Lễ hội biến tướng sẽ thành xuyên tạc lịch sử

Mùa lễ hội mới bắt đầu, dư luận đã lên tiếng về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ở lễ hội Đền Gióng (Hà Nội), rồi cảnh một thanh niên vung dao ở lễ hội cướp phết cầu may (Vĩnh Phúc)...

Hình ảnh bạo lực hiển hiện trong lễ hội làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng, giá trị văn hóa của nét đẹp truyền thống.

Lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, nhưng lễ hội cũng đang trở thành gánh nặng cho chính quyền địa phương và ngành du lịch bởi hàng loạt những tiêu cực kéo theo như: Nạn ăn xin, ăn mày, cờ bạc, ăn nhậu, tai nạn giao thông, đánh, chém giết nhau, đặc biệt là nạn xô đẩy chen lấn và nhét tiền vào tay tượng phật để cầu may.

Theo thống kê của ngành du lịch, một năm nước ta “gánh” hơn 8.000 lễ hội và chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Số đó là “phần cứng”, còn các lễ hội “tự mọc”, “tự đặt tên” vẫn gia tăng hằng năm ở nhiều địa phương. Chính các lễ hội “tự mọc” này đang làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của lễ hội, đồng thời kéo theo nhiều tiêu cực nảy sinh mà chính quyền địa phương nhiều phen cũng phải “bó tay”. Khi sự việc tiêu cực quá mức, chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau.

Không nói thì ai cũng biết những ngày đầu năm mới là thời gian diễn ra dày đặc lễ hội ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó những lễ hội lớn như Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Lim, Lễ khai ấn đền Trần... mà mỗi mùa hội đều thu hút hàng trăm ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về. Với quan niệm “đến để cầu may”, “đến để cầu lộc, cầu tài, cầu việc” mà quên nét đẹp văn hóa tâm linh trong sự cầu ấy. Vì vậy người ta sẵn sàng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, ném tiền qua cửa sổ để mua ấn cầu may. Hành động vô tâm, thiếu ý thức, hình ảnh vô cảm thiếu thiện tâm ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều năm. Việc đó không phải chính quyền không biết, ngành du lịch không hay, nhưng có biện pháp gì để chấm dứt những hành động xấu, những hình ảnh phản cảm ấy thì vẫn là “bắt cóc bỏ đĩa”.

Đến với Hội Lim ở Tiên Du (Bắc Ninh), không ít du khách đều bức xúc khi chứng kiến cảnh các liền anh, liền chị ngửa nón, ngã đĩa nhận tiền thưởng của khách. Hình ảnh ấy vừa làm phôi pha nét đẹp liền anh liền chị, vừa đang “giết chết” cái duyên quan họ, và cũng đồng nghĩa với “chặt đứt” cảm hứng của du khách mỗi khi đến trảy hội Lim. Việc “ngửa tráp nhận tiền” của liền anh, liền chị, không phải chính quyền thành phố Bắc Ninh không biết, ngành du lịch huyện Tiên Du không hay, nhưng không có biện pháp chấm dứt, rõ ràng công tác quản lý còn yếu kém.

Truyền thống cúng tiền của người Việt có ý nghĩa đẹp, như là một chút công đức xây dựng tu bổ chùa chiền, là “giọt dầu, nén hương” dâng thờ Phật. Thế nhưng, ở một số chùa chiền đâu đâu cũng thấy hòm công đức, còn người đi hành hương rải tiền, ném tiền, cài cắm tiền lẻ diễn ra hết sức phản cảm ở khắp nơi. Điều đáng ngạc nhiên và lên án là những người rải tiền, ném tiền ấy lại có không ít cán bộ công chức nhà nước - những người được coi là có văn hóa tri thức và sự hiểu biết xã hội.

Liệu có may mắn hay “thuận đường quan lộ”, có tài lộc không, khi người ta xô ngã, trèo qua đầu nhau, đánh chửi nhau để xin ấn ở lễ khai ấn đền Trần; tranh giành, chen lấn từng ghế cáp treo ở chùa Hương? Và liệu có còn nét tôn nghiêm, linh thiêng nơi cửa Phật khi người ta chen nhau cọ tiền vào chùa Đồng Yên Tử và rải tiền khắp nơi, thậm chí “nhét tiền vào tay” tượng Phật hòng thỏa mãn những ước muốn riêng tư của mình?

Những hình ảnh phản cảm trong lễ hội, thực sự đang mất đi một hình ảnh Việt Nam là điểm đến thân thiện và mến khách trong con mắt người nước ngoài. Đâu rồi sự tôn nghiêm lễ hội?
 
GS-TS Nguyễn Ngọc Quang - Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển - nhấn mạnh: Các lễ hội sẽ có biến đổi nhưng phải dựa trên gốc lịch sử vững chắc, nếu không sẽ thành ra xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc lễ hội, làm mất đi giá trị văn hóa Việt Nam và cổ vũ cho những mê lầm.

Trần Bình (Nam Định): Nhưng điều đáng bàn ở đây là, dù dư luận lên án việc phát ấn đền Trần thành lễ “cướp ấn” rất phản cảm, nhưng lễ hội vẫn được chính quyền địa phương duy trì,
chỉ thay không phát ấn vào đêm khai ấn. Phải chăng họ vẫn duy trì bởi, như một số ý kiến cho rằng, nguồn thu mang lại quá lớn cho địa phương (gần 14 tỉ đồng, năm 2013)? Thử hỏi, việc chém lợn, cướp lễ, mua ấn… để cầu sự may mắn, hanh thông trong năm thì liệu có thể coi là bản sắc dân tộc?


Theo Trần Mạnh Tuấn
Lao động
Dòng sự kiện: Bạo lực ở lễ hội