Thành tựu và thách thức sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh
(Dân trí) - Sáng 24/6, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam tổ chức Toạ đàm kỉ niệm 20 năm thực hiên Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Toạ đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nỗ lực và đầu tư vào sự nghiệp bình đẳng giới vì sự tiến bộ cho toàn xã hội.
Đến dự toạ đàm có sự có tham dự của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Nguyên phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, đại diện Lãnh đạo Uỷ ban Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng gần 165 đại biểu, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan báo chí.
Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông quan tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư diễn ra tại Bắc Kinh năm 1995 đã khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hoà bình cho tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên trái đất vì lợi ích của toàn nhân loại. Theo đó, các Chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và người dân đã và đang thúc đẩy chuyển những cam kết của Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh thành những thay đổi cụ thể tại từng quốc gia.
Phát biểu tại sự kiện, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ ở Việt Nam (UBQG VSTBPN VN) khẳng định: “Trong 20 năm qua, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với sự quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Việt Nam được Liên Hợp Quốc công nhận đã thúc đẩy việc hoàn thành sớm một số mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Chúng ta cũng đang tích cực xây dựng những giải pháp cụ thể cho từng lộ trình thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam”.
Trong tổng số 12 lĩnh vực của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam, lĩnh vực Phụ nữ và Sức khoẻ được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả nhất định.
Theo Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam năm 2013, Việt Nam tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách mới nhằm bảo đảm quyền lợi tiếp cận tới dịch vụ y tế của phụ nữ và trẻ em gái: Luật Lao động (sửa đổi) 2012 đã tăng thời gian người mẹ được phép nghỉ khi sinh từ 4 tháng lên 6 tháng; Chiến lược dân số, sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020; Chương trình làm mẹ an toàn; Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của ngành y tế; Thông tư của Bộ Y tế số 16/2009/TT-BYT ngày 22/9/2009 hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận và cung cấp chăm sóc y tế, báo cáo về các trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế; …
Bộ chỉ tiêu thống kê giới của ngành y tế đã đưa vào áp dụng 39 chỉ số thí điểm nhằm giám sát và đánh giá tình hình phát triển giới, vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng trong cung cấp và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Từ năm 2010 đến nay, phân bổ ngân sách cho ngành y tế vẫn được duy trì trên 24% trong tổng chi ngân sách quốc gia hàng năm.
Luật pháp và chính sách đã tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia tích cực hơn vào việc tăng quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái trong việc phòng tránh, chăm sóc và hỗ trợ những người nhiễm HIV.
Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, đã đạt những kết quả nhất định: Tuổi thọ trung bình của người dân không ngừng được tăng lên. Theo số liệu điều tra chuyên đề của Bộ Y tế, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam năm 2005 là 71 tuổi, năm 2009 đạt trên 72 tuổi; đến năm 2011 đạt 73,2 tuổi. Tuổi của nữ trung bình cao hơn nam từ 4 đến 5 tuổi.
Tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai trên 3 lần tăng từ 86,2% năm 2007 lên 87% năm 2013. Tỷ lệ bà mẹ khi sinh con được cán bộ y tế chăm sóc tăng từ 94,3% năm 2007 lên 96% năm 2013. Tỷ suất chết mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 67/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2011.
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại và khó khăn chưa được khắc phục triệt để. Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản tiền hôn nhân chưa được coi trọng; Tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số phụ nữ có thai tăng từ 2,9% năm 2010 lên 3,2% năm 2012. Phụ nữ tiếp tục gặp nhiều ngu cơ có quan hệ tình dục không an toàn với chồng/ bạn tình do những định kiến giới về vấn đề này. Tình trạng mất cân bằng giới tính sau khi sinh khá lớn. Định kiến giới và tư tưởng thích con trai cùng với việc tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ kĩ thuật chẩn đoán sớm giới tính thai nhi, sinh con theo ý muốn và dịch vụ phá thai là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính gia tăng.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong thời khắc quan trọng khi lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới đang xây dựng chương trình phát triển sau năm 2015. Tạo dựng một thế giới có bình đẳng giới cho thế hệ tương lai là một trong những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất của thế kỷ. Bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là một ước vọng mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, của Liên Hợp Quốc và của tất cả chúng ta”.
Cần huy động rộng rãi các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng tham gia công tác truyền thông, giáo dục, cung cấp dịch vụ dân số, sức khoẻ sinh sản góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói chung và trong trong lĩnh vực y tế nói riêng.
Thúy Hồng