuật tuồng Bình Định đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ như vắng khán giả, nhất là khán giả trẻ; khan hiếm, thiếu hụt trầm trọng lực lượng diễn viên, nhạc công trẻ kế cận. Trong khi đó, đội ngũ nghệ sĩ "gạo cội" dần nghỉ hưu theo thời gian.

"Nghệ sĩ tuồng bỏ ra nhiều mồ hôi, công sức nhưng tiền lương quá ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày", NSND Nguyễn Thị Hòa Bình nói.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng, hát bội: Nghệ sĩ không đi xin đãi ngộ - 3

NSND Nguyễn Thị Hòa Bình phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Doãn Công).

NSND Nguyễn Thị Hòa Bình cho rằng để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật tuồng Bình Định trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế đặc thù cho ngành nghệ thuật truyền thống.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cũng cho rằng nguy cơ lớn nhất của sân khấu truyền thống nghệ thuật tuồng, hát bội hiện nay là đội ngũ kế thừa ngày càng ít đi. Tuy nhiên, ông không đồng ý quan điểm khi đặt ra vấn đề các nghệ sĩ phải đi xin chính sách đãi ngộ.

NSND Trần Ngọc Giàu nêu quan điểm: "Nếu quan niệm rằng nghệ thuật truyền thống là một giá trị văn hóa phi vật thể thì phải được bảo tồn cụ thể bằng chính con người nghệ sĩ. Nhà nước phải cần bảo tồn, đầu tư, hợp đồng để nghệ sĩ giữ gìn văn hóa phi vật thể. Làm sao để người nghệ sĩ cảm thấy vinh dự đang làm một sứ mệnh giữ gìn giá trị văn hóa phi vật thể đó cho nhà nước, đất nước".

NSND Trần Ngọc Giàu nói thêm, nếu không đầu tư cho thế trẻ thì nghệ thuật truyền thống sẽ mai một. Nhà nước phải có trách nhiệm với các nghệ sĩ chứ không phải để nghệ sĩ đi "xin" các chính sách đãi ngộ đặc thù cho mình.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng, hát bội: Nghệ sĩ không đi xin đãi ngộ - 4

Nghệ thuật Tuồng - hát Bội ngày càng thiếu đội ngũ diễn viên trẻ kế cận (Ảnh: Doãn Công).

Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, chia sẻ hội nghị lần này là dịp để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa và đội ngũ nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật tuồng, hát bội trong thời gian đến.

Từ đó, góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn, bồi đắp thành sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.