Tiết kiệm chục tỉ nhờ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, việc giảm chi phí do mang thai ngoài ý muốn, phá thai ngoài ý muốn cũng như giảm chi phí chăm sóc sức khỏe bà mẹ là thành công của mô hình Tình chị em.


Cán bộ trạm y tế phường Đồng Tâm thành phố Yên Bái, tư vấn cách chăm sóc, SKSS cho bà mẹ mang thai tại phòng “Tình chị em.

Cán bộ trạm y tế phường Đồng Tâm thành phố Yên Bái, tư vấn cách chăm sóc, SKSS cho bà mẹ mang thai tại phòng “Tình chị em".

Sau 4 năm triển khai mô hình “Tình chị em” tại 125 trạm y tế xã/phường thuộc 3 tỉnh Yên Bái, Cà Mau, Đắk Lắk, đã có hơn 2.000 lượt cán bộ y tế xã/phường được tập huấn cả về kỹ thuật cung cấp dịch vụ lâm sàng, chất lượng dịch vụ; hơn 80% nhân viên các TYT sau khi được tập huấn đã có những thay đổi tích cực về kiến thức, thái độ, hành vi trong cung cấp dịch vụ.

Hơn 110 TYT xã/phường được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết lập phòng tư vấn “Tình chị em”, trang bị một số dụng cụ y tế căn bản phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, sản xuất tài liệu thông tin giáo dục truyền thông và quảng bá về những dịch vụ cung cấp tại TYT thuộc mạng lưới.

"Tình chị em" do tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSV) thực hiện và tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) hỗ trợ tài chính từ tháng 7/2013 đến hết năm 2016 chú trọng phục vụ phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 và gia đình của họ.

Những hỗ trợ kể trên đã mang lại sự thay đổi toàn diện, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thái độ làm việc của cán bộ cung cấp dịch vụ, tạo ra gương mặt mới và không khí làm việc hứng khởi, nhiệt tình tại các TYT. Tổng số lượt khách hàng đến nhận dịch vụ tại các TYT “tình chị em” ở cuối kỳ dự án (năm 2016) tăng 20 – 68% (Số lượt khách hàng sử dụng dịch vụ khám và điều trị phụ khoa tăng cao nhất: 68%) so với thời điểm cùng kỳ (sau khi khai trương mô hình).

Tổng số đã có khoảng 1.000.000 lượt khách hàng nhận dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong năm 2015 - 2016, trong đó có trên 27% khách hàng thuộc nhóm đối tượng nghèo.

Kết quả cung cấp dịch vụ nêu trên ước tính đã góp phần ngăn ngừa hơn 17.000 ca mang thai ngoài ý muốn, hạn chế sinh thêm hơn 5.500 trẻ ngoài ý muốn, phòng tránh gàn 10.000 ca phá thai không mong đợi, tiết kiệm được khoảng 13 tỉ đồng cho xã hội đồng thời cũng giúp hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Với những kết quả đáng khích lệ trên, TS Dương Văn Đạt - Trưởng Bộ phận sức khỏe sinh sản (Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam UNFPA) đề xuất Bộ Y tế cần có hướng dẫn để nhân rộng và sử dụng hiệu quả nguồn lực đã hình thành cũng như cân nhắc, bán hướng triển khai mô hình này trên toàn quốc.

Xuân Hồng