Sở Văn hóa vào cuộc vụ “hỗn chiến” cướp lộc tại hội Gióng
(Dân trí) - Trước thông tin xảy ra tình trạng hỗn loạn tranh cướp hoa tre tại hội Gióng (diễn ra từ ngày 6- 8 Âm lịch), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phối hợp với bên Công an thành phố xuống địa bàn huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý vụ việc.
Lễ hội Gióng Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày (từ mùng 6 tới mùng 8 Âm lịch) nhằm tưởng nhớ vị anh hùng Thánh Gióng đánh giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Đây là một trong những lễ hội lớn thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương tham gia.
Sáng ngày khai hội 24/2, tại hội Gióng đã diễn ra nghi thức rước kiệu hoa tre, một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng trong lúc đánh giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ, nhuộm màu và được cắm trên một thân chuối. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may.
Tuy nhiên, khi kiệu hoa tre đang được rước vào đền Thượng ( tới đền Hạ mới kết thúc nghi lễ) đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp. Theo báo chí phản ánh, có cả thanh niên “xăm trổ” cầm gậy hung hăng hỗn chiến với đội bảo vệ kiệu, gây nên cảnh kinh hoàng khiến du khách hoảng sợ.
Vậy là, xuất phát từ nghi thức tranh cướp hoa tre truyền thống, điểm nhấn độc đáo của hội Gióng đã trở thành cuộc ẩu đả thật sự. Không chỉ hoa tre bị cướp một cách bạo lực, lễ rước trầu cau diễn ra ngay sau đó cũng gặp phải tình huống tương tự.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra cảnh ẩu đả bạo lực tranh cướp hoa tre tại hội Gióng. Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia thì nghi tranh cướp truyền thống cầu may tại lễ hội đang bị tha hóa, biến thành những màn đánh lộn, đổ máu…
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng ngày 25/2, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định, đứng ở góc độ văn hóa, Sở phản đối những màn tranh cướp bạo lực, phản văn hóa tại các lễ hội.
“Ngay khi nhận được thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Công an thành phố xuống hội Gióng xem xét sự việc. Nếu có hiện tượng tranh cướp “hỗn chiến”, đầy bạo lực như báo chí phản ánh thì sẽ có hình thức xử lý đúng theo pháp luật”, ông Tô Văn Động khẳng định.
Theo ông Tô Văn Động, “cướp hoa tre” cầu may mắn là tục lệ của hội Gióng, những gì là truyền thống thì cần được gìn giữ; tuy nhiên không nên lạm dụng vin vào đó để xảy ra những màn tranh giành ăn thua bạo lực, tạo hình ảnh phản văn hóa trong mắt du khách.
Ông Tô Văn Động chia sẻ thêm, ngày xưa, nghi thức lấy lộc cầu may hầu như chỉ dành cho các cụ cao tuổi,các em nhỏ. Ai cũng nhanh nhẹn, nhẹ nhàng lấy lộc với thái độ vui vẻ, vui là chính chứ không hung hăng, xô đẩy như một số thành phần thanh niên bây giờ…
Nguyễn Hằng