Bằng Kiều "Trở lại lần này, tôi hồi hộp, lo lắng..."
Ngày 25-9, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ký giấy phép cho Bằng Kiều cùng ca sĩ Khánh Ly về nước biểu diễn. Bằng Kiều cho biết từ hôm đó đến nay, mỗi ngày anh đều nhận được trên dưới 50 tin nhắn, cuộc gọi phỏng vấn...
Trong vài năm trở lại đây Bằng Kiều cũng có nhận được nhiều lời mời về VN biểu diễn, nhưng vì công việc ở Mỹ rất bận rộn, và cũng như chúng ta hay nói về cái "duyên", Bằng Kiều chưa thu xếp để về được. Tháng 12-2011, Bằng Kiều về VN thăm gia đình, tình cờ gặp được một người bạn lâu năm. Anh ngỏ ý muốn mời Bằng Kiều về biểu diễn, trước là để gặp gỡ lại những khán giả thân quen, sau là anh muốn gây một quỹ từ thiện chuyên về mổ tim cho người nghèo.
Cả một thời gian dài không trở về VN biểu diễn như nhiều ca sĩ Việt kiều khác, đến thời điểm này anh thấy có điều gì cần chia sẻ thêm với khán giả trong nước?
Nói thật là dù thâm niên đi hát cũng hơn 20 năm, biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ khắp nơi nhưng lần này Bằng Kiều vẫn thấy hồi hộp, lo lắng, cảm giác khó tả lắm! Tất nhiên đây sẽ là chương trình đặc biệt nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của Bằng Kiều. Hi vọng là đến lúc gặp gỡ thì tình cảm và sự ủng hộ của khán giả sẽ làm cho Bằng Kiều đỡ hồi hộp hơn để cống hiến hết mình cho đêm nhạc. Một đêm của âm nhạc và cảm xúc!
Live concert lần này của anh sẽ rất đáng nhớ?
Xin được thưa trước với khán giả là chương trình sẽ không có những màn vũ đạo hoành tráng với những vũ công xinh đẹp hay hiệu ứng sân khấu ly kỳ, lộng lẫy. Thay vào đó Bằng Kiều và êkip thực hiện chương trình chỉ làm hết sức để tập trung vào phần âm nhạc, sự tinh tế, cảm xúc... Tất cả đều phải bằng âm nhạc, là cuộc trình diễn về âm thanh, ánh sáng, trên hết là âm nhạc. Hiện tại Bằng Kiều đang rất phấn khích với ý tưởng dàn dựng và âm nhạc mà êkip thực hiện đưa ra.
Ðể phù hợp với gu thẩm mỹ, sở thích của đa số bà con kiều bào ở hải ngoại, anh có vẻ "hoài cổ" khi chọn nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến để trình diễn nhiều hơn là nhạc trẻ, nhạc pop đương đại. Nhưng khán giả trong nước vẫn nhớ đến anh như một giọng ca tiên phong, đầy "trọng lượng" của dòng nhạc trẻ tươi tắn, tràn đầy sức sống và sáng tạo của thời kỳ vàng son Làn Sóng Xanh. Lần trở về này, liệu khán giả sẽ lại được nghe một Bằng Kiều tươi tắn hơn với nhiều thử nghiệm mới mẻ hơn?
Bao nhiêu năm qua, nhiều khán giả đã quen thuộc với giọng hát Bằng Kiều. Lần trở về này sẽ rất thiếu sót, nếu không muốn nói là có lỗi, nếu không hát những bài khán giả yêu cầu. Ða số khán giả đã nghe CD, xem video những bài hát và đã yêu mến nó, bây giờ khi có dịp thì rất muốn nghe live nên Bằng Kiều không thể lấy khán giả của mình ra để thử nghiệm được. Sẽ có những thử nghiệm tươi mới nhưng có lẽ là những chương trình sau này. Bằng Kiều mong muốn âm nhạc của hòa nhạc lần này sẽ vẽ nên một chân dung đầy đủ nhất về Bằng Kiều sau 22 năm ca hát.
Nói về sáng tác, những ca khúc của anh thời gian qua (Chỉ còn mưa rơi, Chỉ là như thế, Chuyện lạ, Hè muộn, Lại đây với anh, Và anh vẫn hát, Lạc mất linh hồn...) nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ người hâm mộ. Liệu khán giả sẽ được thưởng thức những sáng tác mới nhất của Bằng Kiều trong live concert sắp tới?
Bằng Kiều chỉ viết nhạc khi có tâm sự thôi. Sáng tác đầu tiên là ca khúc Hè muộn, chú Dương Thụ đã giúp Kiều về phần lời. Sau đó Bằng Kiều cũng viết thêm một số ca khúc nữa và may mắn được khán giả yêu thích. Nhưng Kiều nghĩ rằng ông trời đã phân công mỗi người một việc, mà Bằng Kiều được chọn làm ca sĩ rồi nên sau này Kiều không viết nữa, chỉ dùng những sáng tác của các nhạc sĩ.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật (mẹ là diễn viên chèo, hai anh là nghệ sĩ kịch), bản thân anh lại học kèn bassoon (Nhạc viện Hà Nội) rồi chơi ban nhạc (Chìa Khóa Vàng, Hoa Sữa, Quả Dưa Hấu) trước khi tách ra làm ca sĩ solo. Tại sao với sở thích ca hát, với chất giọng đặc biệt trong và giàu cảm xúc, anh không theo nghề hát ngay từ đầu?
Thật ra Bằng Kiều đi hát từ khi còn rất nhỏ, khoảng 6, 7 tuổi đã đi hát đám cưới rồi. Cũng là duyên may khi Bằng Kiều gặp được thầy Phúc Linh là thầy dạy bassoon ở nhạc viện. Chính thầy là người ảnh hưởng lớn nhất về thẩm mỹ âm nhạc của Bằng Kiều về sau này. Cũng chính cây kèn bassoon đã giúp Kiều cảm nhận được cái đẹp, cái hay của âm nhạc, những cảm nhận và thẩm mỹ đó là hành trang và nguồn cảm xúc vô tận để Bằng Kiều mang vào trong con đường ca hát của mình.
Xin hỏi anh 10 năm ở Mỹ, thời gian có đủ dài để anh gầy dựng một sự nghiệp?
Thật ra thì... Bằng Kiều đã có sự nghiệp khi còn ở VN. Khi lập gia đình bên Mỹ thì 10 năm qua Bằng Kiều chỉ phát triển sự nghiệp của mình lên thôi, và công lớn nhất thuộc về bà xã của Bằng Kiều - Trizzie Phương Trinh, người luôn là khán giả khó tính nhất, hầu hết những bài "hit" của Bằng Kiều là do Trizzie chọn. Vì thế, nếu nói về sự nghiệp thì có lẽ sự nghiệp lớn nhất đến bây giờ của Bằng Kiều chính là Trizzie và ba cậu nhóc kháu khỉnh. Không có sự hỗ trợ từ gia đình, Bằng Kiều không thể trở thành người nghệ sĩ hạnh phúc trên sân khấu được.
Nhớ “người Hà Nội vỉa hè” Tôi không thể hình dung ra ca sĩ như Bằng Kiều lại trở thành ca sĩ hải ngoại. Anh chàng “người Hà Nội vỉa hè” giống như tôi, thích đá bóng “phủi”, thích la cà hàng nước để lơ mơ nhả khói thuốc lào nhưng lại sống rất đương đại. Bằng Kiều có ý thức về thời mình đang sống và đang làm nghệ thuật, anh hiểu mình hát những gì và những gì mình không thể. Một giọng tenor trời cho, trong sáng, bay bổng trữ tình, lên cao đến đố hai gạch mà không căng thẳng kịch tính, vẫn cho ta cái phần “đời” của giọng hát nhạc nhẹ; một giọng có âm sắc rất riêng, cất lên là biết ngay. Ngoài ra anh còn là ca sĩ có thể sáng tác và phối khí như một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp, có thể thổi sax, chơi guitar như một nhạc công chuyên nghiệp, có thể diễn kịch như một diễn viên chuyên nghiệp, rõ là một anh chàng đa tài hiếm có trong thế hệ của mình. Có lẽ ở VN, theo cách hiểu của riêng tôi, ca sĩ nam như thế là độc nhất vô nhị. Bây giờ ai mời Bằng Kiều hát thì phải xin phép vì “có yếu tố ngoại”. Và người nghe sẽ gặp một giọng hát ngọt ngào, trữ tình với một danh mục chủ yếu là “nhạc xưa”. Anh cover lại những tác phẩm mà người ta quen nghe qua các giọng ca vàng của một thời: Anh Ngọc, Sĩ Phú, Duy Trác, Jo Marcel... với một tâm thế mới, một thẩm mỹ mới, một phẩm chất chuyên nghiệp mà thế hệ trước thường là rất tài tử. Nghe nói ở hải ngoại anh là giọng nam đắt giá nhất, điều chỉ có thể với Tuấn Ngọc, một danh ca lớn nhất của dòng nhạc này. Anh đã không còn là Bằng Kiều mà tôi biết vì đó là điều không thể. Mỗi người đều có một số phận, mà bước đi của nó là điều không ai có thể đoán trước. Yêu một người rồi lại lấy một người, sinh ra ở nơi này, rốt cuộc lại sống chung thân ở một chốn khác, toàn những chuyện chính mình và chẳng ai có thể ngờ. Mọi sự lựa chọn của chúng ta đều có “bàn tay của số phận”, tôi tin là như thế. Lần trở về đặc biệt này (để hát chứ không phải về thăm quê), Bằng Kiều có gặp tôi. Cậu ấy làm tôi ngạc nhiên khi mời tôi đến ngồi góc quán cà phê ngoài trời, sát cạnh bờ rào sắt “để chú cháu mình hút thuốc lào cho tiện”. Kiều gọi tôi bằng chú và rất chiều chú Thụ, nhất là cả cái khoản thuốc lào này. Trong khói thuốc lào lơ mơ, chú cháu tôi vẫn nghĩ đến những dự định ngày xưa “chú làm cho cháu một đĩa, thật văn minh vào nhé”. Liệu còn có thể không nhỉ, hả Kiều? Nhạc sỹ Dương Thụ |