TT-Huế:

Ba Lan giúp tập huấn kỹ thuật bảo tồn đá, kim loại, giấy, vải trong di tích Huế

(Dân trí) - Ngày 12/7, tin từ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đại sứ nước Cộng hòa Ba Lan vừa ký bản thỏa thuận tài trợ cho lớp tập huấn kỹ thuật bảo tồn cho chuyên gia các khu di sản ở Việt Nam tại Huế.

Theo đó Ông Phan Thanh Hải, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã cùng Ông Roman Iwaszkiewicz, Đại sứ Nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, đã ký bản thỏa thuận về khoản tài trợ trị giá 16.872 USD dành cho khu di sản Huế, theo khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển của Ba Lan được thực hiện thông qua Bộ Ngoại giao nước CH Ba Lan trong năm 2012.

Khoản tài trợ này sẽ được chuyển giao cho Trung tâm BTDTCĐ Huế để tổ chức lớp Tập huấn Kỹ thuật Bảo tồn cho chuyên gia của các khu di sản ở Việt Nam. Chương trình đào tạo này sẽ do các chuyên gia Ba Lan trực tiếp hướng dẫn trong hơn 3 tuần tại Huế về bảo tồn vật liệu đá và kim loại trong công trình di tích, về bảo quản các hiện vật bảo tàng làm từ giấy và vải.

Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và phía Ba Lan tại buổi ký kết đầu tháng 7/2012
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và phía Ba Lan tại buổi ký kết đầu tháng 7/2012

Đối tượng của chương trình đào tạo này là cán bộ của các khu di sản Việt Nam (Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn, Khu Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ) và một số khu quản lý di tích khác trong khu vực.

Đây là một hoạt động nằm trong chương trình hợp tác về bảo tồn di sản văn hóa tại Huế giữa Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế được tái thiết lập từ năm 2010 (theo khuôn khổ hợp tác này, phía Bộ Ngoại giao Balan đã tài trợ một phần cho dự án dựng nhà bia Thị Học - Quốc Tử Giám Huế trong năm 2010, và cho dự án bảo tồn tu bổ và tập huấn kỹ thuật bảo tồn tại công trình Linh Tinh Môn - Văn Miếu Huế trong năm 2011).

Các chuyên gia Ba Lan đang trùng tu tấm bia đá tại 
Các chuyên gia Ba Lan đang trùng tu tấm bia đá tại nhà bia Thị Học - Quốc Tử Giám Huế

Mục tiêu của chương trình tập huấn này là nhằm đào tạo bồi dưỡng các cán bộ chuyên môn đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn các di sản thế giới; giới thiệu một số ứng dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến, phương thức kết hợp công nghệ mới và công nghệ bảo tồn truyền thống của địa phương; sử dụng thành thạo một số công cụ kỹ thuật chuyên dụng nhằm ứng dụng các kiến thức và công nghệ bảo tồn của Ba Lan và quốc tế vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam; thực hiện thành thạo việc bảo tồn và bảo quản một số hiện vật và di tích làm từ vật liệu vải, giấy, đá và kim loại tại các khu di sản ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, phía Ba Lan tiếp tục quan tâm đến việc kêu gọi khả năng hợp tác, tư vấn kỹ thuật và sử dụng các khoản tín dụng ưu đãi của chính phủ Ba Lan dành cho một số dự án bảo tồn tu bổ di tích có định hướng tái sử dụng thích nghi để phục vụ du lịch văn hóa, nhằm phát huy tối đa giá trị di sản Huế, đóng góp một cách hiệu quả và bền vững cho phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công trình Linh Tinh Môn
Công trình Linh Tinh Môn - Văn Miếu Huế vừa được phía Ba Lan tập huấn kỹ thuật bảo tồn lại nguyên vẹn cho Huế

Đại Dương