Rượu bia, thuốc lá giết mòn nam giới vì ung thư thanh quản

(Dân trí) - Ước tính, cứ 5 người mắc ung thư thanh quản thì có 4 ca nam giới, đây là hậu quả từ hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. Hy vọng sống của người bệnh tại khu vực phía Nam ngày càng khả quan khi kỹ thuật cắt ung thư thanh quản bằng laser thực hiện thành công.

Hậu quả của việc hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hơn 20 năm qua khiến ông Nguyễn Văn B. (57 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) bị bệnh quật ngã. Hơn 3 tháng trước, ông bất ngờ bị khàn tiếng, ho nhiều, ăn uống khó khăn. Đến bệnh viện thăm khám, qua kiểm tra bác sĩ kết luận, ông bị ung thư thanh quản nhưng may mắn chưa di căn. Sau cuộc phẫu thuật cắt thanh quản bằng laser, ông may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Gần 1 tháng phẫu thuật, ngày 21/2 ông B trở lại bệnh viện tái khám với kết quả rất khả quan, bờ thanh quản sau mổ phát triển tương đối đều, dù giọng nói chưa “tròn” như trước, nhưng khả năng người bệnh hoàn toàn vượt qua được căn bệnh ung thư thanh quản là rất cao. Không chỉ trường hợp ông Văn B. Mà hơn 30 bệnh nhân khác đã được cứu sống nhờ phương pháp phẫu thuật tiên tiến mới được Bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM ứng dụng.

Đa số người mắc ung thư thanh quản là nam giới
Đa số người mắc ung thư thanh quản là nam giới

Thông tin từ BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM cho hay: Ung thư thanh quản là bệnh lý chỉ chiếm khoảng 2% số bệnh ung thư toàn thể, song lại là bệnh lý nguy hiểm đứng hàng thư 2 trong các bệnh ung thư tai mũi họng (sau ung thư vòm họng).

Căn bệnh trên chủ yếu xuất hiện ở nam giới (độ tuổi sau 40) với tỷ lệ 4nam/1nữ. Nguyên nhân của bệnh được xác định có liên quan đến các yếu tố, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, các nguyên nhân từ sự tác động của khí hậu, ảnh hưởng của nghề nghiệp (phải tiếp xúc với các chất khí, bụi bẩn, hoá chất...) viêm thanh quản mạn tính (tiền đề của một ung thư hoá). Thực trạng tỷ lệ người hút thuốc nhiều, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng đang khiến căn bệnh ung thư thanh quản xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Bệnh có các biểu hiện như khàn tiếng ngày càng tăng dẫn đến khàn đặc hoặc mất tiếng, giai đoạn tiến triển nặng hơn của bệnh sẽ khiến người mắc ho nhiều, khó thở, nuốt khó, nuốt sặc khi ăn uống... Việc chẩn đoán ung thư thanh quản sẽ được thực hiện thông qua nội soi, các xét nghiệm kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp đã bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý tai mũi họng khác.

Trước đây, việc điều trị ung thư thanh quản sẽ được can thiệp bằng phẫu thuật mổ hở, bóc khối u hoặc cắt toàn bộ vùng thanh quản bị ung thư di căn. Phẫu thuật trên thường kéo dài từ 3 đến 4 tiếng, gây xâm lấn rất lớn vùng hầu họng. Tuy nhiên, bằng mắt thường các bác sĩ không thể bóc hết được khối u. Do đó, tỷ lệ tái phát sau điều trị ở mức cao (khoảng 10%).

Hiện nay, với tiến bộ của y học, các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật cắt ung thư thanh quản bằng laser. Tại khu vực phía Nam, bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM là cơ sở đầu tiên ứng dụng thành công thủ thuật trên. BS Chung Thủy cho hay, thay vì phải mổ hở, gây xâm lấn rộng, thời gian mổ kéo dài, thời gian nằm viện ít nhất 2 tuần, phẫu thuật bằng laser mang lại rất nhiều hiệu quả.

Cụ thể, thời gian phẫu thuật cho 1 ca bệnh chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng, chi phí phẫu thuật không tốn kém nhiều (khoảng 10 triệu đồng, trong khi mổ hở tốn hơn 20 triệu đồng – cả 2 phẫu thuật đều được Bảo hiểm Y tế chi trả), phẫu thuật laser giúp hạn chế xâm lấn, không chảy máu nên người bệnh chỉ phải nằm viện theo dõi khoảng 1 tuần. Ngoài ra, do khối u được bóc bằng tia laser dưới kính hiển vi, bác sĩ nhìn rõ trường mổ nên bóc triệt để khối u, nguy cơ tái phát thấp (khoảng 6%).

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản nói riêng và các bệnh lý ung thư nói chung, BS Thái Hữu Dũng, Bệnh viện Tai Mũi Họng khuyến cáo cộng đồng nên có chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý. Đặc biệt, nhóm nguy cơ của bệnh là nam giới không nên lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá. Trường hợp có các biểu hiện của bệnh (đã nêu ở trên) nên đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng, di căn nguy hiểm của bệnh.

Vân Sơn