“Áo dài hay váy đụp không có lỗi”
(Dân trí) - “Nếu như bạn nói, cái quần bò được du nhập từ Mỹ, bạn không mặc, bộ vest, hay đầm, từ Pháp, bạn cũng không mặc, hai tà áo dài kết hợp với váy, có vẻ giống với Trung Quốc, bạn không mặc, đồ lót, cũng là hàng “ngoại lai”, cũng chẳng mặc,… thì tóm lại, bạn thích mặc gì?”, nhà văn Quỳnh Trang đặt vấn đề xung quanh tranh cãi chuyện cách tân áo dài.
Xoay quanh vấn đề mặc áo dài cách tân, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, phóng viên Dân trí xin đăng tải bài viết của nhà văn Quỳnh Trang, một cây bút sắc sảo trên văn đàn, cũng là người trẻ ưa sáng tạo, khám phá bản thân. Chị cũng là người ưa chuộng mặc áo dài cách tân...
Tôi vốn thích mặc áo dài. Đến Huế, sẽ tranh thủ may năm sáu bộ áo dài tại một tiệm may có tiếng. Mỗi lần may, tôi cũng thường chia sẻ với chủ tiệm về việc làm sao để mặc áo dài thoải mái và hoà hợp với vóc dáng, như cổ yếm, cổ thuyền, dáng suôn, rộng rãi chứ không bó sát cơ thể nhưng vẫn tôn được các đường cong, màu áo, quần kết hợp với nhau sao cho hài hoà. Quan trọng là việc chọn vải. Nhờ thế, áo dài của tôi không chỉ mặc những dịp lễ, hội, tiệc cần sự trang trọng, mà còn có thể mặc được vào ngày thường.
Ở Hà Nội, gần chục năm nay, từ một số tiệm trong phố cổ, áo dài vạt dài qua đầu gối, dáng suôn, may từ vải bông, kết hợp với quần jean bó, đi cùng giày cao gót hoặc giày búp bê được nhiều chị em ưa thích vì tính tiện dụng, có thể mặc đi làm, đi dạo phố, hay đến những bữa tiệc.
Gần đây, từ Sài Gòn, đầu năm 2016, một dạng váy áo mới, “chế” từ hai tà áo dài, phối với váy xoè xếp ly, có thể cao trên đầu gối hoặc dài quá đầu gối, tuỳ sở thích người mặc, đã được các bạn gái trẻ hưởng ứng. Phía trên, vẫn là cách may áo dài truyền thống, ôm bó sát vào cơ thể, cho đến phần eo, thì tà áo dài được “cắt ngắn”, và cái quần thay bằng váy.
Kiểu váy này, hợp với những cô nàng có dáng đẹp cùng cặp chân thon dài, và khi mặc, kết hợp tốt nhất với giày cao gót đồng tông màu. Khi trang điểm, cũng cần nhẹ nhàng, trang nhã, kết hợp với kiểu tóc búi, tết, hay để dài, cặp gọn phần tóc mai và tóc mái, trông sẽ thật xinh.
Tết Đinh Dậu vừa qua, khi xuống phố, đặc biệt là tại Sài Gòn, có thể thấy kiểu áo váy như vậy tràn ngập khắp mọi nơi. Trên thực tế, từ nhà thiết kế, cũng không gọi đó là áo dài cách tân, mà đơn giản là một kiểu váy lấy cảm hứng từ áo dài. Nhìn những em bé gái năm sáu tuổi, mặc áo dài kèm váy chấm mắt cá chân, đi giày búp bê, kết hợp cùng cái mấn đội đầu đồng tông, bạn sẽ không thể dừng mắt ngắm. Ngoài ra, thêm kiểu áo hai tà dài, hai lớp, vạt trong dài hơn vạt ngoài, dài xuống nửa bắp chân, mặc kết hợp với quần may dáng suôn, nhiều bạn gái tuổi mười bốn, mười lăm mặc đi chơi phố cùng gia đình, trông rất đáng yêu.
Ở Sài Gòn, từ nam tới nữ, từ người già tới em bé, đều yêu thích việc mặc áo dài. Tuy nhiên, vì lý do thời tiết, khí hậu, cũng như sự năng động, làm sao để hình ảnh chiếc áo dài truyền thống, được mặc rộng rãi và thoải mái, là việc mà các nhà thiết kế luôn để ý và hướng tới.
Trong trang phục, sự tự do, không gò bó, tiện dụng, luôn được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Bất cứ trang phục nào, được số đông người chọn mặc, thì tất yếu đó là trang phục cộng đồng, đi được vào đời sống xã hội.
Nếu như bạn nói, cái quần bò được du nhập từ Mỹ, bạn không mặc, bộ vest, hay đầm, từ Pháp, bạn cũng không mặc, hai tà áo dài kết hợp với váy, có vẻ giống với Trung Quốc, bạn không mặc, đồ lót, cũng là hàng “ngoại lai”, cũng chẳng mặc,… thì tóm lại, bạn thích mặc gì?
Bất cứ trang phục nào, trong đó, có kiểu áo dài kết hợp váy, cũng cần phù hợp với chính mỗi người mặc. Mặc khi hiểu rõ cơ thể, những ưu khuyết về dáng vóc chính mình, thì trang phục nào, dù cách tân ra sao, cũng sẽ “ưa” mắt người ngắm.
Trang phục, bản thân nó được tạo sinh, vốn không có lỗi, vì chúng sinh ra, tồn tại được là bởi phù hợp với nhu cầu con người, lỗi là do người sử dụng không biết cách cùng tư duy thẩm mỹ kém, ưa chơi nổi trội, hở hang phản cảm, hoặc mặc không đúng chỗ, đúng lúc… và lỗi ở những suy nghĩ thủ cựu ưa phê phán người khác mà ra.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang