Nguyên tắc vàng phòng ngừa ung thư vú

(Dân trí) - Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 11.000 ca mắc mới và hơn 4.500 trường hợp tử vong vì ung thư vú, chiếm 25% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Bệnh đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Để phòng ngừa ung thư vú một cách hiệu quả, có 7 nguyên tắc vàng mà chị em cần lưu ý.

Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới. Mặc dù chưa có cách phòng ngừa bệnh tuyệt đối nhưng nguy cơ phát triển ung thư vú được cho là có thể giảm bớt nhờ thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống và sinh hoạt.

1. Ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng (nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo bão hòa, ít rượu) được khuyến khích cho tất cả phụ nữ, vì nó có thể giúp ngăn ngừa nhiều dạng ung thư trong đó có ung thư vú.

Cụ thể, phân tích của các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan ở Boston, Mỹ chỉ ra rằng, phụ nữ ăn từ trên 5,5 khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày giảm 11% nguy cơ phát triển ung thư vú so với những phụ nữ ăn dưới 2,5 khẩu phần. Một khẩu phần ăn được định nghĩa là một cốc rau có lá sống, một nửa cốc rau nấu chín, hoặc nửa cốc trái cây xắt nhỏ.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

Chị em cũng nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn. Nên thay thế việc ăn thịt đỏ hàng ngày bằng các loại protein nạc như thịt gà, cá, hoặc quả hạch để làm giảm nguy cơ ung thư vú.

Rượu trắng cũng là đồ uống cần thêm vào danh sách hạn chế. Rượu giúp chuyển hóa ethanol để tạo ra acetaldehyde – chất gây ung thư ở người.

2. Tránh xa thuốc lá

Bác sĩ Lucy – Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết: ”Thuốc lá có chứa 7.000 hóa chất trong đó, ít nhất 250 được biết đến là có hại, bao gồm hydro xyanua, carbon monoxide, amoniac… Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc đều làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư vú. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là tránh xa khói thuốc lá.”

3. Tập thể dục mỗi ngày

Cũng theo bác sĩ Lucy, để cơ thể khỏe mạnh, duy trì mức cân nặng hợp lý, bảo vệ bản thân khỏi ung thư vú cũng như các bệnh lý khác, chị em nên dành ra 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải hàng tuần và tập ít nhất 5 ngày một tuần.

4. Sinh con đầu lòng trước 35 tuổi và cho con bú

Những phụ nữ sinh con đầu lòng trước 35 tuổi và nuôi con bằng sữa mẹ liên tục trong 6 tháng đầu tiên có thể giảm 10% nguy cơ tử vong do ung thư vú.

Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm  nguy cơ tử vong do ung thư vú
Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú

5. Tìm hiểu tiền sử bệnh gia đình

Ung thư vú có liên quan đến nhiều đột biến gen, trong đó phổ biến nhất là đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Những người mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 không chắc chắn sẽ mắc ung thư vú nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Các đột biến gen này có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu trong gia đình có mẹ, cô, dì… bị ung thư vú sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên còn lại. Do vậy, chị em cần lưu ý tìm hiểu kỹ về tiền sử bệnh của gia đình và trao đổi với bác sĩ để thực hiện tầm soát ung thư vú sớm hơn.

6. Không tự ý sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh

Phụ nữ dùng thuốc điều trị nội tiết tố kết hợp estrogen và progesterone để điều trị các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 24%. Vì vậy mà bác sĩ Lucy cũng khuyến cáo, chị em không được tự ý sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

7. Tự khám vú tại nhà và tầm soát ung thư vú định kỳ

Càng phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú càng cao. Do vậy, việc theo dõi cơ thể, chủ động phát hiện các bất thường về sức khỏe là vô cùng quan trọng. Từ tuổi 20, phụ nữ nên tự kiểm tra vú mỗi tháng 1 lần tại nhà, ngay sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt.

Khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi ngờ là ung thư vú, chị em cần thăm khám ngay
Khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi ngờ là ung thư vú, chị em cần thăm khám ngay

Khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi ngờ là ung thư vú như: núm vú chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, một cục cứng không đau ở vú, vùng da vú liên tục ngứa và phát ban, da vú sần vỏ cam… cần phải tìm đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám ngay. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng này, thường ung thư vú đã ở giai đoạn tiến triển – việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn. Ở những giai đoạn sớm, ung thư vú thường chưa có những dấu hiệu rõ ràng như trên. Do vậy, tầm soát ung thư vú là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư vú từ khi chưa có triệu chứng. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn có thể cần sàng lọc sớm hơn và thường xuyên hơn.

Ung thư vú có thể phát hiện sớm dễ dàng và hiệu quả cao thông qua các phương pháp như: khám vú lâm sàng, siêu âm tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú, xét nghiệm máu CA 15-3… Tầm soát ung thư vú không chỉ khuyến cáo cho những người có gen đột biến, có người thân bị ung thư vú, mà khuyến cáo cho tất cả phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, hoặc ở bất kỳ độ tuổi nào đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú.

Ung thư vú chiếm 25% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới tại Việt Nam. Để phát hiện sớm bệnh và nâng cao cơ hội điều trị, chị em cần thường xuyên kiểm tra ngực tại nhà và khám tầm soát ung thư vú định kỳ. Xem thêm về gói tầm soát ung thư vú của Bệnh viện Thu Cúc tại đây, hoặc liên hệ tổng đài 1900 55 88 96 để được tư vấn.

Dòng sự kiện: Dự phòng ung thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm