Rửa tay với xà phòng: Thói quen nhỏ, lợi ích lớn

Việc rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn có thể giúp giảm 47% nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hoá và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp.

Mùa hè đến mang theo nỗi lo lắng của người dân về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, tả, thương hàn, sốt xuất huyết, tay chân miệng…. Những năm gần đây đã và đang xuất hiện một số dịch bệnh từ nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Trong cuộc sống hằng ngày đôi khi chúng ta quên rằng vô số vi khuẩn và virus đang rình rập quanh ta chờ có dịp để lây nhiễm và tấn công. Theo các nhà khoa học, mỗi cm2 bề mặt da của cơ thể chứa tới hàng chục ngàn vi khuẩn có khả năng gây bệnh, tập trung nhiều ở da bàn tay với khoảng 200 triệu mầm bệnh, hỗn tạp nhiều loại vi khuẩn vì đôi tay thường xuyên tiếp xúc với đủ mọi vật trong cuộc sống. Bàn tay thường là trung gian đem mầm bệnh vào cơ thể con người.
 
Chính vì vậy, một trong những cách phòng tránh dịch bệnh đơn giản và ít tốn kém nhất là tạo thói quen rửa tay với xà phòng. Việc rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn có thể giúp giảm 47% nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hoá và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Tuy nhiên, đa số người dân chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng hoặc chưa biết cách rửa tay đúng quy trình để hạn chế số lượng vi khuẩn có thể lây nhiễm. Theo thống kê, chỉ có 12 - 15% người dân rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.  Do đó, nâng cao nhận thức, tạo thói quen rửa tay với xà phòng nói riêng và giữ gìn vệ sinh cá nhân nói chung đang trở thành một vấn đề cấp bách nhằm hạn chế phòng tránh các dịch bệnh lây lan trong mùa hè, nâng cao sức khỏe cho người dân, tạo ra một môi trường sống khỏe mạnh và văn minh.

Rửa tay với xà phòng: Thói quen nhỏ, lợi ích lớn

Trong 5 năm qua, từ 2007 đến 2011, dự án “Nâng cao sức khoẻ cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường” do Quỹ Unilever Việt Nam tài trợ đã được Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế triển khai tại 16 tỉnh, 39 huyện, 80 xã trên toàn quốc. Dự án đã đưa ra một hướng tiếp cận mới trong các hoạt động can thiệp nhằm tăng tỷ lệ rửa tay xà phòng, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Dự án đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, với hàng trăm lần phát thông điệp tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng trên đài truyền hình và đài tiếng nói từ Trung ương tới địa phương, đồng thời đăng tải các thông điệp và tổ chức tuyên truyền vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trên nhiều báo giấy ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Sau 5 năm triển khai, dự án đã tạo được một số kết quả nổi bật như: tổ chức 267 lớp tập huấn cho các tuyên truyền viên, thu hút hơn 12000 người tham gia, gần 2 triệu bánh xà phòng được phát đến tận tay người dân ở các tỉnh có điều kiện vệ sinh đáng báo động nhất. Đồng thời, nhiều hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông như phát tờ rơi, áp phích, bộ công cụ hướng dẫn cho học sinh sinh viên, v.v. được thực hiện trên diện rộng, nâng tỉ lệ rửa tay với xà phòng từ 14,6% năm 2007 lên tới 66,5 % năm 2011. Nhờ tính thiết thực cao của dự án, việc vận động nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng, vệ sinh các nhân và vệ sinh môi trường được hầu hết các cấp chính quyền tại các vùng triển khai dự án chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện. Nhiều nơi chính quyền đã hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng các công trình mẫu tại các nơi công cộng, có chính sách hỗ trợ người nghèo trong việc tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh.

Đáng mừng hơn, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác dài hạn cho giai đoạn 2012-2016 với các Bộ, ban ngành, quỹ Unilever Việt Nam đã cam kết hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 115 tỷ đồng cho các dự án hợp tác với Bộ Y tế nhằm tăng cường vệ sinh, sức khỏe và cải thiện cuộc sống, trong đó ngân sách để duy trì và phát triển dự án với Cục Quản lý môi trường y tế là 50 tỷ đồng, dự án triển khai với tên gọi mới là Dự án “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh”. Những hoạt động tích cực của dự án trong thời gian tới được kỳ vọng có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong cộng đồng nhằm giúp người dân hình thành một ý thức tự giác về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, góp phần váo sự phát triển bền vững chung của toàn xã hội như cam kết trong kế hoạch phát triển bền vững của Unilever Việt Nam.