Vì sao nên kiểm soát đường huyết bằng HbA1c trước Tết?

Để trọn vẹn niềm vui với ba ngày Tết, bảy ngày xuân, bệnh nhân Đái Tháo Đường nên thực hiện xét nghiệm HbA1C trước Tết. Điều này sẽ giúp người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp trong dịp xuân sắp tới.

Khái quát xét nghiệm HbA1c

Khái quát xét nghiệm HbA1c

Bên cạnh chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ việc giữ mức đường huyết ổn định nhằm ngăn ngừa biến chứng của bệnh đóng vai trò rất quan trọng để điều trị Đái tháo đường (ĐTĐ). Một trong những chỉ số giúp bác sĩ kiểm tra mức độ ổn định đường huyết là HbA1c, tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân không hiểu đúng tầm quan trọng của chỉ số này nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị.

Xét nghiệm HbA1c còn gọi là huyết sắc tố đường hóa, cho biết mức độ huyết sắc tố trong hồng cầu kết hợp với đường glucose trong máu. Kết quả HbA1c cho biết nồng độ đường huyết trung bình trong vòng 90-120 ngày trước khi đo, đường huyết càng cao, HbA1c càng cao. HbA1c ở mức kiểm soát tốt là dưới 6,5%-7%. Khi HbA1c tăng trên mức bình thường 1%, có thể tương ứng với giá trị đường huyết tăng lên khoảng 30mg/dl hay 1.7 Mmol/L. Xét nghiệm HbA1c sẽ cho thấy bức tranh lớn hơn về tỷ lệ phần trăm của mức  đường huyết trung bình của bệnh nhân và được dùng để hướng dẫn điều trị.  

Ưu điểm của xét nghiệm HbA1c

So với đo nồng độ Glucose (một phương pháp khác để kiểm tra đường huyết, bao gồm kiểm tra glucose lúc đói, Glucose huyết tương, Glucose huyết tương bất kỳ); khi đo HbA1c, bệnh nhân không cần nhịn đói và có thể làm xét nghiệm bất cứ lúc nào trong ngày mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cấp thời như stress hay gắng sức. Độ biến thiên sinh học trong xét nghiệm này rất nhỏ, mẫu thử ổn định và phản ánh được nồng độ đường huyết dài hạn.

Ngoài ra, xét nghiệm HbA1c sẽ cho thấy bức tranh lớn hơn về tỷ lệ % trung bình đường huyết của bệnh nhân trong 2-3 tháng qua và được dùng để hướng dẫn điều trị. Nên nếu kiểm soát tốt mức đường huyết ngay từ lúc chẩn đoán, có thể ngăn chặn hầu hết các biến chứng của ĐTĐ.

Ai nên làm xét nghiệm HbA1c?

 “Xét nghiệm HbA1c được khuyến nghị áp dụng cho cả bệnh nhân ĐTĐ type 1 và type 2 tối thiểu hai lần trong một năm. Khi đường huyết đói hoặc đường huyết trong ngày không ổn định, nên cho bệnh nhân xét nghiệm HbA1c thường xuyên hơn 3-4  tháng/1 lần”. PGS. TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội Tiết & Đái Tháo Đường Việt Nam cho biết. Làm xét nghiệm ngay trong thời điểm này không có nghĩa sẽ giúp bệnh nhân thoải mái ăn uống sinh hoạt trong dịp Tết sắp đến; nhưng xét nghiệm HbA1c sẽ giúp bệnh nhân có thêm căn cứ để điều chỉnh và định hướng sinh hoạt, chế độ ăn uống phù hợp mà không gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị lâu dài.

HbA1c có thể phản ảnh quá trình kiểm soát đường huyết dài hạn (tức là 3 tháng trước đó), chỉ số này cũng là căn cứ bác sĩ đưa ra hướng điều trị, kiêng khem phù hợp cho bệnh nhân. Chính vì vậy để bạn không quá lo lắng việc kiểm soát đường huyết, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt dịp Tết và quá trình điều trị sau đó, bác sĩ đã khuyên bạn nên làm lại xét nghiệm này.                                                                                                                       

Nhằm cung cấp thông tin và cập nhật chỉ số HbA1c mới nhất cho bệnh nhân ĐTĐ, hơn 2.500 ca “Xét nghiệm HbA1c và Khám tư vấn miễn phí cho bệnh nhân ĐTĐ” được triển khai trên trên toàn quốc. Tại phía Nam, chương trình do Hội ĐTĐ và Nội tiết TP.HCM, Hội Y học TP. HCM phối hợp cùng Khoa Nội tiết các bệnh viện phía Nam tổ chức. Tại phía Bắc, chương trình do Khoa Nội tiết các bệnh viện phía  Bắc và Nghệ An thực hiện.
 
Chương trình diễn ra từ ngày 22/12/2012  đến hết ngày 13/01/2013 với sự tài trợ của Công ty Sanofi. Các hoạt động bao gồm: xét nghiệm HbA1c, đo đường huyết đói, tư vấn về cách theo dõi và điều trị bệnh từ các bác sỹ chuyên khoa nội tiết giàu kinh nghiệm.
 
Nhật Phi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm