Quy trình sản xuất chuẩn GMP: Cơ hội và thách thức với thực phẩm chức năng Việt
(Dân trí) - Dược sỹ Nguyễn Xuân Trang - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Dược Việt Nam phân tích, giai đoạn vừa qua “bát nháo”, “vàng thau lẫn lộn”, doanh nghiệp thậm chí chỉ cần đầu tư 300 triệu đồng là đủ đăng ký sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng. Khi tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) được áp thực hiện, thị trường sẽ minh định hơn…
Nhiều số liệu thống kê cho thấy, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) của Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Câu hỏi lớn với cả cơ quan quản lý lẫn các nhà sản xuất hiện tại là niềm tin của người tiêu dùng Việt với chất lượng các sản phẩm sản xuất trong nước hiện ở mức độ nào khi đặt mua hàng xách tay, trông đợi người quen đi nước ngoài mang về… rất phổ biến?
Đúng là thị trường TPCN đang trong giai đoạn phát triển rất sôi động. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 DN tham gia sản xuất và kinh doanh, với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Thị trường phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của cộng đồng này càng gia tăng, là cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo các thông tin đã đăng tải, thực trạng thị trường TPCN ở Việt Nam hiện rất bát nháo, “vàng thau lẫn lỗn”. Chất lượng sản phẩm là vấn đề còn “bỏ ngỏ” và còn nhiều điều quan ngại. Còn tồn tại khá phổ biến tình trạng nhiều sản phẩm TPCN được “thổi phồng” về công dụng, tính năng của sản phẩm dù thực tế không phải như vậy. Điều đó gây tổn thất và thiệt hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp sản xuất chân chính, đầu tư dây truyền sản xuất hiện đại, tuân thủ các quy trình sản xuất theo chuẩn GMP gặp khó khăn khi cạnh tranh về giá với các đơn vị nhỏ lẻ, các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, không tuân thủ đúng các quy trình sản xuất... dẫn đến việc các sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Ông đề cập tới quy trình GMP (Thực hành sản xuất tốt). Là người có kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực sản xuất thuốc và TPCN, từng có 10 năm ở cương vị lãnh đạo một công ty sản xuất thuốc, TPCN có quy mô lớn tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về việc áp dụng tiêu chuẩn GMP vào quản lý lĩnh vực này?
Việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật An toàn thực phẩm là chủ trương đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước. Văn bản này ra đời rất kịp thời và mang yếu tố quyết định đến sự phát triển của ngành sản xuất TPCN trong nước. Mục tiêu đề ra trước tiên là đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng,để mỗi người Việt được dùng các sản phẩm chất lượng hơn, đảm bảo hơn và tạo cho người tiêu dùng niềm tin vào các sản phẩm nội địa.
Theo tôi, việc áp dụng Nghị định 15 sẽ mở ra 1 sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp, bài toán về chi phí sản xuất sẽ không còn là rào cản lớn khi tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều tuân thủ những quy định của Bộ Y tế. Nếu như trước kia, một doanh nghiệp chỉ có mấy chục m2 nhà xưởng cũng đủ điều kiện sản xuất TPCN thì kể từ ngày 1/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. cũng có nghĩa là các đơn vị sản xuất TPCN không đạt tiêu chuẩn GMP, sản phẩm không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.
Với doanh nghiệp, quy định mới đặt ra những thách thức khi sản xuất theo quy trình chuẩn GMP khiến giá thành sản xuất tăng cao, chi phí đầu tư máy móc, nhà xưởng nhiều hơn gấp nhiều lần so với trước đây. Ví dụ, giai đoạn trước, một doanh nghiệp thậm chí chỉ cần đầu tư 300 triệu đồng mua máy móc là đủ đăng ký sản xuất thuốc, TPCN thì theo quy định mới, quy mô đầu tư phải hơn rất nhiều. Như tại công ty CP Dược phẩm Syntech, chúng tôi dự tính đầu tư hơn 100 tỷ để xây dựng nhà máy sản xuất chuẩn GMP. Rồi chi phí nhân công cũng tăng cao do đòi hỏi của các quy định tuân thủ nguyên tắc sản xuất GMP…
Theo đó, việc áp dụng GMP đã loại dần những doanh nghiệp yếu kém, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho những doanh nghiệp chân chính, bởi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, muốn sản xuất ra những sản phẩm an toàn chất lượng thì phải hướng đến sản xuất theo những tiêu chuẩn khắt khe để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng tới việc mở rộng xuất khẩu, hội nhập với các tiêu chuẩn của các nước trong khu vực.
Cụ thể, việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt tại DN của ông được thực hiện thế nào?
Với riêng Công ty CP Dược phẩm Syntech, nhà máy của chúng tôi xây dựng đúng thời điểm Bộ Y tế ban hành Nghị định 15. Vậy nên chúng tôi đã lên kế hoạch thiết kế, xây dựng và trang bị máy móc thiết bị theo đúng chuẩn GMP. Tất cả các máy móc, thiết bị được trang bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe nhất của tiêu chuẩn GMP.
Với diện tích 13.000m2 nhà xưởng, quy mô vốn đầu tư hơn 100 tỷ, chúng tôi đầu tư vào các dây truyền sản xuất viên nang mềm, nang cứng, viên nén, bao phim, cốm, bột sủi ....
Cá nhân tôi có rất nhiều niềm tin vào khả năng phát triển và hội nhập của Syntech nói riêng và ngành sản xuất TPCN của Việt Nam nói chung. “Tận tâm với sức khỏe” - mong muốn mang đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm chất lượng sẽ luôn là tinh thần, là mục tiêu mà tôi và cộng sự theo đuổi để đưa Công ty CP Dược phẩm Syntech lớn mạnh, đáp ứng miền tin yêu của người tiêu dùng Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
PV