Áo dài cách tân đang bị phá nát, biến dạng?
(Dân trí) - Chưa khi nào áo dài cách tân lại “hot” và được lăng- xê mạnh mẽ như mùa Tết năm nay. Bên cạnh xu hướng ưa chuộng trang phục mới mẻ thì cũng có ý kiến trái chiều lên án gay gắt “mốt” ào dài, váy đụp đang “làm mưa làm gió” là sự biến tấu dị dạng...
Mấy năm trở lại đây, xu hướng mặc áo dài vào những dịp đặc biệt, lễ tết quan trọng ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, chị em biến tấu áo dài mặc với quần bó, quần jean… thì năm nay sự cách tân “bạo hơn” khi mặc áo dài với… váy đụp!
“Sức sáng tạo” quá mức này đã vấp phải luồng ý kiến trái chiều. Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ phải kêu lên: "Năm trước là áo dài mặc với quần ống bó, thôi thì cũng tạm chấp nhận dù nhìn hơi không giống ai cho lắm, giống như sữa pha với nước mắm để uống buổi sáng. Năm nay các chị em chân cò cẳng nhện bơi trong cái váy đụp, bên trên là thân áo dài, ôi thôi, mắm tôm pha với ca cao". Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, trang phục mang tính giải trí này không thể gọi là áo dài dân tộc.
Để có cái nhìn sát thực và đa chiều hơn xoay quanh vấn đề áo dài cách tân đang gây tranh cãi này, phóng viên Dân trí đã xin trích lại ý kiến của các NTK chuyên về áo dài như NTK Anh Thư và NTK Đức Hùng.
Mốt áo dài, váy đụp “lai căng” từ áo sẩm, sườn xám của Trung Quốc?
“Nếu gọi bộ trang phục một số bạn trẻ đang mặc như thân áo dài với váy là trang phục dân tộc là không đúng. Nói đúng hơn đó là những bộ trang phục biến tấu từ áo sẩm, sườn xám của Trung Quốc. Từ cách đây nhiều năm, tôi sang Trung Quốc và nhìn thấy những bộ trang phục như thế này bày bán ở chợ và người ta mặc rất nhiều. Có thể người Việt mình sang Trung Quốc thấy hay hay mang về rồi may nhái theo như thế. Hoặc người ta nhập hàng về bán nguyên bộ, giá cũng mềm, nhìn lạ lạ nên nhiều người mua. Những bộ trang phục thế này, ở một số chợ lớn Sài Gòn bày bán rất nhiều, có thể hàng Trung Quốc cũng có thể là hàng nhái”, NTK Anh Thư bày tỏ.
Ở một góc nhìn khác, NTK Anh Thư cho rằng, một số bạn trẻ thích mặc áo dài cách tân, tay ngắn, vạt ngắn cho năng động, phóng khoáng phù hợp vui chơi đi lại thì mặc cũng không sao. Nhưng theo chị, nếu mặc áo dài cách tân với quần ống bó vẫn dễ chấp nhận hơn là mặc với… váy. Nếu tà áo dài cách tân thì ngắn nhất cũng phải gần tới đầu gối, nếu ngắn quá thì không thể gọi là áo dài. Và mặc những trang phục biến tấu như thế này, không phải ai cũng mặc được. Người sử dụng nên có con mắt thẩm mỹ, chọn mặc phối màu sắc, trang điểm, giày dép sao cho hài hòa.
“Các bạn trẻ có quyền lựa chọn trang phục mà họ thích, họ có thể mặc áo dài cách tân với váy, miễn là đừng gọi đó là trang phục dân tộc hay áo dài dân tộc và đừng mặc sexy, phản cảm. Nếu vào đền chùa, các bạn trẻ có mặc trang phục áo dài cách tân thì cũng nên chọn màu sắc nền nã, vừa phải, váy áo dài qua đầu gối, nên đi tất. Nói chung có sáng tạo gì chăng nữa mà phản cảm, gây gai mắt thì khó mà chấp nhận.”
“Đừng phá nát tà áo dài Việt Nam ra nữa”
Về vấn đề này, NTK Đức Hùng lại đưa ra ý kiến khá thẳng thắn: “Tôi khẳng định luôn, đó không phải áo dài Việt Nam. Nếu chúng ta cổ xúy, ủng hộ kiểu áo dài cách tân phối với váy đụp này thì hình ảnh tà áo dài truyền thống của Việt Nam sẽ bị mai một đi. Nếu cho rằng bộ trang phục đó là áo dài dân tộc là sai lầm của người sử dụng. Tôi cũng mong những người đang sử dụng trang phục này đừng nghĩ đó là áo dài truyền thóng mà hãy coi đó là bộ cánh thời trang mang tính giải trí.”
Là người từng thiết kế nhiều trang phục áo dài dân tộc cho nhiều người đẹp dự thi sắc đẹp quốc tế, NTK Đức Hùng bày tỏ rằng, rất nhiều NTK, nhà làm văn hóa đang cố gắng gìn giữ tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Và sự nỗ lực của họ cần được sự ủng hộ, đồng tâm từ người dân.
“Khi mặc áo dài truyền thống, người phụ nữ cần ý tứ, ai cũng trở lên e lệ, dịu dàng hơn. Và đó chính là nét đẹp kín đáo, duyên dáng của người phụ nữ Á Đông. Cũng giống như bộ Kimono của Nhật Bản, người mặc đi đứng khép nép, ý tứ đại diện cho văn hóa Nhật Bản. Đi kèm với bộ Kimono là đôi tất trắng, guốc gỗ rất khó mặc khó đi mà họ vẫn mặc và vẫn tự hào khi mặc trang phục truyền thống của họ. Nếu các bạn trẻ nghĩ rằng mặc áo dài rồi đi đứng xông xênh, kết hợp váy đụp, giày bệt nhìn khó mà chấp nhận được”, NTK Đức Hùng nói.
Theo NTK Đức Hùng, sự cách tân nào cũng chỉ có giới hạn. Nếu cứ biến tấu một cách thiếu hiểu biết rồi coi đó là trang phục truyền thống rồi dần dần các thế hệ sau cũng nhìn nhận lệch lạc đi về trang phục dân tộc.
“Có thể ý kiến của tôi sẽ khiến một số người khó chịu, nhưng tôi chấp nhận. Tôi phải nói rằng, nếu coi áo cách tân, váy đụp là áo dài Việt Nam thì đó là loại áo dài dị dạng. Đừng phá nát tà áo dài Việt Nam ra nữa.”
Nguyễn Hằng