Bạo lực ở lễ hội: Do trót phục dựng... (!)

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) khẳng định những hình ảnh bạo lực tràn lan tại các lễ hội một phần do lỗi chúng ta đã trót phục dựng những giá trị không còn phù hợp

Ông nghĩ gì về việc người dân dự lễ hội ẩu đả với nhau để cướp hoa tre ở đền Sóc (Hà Nội) hoặc giẫm đạp cướp ấn từng diễn ra nhiều lần ở đền Trần (Nam Định)?

Một trong những hành vi tín ngưỡng của người trung cổ là cướp lộc, cho phép đả thương, thậm chí là đổ máu, chết người. Ngày nay, khi chúng ta phục dựng những giá trị được cho là di sản văn hóa phi vật thể của cha ông, chúng ta đã làm sống lại những hành vi như chém lợn, cướp lộc, đánh nhau…

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam)

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam)

Trong nền văn minh phát triển của loài người, rõ ràng những hành vi đó phản cảm nhưng khi phán xét thì cần biết rằng đó là những hành vi nguyên thủy.

Cướp lộc ngay trước mắt thánh thì liệu lộc có còn thiêng?

Ở thời trung cổ, người ta coi đó là thiêng. Còn dưới góc độ khoa học thì khác. Khoa học ngày nay đã lý giải mọi thứ. Xưa quan niệm mây mưa sấm chớp là thần nên mới có tục thờ tứ pháp; ngày nay thì ta thấy rõ đó là hiện tượng vật lý, hiện tượng thiên nhiên nhưng người ta vẫn thờ bởi thấy đó là những di sản quá khứ cần được phục dựng. Đặc biệt, khi các nhà khoa học đều cổ xúy phải tôn trọng ý kiến của chủ thể văn hóa, của cộng đồng thì còn gì để nói nữa! Xã hội buộc phải chấp nhận những hành vi vốn cực kỳ thịnh hành ở thời trung cổ, thời phong kiến.

Phải nhìn nhận từ nhiều phía. Đúng hay sai thuộc về góc nhìn mỗi người. Chúng ta đã phục dựng quá nhiều lễ hội không còn phù hợp với ngày nay nữa nhưng đã trót phục dựng rồi, bảo cấm thì không thể cấm ngay được.

Dân làng Ném Thượng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện nghi thức chém lợn gây nhiều tranh cãi

Dân làng Ném Thượng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện nghi thức chém lợn gây nhiều tranh cãi

Về phía cộng đồng, người ta thấy rõ ràng như thế là thiêng, là đặc tính độc đáo của lễ hội nên tự hào về sự độc đáo ấy và không muốn bỏ. Nhưng vi phạm thân thể, đả thương người khác thì không thể coi là hành động văn minh. Sẽ có nhiều thứ ngụy biện cho điều đó. Đó là những thứ náo loạn của xã hội thời nay mà chúng ta buộc phải chấp nhận.

Tôi cho rằng rất đáng tiếc vì đã phục dựng quá nhiều những giá trị thời trung cổ mà vốn nó đã chết từ lâu rồi. Chém lợn cũng chỉ được phục dựng trong vài năm gần đây, trước đó nó đã chết rồi, đã bị bỏ khỏi đời sống cộng đồng rồi. Người ta đang quay lại tín ngưỡng “mọi vật hữu linh”, coi hòn đá, gốc cây là thiêng rồi thắp hương, khấn vái.

Trong cuốn Nếp cũ Hội hè đình đám, nhà nghiên cứu Toan Ánh có viết Thành hoàng làng Ném Thượng cũng là kẻ ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được thờ phụng. Có ý kiến cho rằng không nên lấy bức bình phong truyền thống để duy trì tục chém lợn?

Trong tín ngưỡng dân gian, không chỉ Thành hoàng làng Ném Thượng mà nhiều vị Thành hoàng làng khác cũng có xuất thân và hành vi không lấy gì làm oai phong. Họ có thể là trộm cướp, người chết đuối, người bị bất đắc kỳ tử... nhưng khi chết họ có biểu hiện thiêng thì được thờ làm Thành hoàng làng. Không phải vị Thành hoàng làng nào cũng là người có công cứu nước, có công với cộng đồng. Tuy nhiên, vì không lấy gì làm oai phong nên cộng đồng đã phủ lên nhiều lớp sáng tạo, không có gì chứng thực.

Nhiều người có ý kiến về lễ hội này. Tôi cho là cần nhìn nhận từ hai phía. Chúng ta đã phục dựng, thậm chí là khuyến khích phục dựng nhiều lễ hội khá đa dạng. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam là một trong những cơ quan đi đầu trong việc đó. Giờ đây, khi người ta đã bắt đầu quen với điều đó mà lại bảo cấm thì thật trớ trêu! Dù vậy, những người trong làng cần hiểu cho cái nhìn từ phía ngoài...

Phải chú trọng việc giáo dục

Ngày trước ở quê tôi, mỗi dịp Xuân về, nhất là những buổi chợ cuối năm, các bà, các chị mua về những bộ tranh (thường là 4 tấm) kể về sự tích Thạch Sanh - Lý Thông, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương…, đặc biệt là những bức tranh nhân - quả với những chuyện kể những người sống làm chuyện bậy bạ, đến khi chết xuống âm phủ phải chịu nhiều hình phạt. Người lớn lấy đó làm ni tấc răn dạy con cháu. Và chúng tôi hầu như ảnh hưởng từ những lời dạy bảo ấy.

Sau này, chúng ta lại dạy con cháu phải biết xẻ thịt kẻ thù làm mắm rồi chuyển cho mẹ kẻ thù ăn thịt con mình như truyện cổ Tấm Cám trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 (sau này có sửa lại là Tấm lừa Cám xuống hố rồi tưới nước sôi) hay “Đăm Săn bừng tỉnh, chộp ngay một cái chày mòn, ném trúng vành tai kẻ địch... Nói rồi Đăm Săn đâm phập một cái, cắt đầu Mtao Mxay đem bêu ngoài đường” (sách Ngữ văn lớp 10) hay dạy ăn nói thô lỗ, cộc cằn, say sưa bét nhè, rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo (sách Ngữ văn 11)... Nói chung, sách giáo khoa Ngữ văn các lớp không thiếu những đoạn văn đọc lên không ai không nổi da gà bởi cảnh đâm chém giết hại nhau quá man rợ do bất đồng, mất đoàn kết, thiếu tình người, rồi tìm cách trả thù như thế. Con em chúng ta - những “chủ nhân ông” tương lai của đất nước - có cần thiết làm những con người như vậy không giữa thế giới rộng mở này?

Trước và sau Tết Ất Mùi, báo chí phản ánh nhiều về lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Với lễ hội này, người đồng ý, kẻ không đồng tình. Tại sao lễ hội chém lợn bị lên án? Theo tôi, vì chúng ta khai thác tiềm năng du lịch không đúng cách. Đây là việc của làng Ném Thượng, là niềm tin, là vấn đề tâm linh của cộng đồng nơi ấy, chứ không phải của mọi người. Và việc chém lợn không nên công khai trước mắt mọi người. Cách đây mấy năm, tôi muốn chụp tấm ảnh “Tắm Bà” ở Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ (huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang) nhưng không được ban tổ chức cho phép. Họ hỏi tôi: “Khi anh tắm cha mẹ mình, anh có cho người ngoài xem không?”. Tôi đỏ mặt với nụ cười biết lỗi và cùng với khách thập phương lui ra ngoài chánh điện, chờ mọi việc đâu vào đó mới vào lễ Bà. Năm ấy, tôi được ưu tiên nhận trước một mẩu vải cũ được cắt ra từ bộ y phục cũ của Bà (sau khi tắm và thay y phục mới). Sau đó, mọi người có mặt đều được nhận phần quà này. Với mọi người, đó là lá bùa hộ mệnh giúp cho ta khỏe mạnh, trừ ma quỷ.

Ở Myanmar cũng thế. Ngôi chùa thiêng liêng nhất ở cố đô Mandalay là chùa Mahamuni. Tượng Phật ở đây là một trong ba báu vật quốc gia (cùng với chùa vàng Shwedagon, tháp vàng Kyaihtiyo). Một lần đến đây, tỳ kheo Kyaw Myint, tòng tu tại chùa này, cho biết ngày ngày chư tăng làm lễ rửa mặt Phật vào lúc 5 giờ sáng. Khi làm lễ “Tắm Phật”, ngoài những người có trách nhiệm còn không một ai được phép nhìn cảnh tắm rửa này. Ngay cả việc dát vàng trên tượng Phật cũng chỉ có nam giới, chứ phụ nữ không được phép. Phụ nữ nào muốn cúng dường (dát vàng lên tượng) thì mua vàng nhờ nam giới dát giúp.

Suy cho cùng, để xảy ra bạo lực hay nhuốm màu bạo lực là do chính mình, do mỗi con người, nhất là vì sự hiểu biết của những người đề ra đường lối, chính sách về văn hóa. Vì vậy, muốn chuyển phải chuyển từ gốc chứ không phải từ hiện tượng của vấn đề.

Nhà nghiên cứu Vu Gia



















































Theo Yến Anh
Người lao động
Dòng sự kiện: Bạo lực ở lễ hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm