Việt Nam có 1,3 triệu trẻ em bị khuyết tật

(Dân trí) - Chiều 10/11, tại Đà Nẵng, VietHealth phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ của dự án “Nâng cao năng lực và tính bền vững trong phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em tại Đà Nẵng”.

Theo đó, dự án được thực hiện 2 năm (11/2014 -11/2016) do Cơ quan viện trợ Ai Len – Irish Aid tài trợ. Dự án nhằm nâng cao năng lực cho mạng lưới cán bộ y tế, giáo viên mầm non và cán bộ xã hội hiện thời tại Đà Nẵng về phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em, những khuyết tật bẩm sinh thông qua các hoạt động đào tạo tập huấn tập trung vào cả lý thuyết và thực hành.

Cụ thể, hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia và đội ngũ của VietHealth, những cán bộ này sẽ thực hiện can thiệp sớm cho 300 trẻ tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Dự án cũng sẽ giúp Đà Nẵng phát triển được đội ngũ kỹ thuật về phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật bẩm sinh để từ đó đội ngũ này có thể đào tạo cho các cán bộ cấp cơ sở thực hiện mô hình dự án tại các khu vực khác của Đà Nẵng…

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa VietHealth phối hợp với UBND TP Đà Nẵng

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa VietHealth phối hợp với UBND TP Đà Nẵng

 Theo báo cáo của UNICEF năm 2013: trẻ khuyết tật là nhóm ít có khả năng được chăm sóc y tế hoặc được đi học nhất. Trẻ em khuyết tật nằm trong nhóm những trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực, xâm hại, bóc lột và xao nhãng. Giới là một yếu tố quan trọng vì trẻ em gái khuyết tật thường ít được nhận thức ăn và sự chăm sóc hơn trẻ em trai khuyết tật.

Tại Việt Nam, số lượng người khuyết tật trên 5 tuổi năm 2009 là 6.074.543 người (bằng 7,8% dân số). Theo thống kê của UNICEF Việt Nam năm 2008, Việt Nam có 1,1 triệu trẻ em khuyết tật (từ 0 – 6 tuổi). Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số trẻ em khuyết tật năm 2010 là 1,3 triệu. Tuy nhiên, do hiện tại Việt Nam không có hệ thống phát hiện sớm khuyết tật nên số liệu về khuyết tật của nhóm trẻ này không được thống kê và theo dõi riêng.

Bên cạnh đó,  Việt Nam cũng chưa thiết lập được hệ thống phát hiện sớm cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi. Số liệu về khuyết tật trẻ em dưới 6 tuổi hiện có chủ yếu dựa vào báo cáo của cán bộ y tế cấp xã, huyện. Chưa có một tỉnh/thành phố nào triển khai công tác sàng lọc khuyết tật cho trẻ em hàng năm vì số liệu về trẻ khuyết tật không được cập nhật và quản lý theo hệ thống. Một vấn đề khác là sự thiếu phối hợp và tham gia đánh giá, phân loại khuyết tật của giáo viên, chuyên gia tâm lý và nhân viên xã hội. Vì thế, số lượng trẻ khuyết tật được báo cáo tại thời điểm này còn thiếu sót nhiều.

Khánh Hồng