Phiền toái như bệnh viêm mũi dị ứng
Là một đất nước nhiệt đới, tại Việt Nam tỉ lệ mắc căn bệnh này ở mức khá cao với khoảng 12,3% dân số và đang có xu hướng gia tăng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bởi sự ô nhiễm của không khí, môi trường, chuyển mùa v.v...
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm... Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến các bệnh khác như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, suyễn...
Viêm mũi dị ứng bản chất là sự phản ứng miễn dịch của mũi xoang trước các tác nhân kích thích từ môi trường như: thời tiết, bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc, mùi lạ… Các tác nhân kích thích gây dị ứng có thể xâm nhập qua hít thở, ăn uống, hoặc tiếp xúc trực tiếp.
Viêm mũi dị ứng phát sinh không phải do vi khuẩn, viêm nhiễm, tổn thương như viêm xoang mãn tính mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, cùng một tác nhân kích thích nhưng có người bị viêm mũi dị ứng có người hoàn toàn không việc gì.
Ảnh hưởng phiền toái đến cuộc sống
Viêm mũi dị ứng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tai mũi họng, bệnh gây ra rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, giấc ngủ, giảm chất lượng học tập, năng suất làm việc của người bệnh. Nghiêm trọng hơn, viêm mũi dị ứng là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến viêm xoang mãn tính.
Phát biểu tại “Hội thảo thách thức trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng” được tổ chức mới đây tại TPHCM, GS. Glenis Kathleen Scadding - Bệnh viện Tai Mũi Họng Hoàng gia Anh cho biết: Các triệu chứng viêm mũi dị ứng gây phiền toái cho 93% bệnh nhân vào ban ngày và 47% bệnh nhân vào ban đêm”.
Một số bệnh nhân than phiền: "Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi làm việc hàng ngày trong văn phòng máy lạnh, tôi gần như không thể tập trung vào công việc vì cứ vài chục giây thì phải hắt hơi một lần. Những tháng gần đây, sau mỗi cơn hắt hơi tôi còn bị khò khè khó thở”.
Theo một số nghiên cứu, 30% người viêm mũi dị ứng sẽ bị hen suyễn và 80% người bị hen suyễn bị viêm mũi dị ứng cùng lúc. Điều này cho thấy cả hai căn bệnh cần phải được điều trị song song. Nhiều người chỉ điều trị một bệnh và khi hết viêm mũi thì lại bị hen suyễn. Cứ thế công tác chữa trị trở nên khó khăn và kéo dài.
Một số cách đơn giản để phòng tránh viêm mũi dị ứng
Đối với những trường hợp có cơ địa dễ bị dị ứng cần hết sức đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng. Để phòng tránh cần hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường của bạn. Cần giặt giũ định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa. Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.
Vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Hạn chế tối đaviệc hút thuốc lá. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường. Đồng thời giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ cơ thể thay đổi hoặc khi chuyển mùa.
N.H