“Ai phong Giáo sư âm nhạc cho Ngọc Sơn cần dập đầu xin lỗi cuộc đời này”
(Dân trí) - “Theo tôi, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phong tặng “Giáo sư âm nhạc” cho Ngọc Sơn cần phải dập đầu xin lỗi cuộc đời này. Dập đầu và nói lời xin lỗi những vị Giáo sư có tư duy tử tế”, nhà văn Chu Lai bức xúc nói.
Ông nhìn nhận như thế nào về việc một đơn vị của Bộ Công thương “phong tặng” Giáo sư âm nhạc cho ca sĩ Ngọc Sơn vừa qua?
Tôi nghĩ đây là một việc phong tặng hết sức tuỳ tiện, nói nhẹ là hồn nhiên. Ngay cả người phong cái đó, ghi cái đó vào bằng khen, họ cũng chưa hiểu khái niệm gốc thế nào là Giáo sư. Nói nặng hơn là chúng ta đang lạm phát thuật ngữ danh hiệu ghê quá. Tình trạng này phổ biến sẽ dẫn đến chuyện “chợ trời danh hiệu”.
Bản thân người được nhận danh hiệu đó là Ngọc Sơn chỉ là một ca sĩ Bolero, nếu anh ta thực sự nghiêm túc sẽ sững người mà đặt câu hỏi rằng: “Mình giảng dạy bao giờ, nghiên cứu công trình nào… mà lại được “phong tặng” Giáo sư âm nhạc?”. Ít ra anh ta nên có một sự mặc cảm về chuyện này.
Nhưng đằng này, theo như tôi biết, cho đến tận giờ này, anh ta vẫn rất hoan hỷ. Có hai sự hoan hỷ, người viết cái bằng “phong tặng” đó không hiểu gì và người nhận không hiểu gì. Đây là hai sự hoan hỷ rất tối tăm. Hai sự hoan tối tăm này thúc vào những giá trị văn hoá của mình một cú hài hước. Thậm chí, nó còn gây ra sự cáu kỉnh và phẫn nộ.
Tôi đề nghị, các hội dân gian, hội nghề nghiệp, hội nọ, hội kia… trước khi hạ bút phong tặng cho ai cái gì nên tế nhị và cẩn trọng. Việc tuỳ tiện này khiến cho việc phong tặng rơi vào một vùng nhạy cảm ghê gớm lắm.
Tôi cho rằng, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú… là những giọt dung dịch nếu tinh khiết sẽ khích lệ tư duy và ý chí sáng tạo. Còn nếu là những giọt đục sẽ làm cho những tư duy đó bị nhiễm độc.
Cuối cùng chỉ nhân dân là bị thiệt, các nghệ sĩ vĩ đại, các nhà văn vĩ đại, các nhà bolero vĩ đại… tự nhiên trở thành hài hước trong “cõi mông lung thuật ngữ” này.
Từ những gì vừa nêu, ông nhìn nhận gì về chuyện loạn trao danh hiệu trong xã hội hiện nay?
Nghệ sĩ Nhân dân là một khái niệm nhưng có một khái niệm sâu hơn, thẳm thẳm hơn đó là “Nghệ sĩ của nhân dân”. Có những nhà văn không được giải gì nhưng đó là nhà văn của dân tộc vì họ không có cơ may được đưa vào các giải thưởng. Đó mới là vĩnh cửu, mới là trường tồn.
Nhưng một ca sĩ hát nhạc Bolero, tai tiếng kha khá, chưa bước lên bục giảng giảng dạy lần nào, chưa có một công trình sáng lạng nào… bỗng nhiên được “phong tặng” sáng láng giữa trời là “Giáo sư âm nhạc” thì đó là một sự hài hước, không thể chấp nhận được.
Và như thế, các Giáo sư khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ cảm thấy chạnh lòng. Họ sẽ cảm thấy, hoá ra cả cuộc đời mình nỗ lực và kham khổ để tiến tới đỉnh cao về trí tuệ, trở thành hài hước, trở thành trò cười, trở thành “chợ trời” hết. Theo tôi, trong chuyện này, cả hai bên đều phải rút kinh nghiệm, kể cả người được nhận lẫn người viết danh hiệu đó.
Tôi thấy việc phong tặng danh hiệu đối với một số hội hiện nay không còn ổn một chút nào. Đã đến lúc chúng ta cần căn chỉnh tất cả. Đã đến lúc chúng ta nhìn mọi việc chín chắn, thấu cảm hơn để người được nhận và người phong cảm thấy thoả đáng. Và bầu trời này sáng trưng giữa ánh sáng trời, chứ như hiện nay là đang rơi vào vũng tối.
Tôi lấy ví dụ, một người sau một đêm ngủ ở vùng rừng núi nào đó, tỉnh dậy nói được thần Phật khích lệ viết ra một loạt các bài thơ, chả biết có hay hay không nhưng sau đó liền được gọi là Giáo sư thì tuỳ tiện và hồn nhiên quá. Sự tuỳ tiện và hồn nhiên này làm cho người ta thất vọng. Thất vọng này sẽ ngăn chặn lại cảm hứng sáng tạo, ngăn chặn năng lực tư duy của con người.
Câu chuyện “chạy” và “mua” danh hiệu hiện nay khiến cho nhiều người mất lòng tin vào các đơn vị hoặc tổ chức hội nghề nghiệp. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Nhiều người bảo trong câu chuyện liên quan đến Ngọc Sơn, đơn vị “phong tặng” danh hiệu cho Ngọc Sơn bị hớ nhưng tôi nghĩ là không hớ. Hình như hội này cũng đã từng tạo ra một số scandal trong quá khứ.
Thực tế hiện nay có những hội mà chỉ cần có một chút vật chất bơm vào, thậm chí mua các danh hiệu bằng vật chất… là có thật. Chẳng nhẽ ở cuộc đời này, chỉ một số tiền nhỏ nhoi là đã có thể mua được cả một khát vọng đời người về trí tuệ à?.
Tôi cho rằng, cả đơn vị chủ quản của hội này lẫn hội này cần phải xét xem việc xét phong tuỳ tiện này có nên tồn tại hay không. Tôi có cảm giác các danh hiệu cao quý đang bị biến thành một mặt hàng để họ kinh doanh trên thị trường thương hiệu. Đó là một sự xúc phạm cuộc đời, các giáo sư chân chính và cả những người có lương tri ở cuộc đời này.
Theo ông, có nên có chế tài để quản lý và xử lý thật nghiêm khắc đối với những sự việc tương tự?
Khái niệm “chạy” và “mua” danh hiệu, kể cả mua quan bán chức đang trở thành một sự nhức nhối trào nước mắt trong cuộc sống hôm nay. Nhưng mà thôi, bàn cái đó thì bàn cả một đời người. Cả một hệ thống chính trị phải vào cuộc, lịch sử phải lên tiếng… Theo tôi, ai “phong tặng” cho “Giáo sư âm nhạc” cho Ngọc Sơn cần phải dập đầu xin lỗi cuộc đời này. Dập đầu và nói lời xin lỗi những vị Giáo sư có tư duy tử tế.
Nếu không, chỉ vì anh có hầu bao rất rộng, anh đẻ ra một tổ chức không đâu vào đâu cả, cứ kêu gọi người nào muốn có danh hiệu “vào đây”, “nộp vào”… thì nó sẽ biến xã hội này trở thành bộ tộc mông muội. Và chúng ta sẽ trở về thời nguyên thuỷ, sơ khai, không còn gì là con người nữa cả.
Cá nhân tôi cực lực phản đối chuyện này. Cũng như, có ai gọi tôi là “Đại văn hào Chu Lai” tôi sẽ tát cho người đó một cái. Những cái gì mình không có không bao giờ được nhận, những cái gì mình không được phép phong thì không bao giờ được hạ bút phong. Đồng tiền vĩ đại đến cỡ nào mà có thể réo gào, làm thay đổi nền tảng tư duy, giá trị đạo đức… đến nỗi ấy?.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long