Bằng Kiều hát đã tai nhưng… chưa đủ!?
(Dân trí) – Liveshow đầu tiên tại Hà Nội sau 10 năm của Bằng Kiều đúng thời điểm mưa bão nhưng khán giả vẫn đến từ rất sớm, ngồi kín 4000 chỗ trong khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. “Ngày trở về” của giọng hát tenor thăng hoa cùng nụ cười, nước mắt…
Sau chặng đường đời 10 năm đầy biến động, thăng trầm; ca sĩ Bằng Kiều trở về biểu diễn tại Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn tại sân khấu lớn đầy trang trọng; dù Kiều không nói hết nhưng cũng đủ cảm nhận cảm giác hồi hộp, xúc động và cả sự lo lắng từ nơi anh.
“Mấy ngày hôm nay, Bằng Kiều rất hồi hộp, dành hết thời gian để tập luyện cùng chương trình. Nhưng người lo lắng, stress hơn cả lại là…mẹ của Bằng Kiều. Mẹ lo chương trình lớn như thế này, lại sốt vé thế này nếu Bằng Kiều hát không ra gì thì…muối mặt”, Bằng Kiều hóm hỉnh chia sẻ.
20 ca khúc anh chọn để biểu diễn solo và song ca cùng với 3 nữ ca sĩ khách mời Hồng Nhung, Minh Tuyết và Mỹ Linh trong đêm nhạc tại Hà Nội được phân mảng khá rõ ràng. Sau Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về; Bằng Kiều gợi nhớ lại những năm cuối thập niên 1990 như Đổi thay, Một ngày mùa đông, Nếu điều đó xảy ra. Và sau này là Lắng nghe mùa xuân về, Trái tim không ngủ yên, Trái tim bên lề…
Những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên lần lượt được Bằng Kiều biểu diễn: Buồn ơi xin chào mi, Bản tình cuối đến những ca khúc nhạc sến, nhạc thị trường như Xin lỗi anh, Thao thức vì em, Để nhớ một thời ta đã yêu, Dẫu có lỗi lầm… và không thể thiếu bản hit mới nhất, Nơi tình yêu bắt đầu.
Xen kẽ giữa những phần xuất hiện của các nữ ca sĩ khách mời, Bằng Kiều còn thể hiện một số sáng tác của mình như Chuyện lạ được viết tặng bà xã Trizzie Phương Trinh, Anh sẽ nhớ mãi (lời Bằng Kiều, nhạc Đức Trí) và sáng tác gần đây nhất, Linh hồn đã mất.
Bằng Kiều giờ vẫn thế, (dẫu bề ngoài trên sân khấu được chăm chút hơn) như nhạc sĩ Dương Thụ - người có ảnh hưởng lớn đến các sáng tác của Bằng Kiều nhận xét: “Bằng Kiều vẫn là “người Hà Nội vỉa hè”. Bao năm rồi Bằng Kiều vẫn với sở thích hút thuốc lào, la cà ngồi quán phố.”
Cách nói chuyện của “chàng Bầu” vẫn đầy hóm hỉnh, thậm chí duyên hơn khi pha trộn cá tính “người Hà Nội vỉa hè” với sự tự nhiên của người nghệ sĩ va vấp ở nhiều phương trời. Trước sự trầm lắng, vốn là cá tính thâm trầm vốn có của người Hà Nội; và cũng có thể là để nghe ngóng, cảm nhận giọng hát tenor ngày trở về hơn và kém xưa như thế nào, Bằng Kiều mở lòng: “Bằng Kiều đi biểu diễn nhiều nơi, khán giả đều thoải mái, thích thì ủng hộ nhiệt tình. Bằng Kiều cảm giác khán giả đến đây nhưng tâm trạng vẫn còn nhiều trăn trở lắm. Bằng Kiều mong quý vị, các anh, các chị hãy bỏ qua mọi muộn phiền, những lo toan, thậm chí cãi cọ, hãy thoải mái để hòa mình và không khí âm nhạc…”. Sau lời “khích” của Bằng Kiều, khán giả vỗ tay và hưởng ứng cuồng nhiệt . Sau những đoạn Kiều lên cao hay “phiêu” dài đều nhận được những tràng pháo tay ròn rã.
Phải thừa nhận rằng, cái tên Bằng Kiều sau 10 năm càng thêm sức hút. Đêm nhạc không chiêu trò, không có màn múa phụ họa, sân khấu cũng không thiết kế cầu kỳ nhưng chất lượng âm nhạc thì không thể phủ nhận.
Sự gặp gỡ giữa Bằng Kiều và người thân trên sân khấu dù cảm động, chân thật nhưng đã để cảm xúc dẫn lối khiến không ít người mong ngóng anh hát tiếp phải sốt ruột. Bằng Kiều chia sẻ, anh bị viêm họng, nên dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến “sức khỏe” của một số ca khúc hát liền mạch trong chương trình.
Và sẽ trọn vẹn hơn nếu đêm nhạc Bằng Kiều sau 10 năm được cấp phép biểu diễn lại tại Việt Nam, có hình ảnh, sự xuất hiện trước khán giả hay những lời nhắc đến nhóm Quả dưa hấu cũng như các thành viên gắn bó một thời như Tuấn Hưng, Tường Văn và Anh Tú!?