Vắc xin HPV phòng ngừa hiệu quả ung thư cổ tử cung

Trước tình hình nhiều thông tin sai lệch liên quan đến tính an toàn và hiệu quả của vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung (UTCTC) khiến dư luận hoang mang, các chuyên gia y tế đã lên tiếng cho vấn đề này.

HPV (Human Papilloma Virus) - nguyên nhân chủ yếu gây UTCTC, là loại vi rút gây u nhú ở người, lây nhiễm qua đường tiếp xúc, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con (khi sinh đẻ) và có thể tồn tại trong cơ thể hàng chục năm trước khi phát bệnh. Hiện có hơn 100 tuýp HPV, trong đó, các tuýp 16, 18, 31, 33, 45 sinh ung (nguy cơ cao gây ung thư).

Các chuyên gia đã khuyến cáo hiện chưa có thuốc đặc trị các bệnh do vi rút HPV gây ra, do đó, biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV.
Các chuyên gia đã khuyến cáo hiện chưa có thuốc đặc trị các bệnh do vi rút HPV gây ra, do đó, biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV.

Đánh gia về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin, GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam khẳng định: “Vắc xin HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền UTCTC và UTCTC gây ra bởi hai chủng HPV 16,18 cũng như mụn cóc sinh dục, các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cơ quan sinh dục khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn… Vắc xin HPV đã được chứng minh có độ an toàn và hiệu quả cao qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cũng như thực tế sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong hơn 15 năm qua”.

Vắc-xin HPV được phê duyệt sử dụng ở người vào tháng 6 năm 2006 tại Hoa Kỳ. Tháng 4/2009, WHO đã chính thức đề nghị đưa vắc xin HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMRQG). Tính đến nay, hơn 270 triệu liều đã được sử dụng ở hơn 140 quốc gia trên toàn cầu. Vắc xin này đã được chứng minh là có độ an toàn và hiệu quả cao qua các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến hơn 25.000 phụ nữ và nam giới và tiếp tục được đánh giá trong các nghiên cứu giám sát tiêm vắc xin sau khi được cấp phép ở hàng chục triệu người. Ủy Ban cố vấn toàn cầu về an toàn vắc xin đã 6 lần tiến hành điều tra và phân tích kỹ lưỡng một cách có hệ thống về các lo lắng được nêu gần đây về tính an toàn của vắc xin HPV. Kết quả là cho đến nay, không tìm thấy mối liên quan nào giữa các vấn đề sức khỏe này với việc sử dụng vắc xin HPV và Ủy ban đã tiếp tục khẳng định tính an toàn và khuyến cáo sử dụng vắc xin rộng rãi.

Tại Việt Nam, từ khi được cấp phép vào năm 2008 đến nay, đã có hơn 1,4 triệu liều vắc xin HPV được nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam và cũng không ghi nhận các phản ứng nào nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin.

GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển cũng nhấn mạnh thêm: “Bất kỳ loại vắc xin nào dù tốt đến đâu cũng sẽ có một số tác dụng phụ ngoài ý muốn bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một “chất lạ” vào trong cơ thể. Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi sau 24 giờ. Tuy nhiên, một số ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật… thậm chí sốc phản vệ và tử vong. Trên thực tế, có trường hợp nhiều người tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng một lọ vắc xin nhưng có thể chỉ có một số rất ít người có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi hầu hết các đối tượng khác hoàn toàn bình thường. Đó là phản ứng do cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải là do chất lượng vắc xin”.

Một điều lưu ý là thuốc chủng ngừa không phòng ngừa được tất cả các tuýp HPV, trong khi hai tuýp 16, 18 chỉ là nguyên nhân gây nên 70% ca UTCTC. Điều này đồng nghĩa với việc dù đã tiêm vắc xin ngừa được 2 tuýp 16, 18, phụ nữ vẫn phải tầm soát ung thư định kỳ bằng xét nghiệm phát hiện (Papmears).

Vắc xin nói chung và vắc xin HPV nói riêng là “vũ khí” hiệu quả giúp con người chống lại bệnh tật. Do đó, mỗi người nên là một người tiêu dùng thông thái, chọn lọc và tìm hiểu thông tin từ những nguồn báo đài chính thống trước khi quyết định tiêm ngừa cho bản thân và cho người thân. Cụ thể, người dân có thể tìm hiểu thông tin trên các website nước ngoài như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC) của Châu Âu (ECDC). Người dân cũng có thể tìm hiểu thêm tại các trang thông tin của Bộ Y tế (MoH), Cục Y tế dự phòng (VNCDC), các Hiệp Hội: Hội Sản phụ khoa, Hội y học dự phòng (hoiyhocduphong.vn), Hội phòng chống HPV Việt Nam (hpvinfo), các Viện và Bệnh viện khu vực.