Ung thư đại tràng có thể chữa khỏi?
(Dân trí) - Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,36 triệu ca ung thư đại trực tràng và 700.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có 14000 ca mắc ung thư đại trực tràng. Tỷ lệ mắc cao, tử vong cao, tuy nhiên theo các chuyên gia nhận định ung thư đại trực tràng có khả năng chữa khỏi cao nếu như được phát hiện sớm.
Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư đứng thứ 4/10 bệnh ung thư thường gặp ở nam giới và thứ 2/10 ở nữ giới.
Đa số các trường hợp ung thư đại trực tràng hình thành từ các polyp tuyến. Không phải tất cả các polyp đều có khả năng trở thành ung thư, mà chỉ một số nhỏ. Nếu như phát hiện polyp và cắt bỏ, có thể ngăn ung thư phát triển. Hoặc thậm chí, phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu và phẫu thuật, tỷ lệ điều trị thành công đạt hơn 90%. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, cơ hội sống chỉ có dưới 10%. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm là điều vô cùng quan trọng.
Triệu chứng cảnh báo ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh là xuất hiện lượng máu nhỏ trong phân. Đôi khi máu quá ít không thể quan sát bằng mắt thường mà cần làm xét nghiệm tìm máu trong phân (FOBT). Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể gây ra bởi các điều kiện khác như bệnh trĩ, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, vv…
Khi khối u đã phát triển lớn hơn, các triệu chứng khác có thể xuất hiện như:
- Thay đổi thói quen đại tiện, chẳng hạn táo bón, tiêu chảy hay xen kẽ
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân gây mệt mỏi và chậm chạp.
- Đau bụng hoặc đầy hơi
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
Tuy nhiên, theo các bác sĩ ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, triệu chứng ung thư đại trực tràng rất ít xuất hiện ở giai đoạn đầu. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào triệu chứng để phát hiện, có thể chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội phát hiện sớm và điều trị tốt nhất.
Sàng lọc ung thư đại trực tràng mới là cách tốt nhất để phát hiện sớm
Sàng lọc ung thư đại trực tràng được khuyến khích thực hiện, đặc biệt là những người trên 40 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ nhất định. Các bác sĩ nhận định, đây mới chính là cách tốt nhất để phòng và phát hiện sớm.
Các phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng:
Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT): do các mạch máu của polyp hoặc khối u đại trực tràng thường dễ bị tổn thương khi phân đi qua, do đó nó thường gây chảy máu, máu dính vào phân. Tuy nhiên, nếu số lượng máu ít thì chưa nhìn thấy bằng mắt thường, do đó cần làm xét nghiệm tìm máu trong phân. Máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Vì vậy, nếu xét nghiệm dương tính cần nội soi đại trực tràng ống mềm để kiểm tra.
Nội soi đại tràng: đánh giá toàn bộ khung đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện polyp, các bác sĩ có thể cắt bỏ, đồng thời sinh thiết một số mẫu mô để tìm kiếm xem có tế bào ung thư hay không. Ngoài phát hiện ung thư, nội soi đại tràng còn có thể phát hiện các bệnh lý khác ở đại tràng và trực tràng.
Khuyến cáo những đối tượng cần sàng lọc ung thư đại trực tràng:
- Trên 50 tuổi
- Có tiền sử bị ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp.
- Có tiền sử viêm ruột: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
- Có tiền sử gia đình bị các hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền: hội chứng đa polyp gia đình hoặc hội chứng Lynch.
Nguồn: Bệnh viện Thu Cúc