Tay sạch thân khách quen, thêm khách lạ
Xe nước mía của chị Tuấn Anh nằm khiêm nhường ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1, đối diện Bảo tàng lịch sử TPHCM. Suốt 14 năm, lúc nào tiệm cũng đông khách. Người người nói chị có duyên bán hàng.
Chị Tuấn Anh cười bảo: “Cái duyên là ở đôi bàn tay vừa pha được ly nước mía ngon vừa PHẢI THẬT SẠCH! Tôi kỵ hai chữ: có dơ mới ngon lắm (cười )”
Chị Tuấn Anh luôn duy trì thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để bảo vệ khách hàng và bản thân
Chị có bao giờ uống nước mía của người khác để về… so sánh với món nước mà mình làm trong 14 năm qua?
Có chứ. Tôi uống hoài, uống rất nhiều nơi, để mình xem nước mía của mình có ngon hơn không. Cũng là cây mía thôi, nhưng mỗi người xay và pha thì nó lại có một vị khác nhau. Chính vì thế có người bán rất đắt hàng, có người thì bán chậm.
Vậy chị thấy nước mía của… bà chủ Tuấn Anh ra sao?
Nói về những gì mình làm thì nó hơi kỳ, để khách họ đánh giá hay hơn. Nhưng cái mà tôi rút được kinh nghiệm là ngoài bí quyết pha chế riêng (cười ) mình luôn phải hết sức cẩn trọng trong khâu chế biến. Có lần tôi đi chơi với gia đình, khát nước mới tấp vô lề đường gọi nước mía. Người ta làm ào ào, không rửa cả cây, cứ kéo rầm rập qua máy. Ly nước mía sạn và uống xong bé nhóc nhà tôi đau bụng quá chừng. Từ đó tôi nhận ra, sở dĩ khách hàng của mình thành thân quen trong suốt 14 năm là bởi tôi chưa bao giờ vội vàng hay cẩu thả.
Đi chợ tôi chọn mía kỹ, phải ngọt nước và không bị sâu. Về lóc vỏ, cắt khúc và rửa thật kỹ, đem hong cho khô rồi mới đem xay cho khách. Trước khi xay và rót nước vào ly cho khách, tôi đều rửa tay diệt khuẩn thật sạch. Qua sách báo, tôi biết dù không nhìn thấy được nhưng vi khuẩn có ở quanh ta vật dụng, không khí, tiền…Trong khi bàn tay mình vừa nhận tiền, vừa làm đồ uống cho khách thì phải cố gắng giữ nó thật sạch để cảm thấy yên tâm và an lòng khi khách dùng nước. Ngày Tết, dù buôn bán đông đúc đến cỡ nào tôi vẫn tuân thủ điều này như là nguyên tắc vàng để giữ khách.
Chị vừa nói có nhiều khách quen, hẳn chị cũng từng nghe họ nói về sản phẩm của mình chứ?
Tôi cũng có hỏi, mấy em mấy cháu nói là vì tôi làm cẩn thận, uống vô không chướng bụng, không đau bụng. Nước mía vốn ngọt, ruồi muỗi hay thích bám, nếu không vệ sinh tốt là nhiễm khuẩn ngay. Tay mình cầm tiền mà không rửa sạch, đụng vô ly nước, cũng có thể mất vệ sinh. Có lẽ vì món nước ngọt lành này, mà rất nhiều bé ngày xưa đi chơi Sở Thú đã uống, giờ ra trường đi làm tại các tòa nhà cao ốc vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy qua đây gọi nước mía của cô Tuấn Anh và kéo thêm nhiều bạn bè cùng tới. Tôi thấy ấm áp lắm.
Hiện tại có nhiều cửa hàng bán nước mía siêu sạch, chị nghĩ sao về xu hướng này?
Tôi nghĩ rằng, cái “siêu sạch” đó không phải tự dưng mà có. Và nó chỉ thực sự sạch khi người bán hàng coi trọng chữ SẠCH mà thôi. Nhiều người luôn nói đồ uống của mình rất sạch, siêu sạch, nhưng khi chế biến thì không giữ vệ sinh, cùng một tay mà cầm mía, cầm tiền, cầm dao, cầm kéo hay hàng tá những món đồ lỉnh kỉnh khác, thì khái niệm siêu sạch chỉ là nói cho vui. Sạch phải bắt đầu từ ngay chính bàn tay của người làm.
Và bí quyết của chị, thực sự chỉ cần đôi bàn tay thật sạch?
Tất nhiên còn nhiều yếu tố. Nhưng cái quan trọng phải tạo được niềm tin nơi người mua. Dù tôi chỉ bán nước mía ở lề đường, nhưng tôi không bao giờ cho khách hàng thấy mình đang kiếm tiền bằng mọi giá, không bao giờ tôi dùng đồ dơ và bạn có thể thấy tôi luôn có thau nước và xà phòng diệt khuẩn ở bên cạnh, để đôi tay của mình mang đến sự an toàn cho khách hàng. Có lẽ chính vì thế mà mọi người yêu mến tôi chăng? Tôi nhớ ngày xưa ba tôi bán hàng cũng rất thành công. Và ông dặn dò tôi rằng, đừng nghĩ rằng xem phong thủy hay chọn mặt tiền tạo nên thành công, mà chính từ sự chăm sóc khách hàng, uy tín của người bán mới giúp người mua lui tới. Đó mới là thành công lâu bền.
Xin cảm ơn chị!