Đắk Nông:

Nơi phụ nữ vẫn giữ thói quen “vượt cạn” tại nhà

(Dân trí) - Nhiều đứa trẻ được sinh ra không may gặp tai biến mà tử vong thì cha mẹ chúng cho rằng chúng… không thích ở với mình. Quan niệm đó ăn sâu vào trong suy nghĩ của nhiều đồng bào nên bao năm nay họ vẫn giữ thói quen sinh đẻ tại nhà, chỉ đến khi cấp bách, sản phụ mới nhờ đến sự giúp đỡ của các cô đỡ, cán bộ y tế.

Vợ đẻ, chồng đỡ

Giữa trưa, căn nhà nhỏ của chị Sùng Thị Hoa (thôn 7, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long) chật kín người đến thăm khi hay tin người mẹ này vừa từ bệnh viện trở về. Tuần trước, khi vừa sinh được mấy ngày, gia đình Hoa đã nháo nhào đưa cô đi cấp cứu trong tình trạng thiếu máu, người lúc tỉnh lúc mê, cậu con trai còn đỏ hỏn cũng phải theo chân mẹ vào nằm viện gần cả tuần.


Chị Hoa cười tươi sau khi vừa nằm viện trở về vì thiếu máu sau sinh

Chị Hoa cười tươi sau khi vừa nằm viện trở về vì thiếu máu sau sinh

Khuôn mặt đã hồng hào, đầy sức sống trở lại sau thời gian điều trị, Hoa ôm đứa con trai vào lòng, cười sung sướng: “Sau khi sinh thì mình cứ nằm li bì trên giường, ăn cơm không được mà chỉ húp được mấy thìa cháo loãng. Thằng bé thì cứ khóc ngặt đòi sữa mà mình không ngồi dậy nổi, chồng phải pha sữa bột cho con bú. Đến ngày thứ 6 mình không ăn, không đi lại được nữa nên cả nhà phải đưa đi bệnh viện”.

Trong nhà, mấy đứa trẻ cứ xúm lại chỗ mẹ và em trai đang nằm cữ để đùa nghịch. Hỏi ra mới biết, ba đứa bé cao sàn sàn như nhau, khuôn mặt lấm lét, đỏ ửng dưới cái nắng trưa đó chính là con chị Hoa, tất cả đều được sinh trên chính chiếc giường mà chị đang nằm. “Cả 4 đứa bé đều do chồng Giàng Seo Phồng đỡ đẻ vì “ngại” gọi bà mụ lắm. Có đứa thì đẻ vào ban đêm, có đứa thì nhập nhoạng tối, đứa thứ ba đang trên đường đến bệnh viện cũng đành quay đầu xe về nhà, rồi đứa thứ 4 này, người chị gái không kịp chạy sang đỡ nên chồng tự làm hết”, chị Hoa cho biết.

Với tay lấy chiếc kéo thường ngày chị Hoa vẫn dùng để cắt vải may quần áo, chị Hoa cho biết, ngày xưa ông bà già thường dùng cật nứa để cắt rốn, sau này thì dùng kéo hoặc dao lam. Kinh nghiệm ấy được truyền lại cho vợ chồng anh chị nên cả 4 đứa con đều dùng chiếc kéo cắt may này để cắt dây rốn.


Chiếc kéo cắt may hàng ngày cũng là dụng cụ mà anh Phồng dùng để cắn rốn cho 4 đứa con

Chiếc kéo cắt may hàng ngày cũng là dụng cụ mà anh Phồng dùng để cắn rốn cho 4 đứa con

Chị Phan Thị Thương, Hộ sinh trạm y tế xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức) cho biết, trong mấy năm trở lại đây, địa phương có một vài trường hợp tai biến sau sinh ở cả mẹ và con sau khi sản phụ tự vượt cạn tại nhà. Trong đó phần lớn vẫn là đồng bào Mông và M’Nông sinh sống ở các thôn bon xa trung tâm xã.

Nhớ lại trường hợp của sản phụ Thị Luân (buôn Philate 1, xã Đắk Ngo), nữ hộ sinh kể, Trước đây người M’Nông cho rằng sinh, tử là quy luật tự nhiên. Người phụ nữ mang bầu kiêng kỵ, phải ra ngoài rừng tự lo việc sinh đẻ, lấy thanh nứa cắt rốn cho trẻ sơ sinh nhưng nhiều năm nay tập tục phụ nữ tự vượt cạn của người M’ Nông gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Riêng gia đình Thị Luân vẫn để sản phụ này sinh con đầu tại nhà. Vừa sinh con xong thì sản phụ lên cơn sản giật nên phải chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vậy mà đầu năm nay, chị này vẫn tiếp tục sinh con tại nhà mà chỉ cần sự giúp đỡ của bà mẹ đẻ.

Cô đỡ thôn bản gặp khó

Theo thống kê của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua tỷ lệ sản phụ sinh đẻ tại nhà vẫn ở mức cao, chiếm 15-20% tổng số ca. Trong đó, hai huyện Đắk G’Long và Tuy Đức có số lượng sản phụ đẻ tại nhà nhiều nhất. Cũng trong năm 2016, trung tâm này ghi nhận 38 trường hợp tai biến sản khoa và 41 trẻ sơ sinh tử vong, liên quan chủ yếu đến non tháng, bệnh lý, ngạt và nhiễm trùng sau sinh.

Để góp phần xóa những thôn, bon “trắng” về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp phụ nữ tiếp cận tốt với các dịch vụ sinh nở an toàn, hiện nay tỉnh Đắk Nông đang triển khai mô hình Cô đỡ thôn bản. 130 cô đỡ được cử đi đào tạo những kiến thức về sức khỏe sinh sản sẽ được cử về các thôn, bon để hỗ trợ tích cực các hoạt động quản lý thai sản và hỗ trợ chăm sóc bà mẹ sau sinh tại hộ gia đình và tư vấn kế hoạch hóa gia đình...

Mô hình cô đỡ thôn bản đang gặp nhiều khó khăn nên tình trạng sản phụ tự vượt cạn vẫn còn cao
Mô hình cô đỡ thôn bản đang gặp nhiều khó khăn nên tình trạng sản phụ tự vượt cạn vẫn còn cao

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chương trình Cô đỡ thôn bản còn gặp nhiều khó khăn do tập tục sinh đẻ tại nhà đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân, nhiều người “ngại” gọi cô đỡ nên bà “mụ vườn”, chồng hoặc mẹ chồng sẽ làm nhiệm vụ này. Bên cạnh những hạn chế trong công việc, đời sống của nhiều cô đỡ hiện nay cũng gặp không ít khó khăn.

Cô đỡ Thị Loan (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cho biết, năm 2007 chị được đào tạo và đảm nhận vai trò cô đỡ thôn, công việc chính của chị là tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, quản lý thai nghén, tham gia các hoạt động y tế khác tại địa phương... Thế nhưng, hiện nay kiến thức, kỹ năng thực hành đỡ đẻ của chị đã mai một nhiều kiến thức đỡ đẻ mới, khả năng của chị lại không tiếp thu kịp.

Trong khi đó, cô đỡ H’Chê (xã Tân Thành, huyện Krông Nô) tâm sự, ngoài mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng từ chương trình, các cô đỡ không có thêm một khoản thu nhập nào khác. Với số tiền đó, chúng tôi không đủ chi trả cho các hoạt động hàng ngày như xăng xe để đi đến nhà người dân tuyên truyền vận động, đi giao ban ở trạm y tế xã. Do mức thù lao quá thấp, công việc vất vả, đi lại khó khăn... nên một số cô đỡ thôn bản đã bỏ nghề, không còn hoạt động.

BS. Nguyễn Thị Kim Lệ, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Nông cho biết, ngoài chế độ hỗ trợ, vấn đề lựa chọn và đào tạo người dân, những bà mụ trở thành cô đỡ cũng là một trong những khó khăn lớn, bởi không phải ai cũng có đủ trình độ tiếp nhận kiến thức để đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong khi đó, điều kiện tuyển cô đỡ thôn bản phải là người đồng bào dân tộc thiểu số, đang sống tại các thôn bon thuộc vùng khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, có tỷ lệ sinh tại nhà cao...

“Chúng tôi cũng không khuyến khích sản phụ sinh tại nhà mà thường vận động họ đến các cơ sở y tế để sinh. Những trường hợp sinh tại nhà do điều kiện địa lý thì cô đỡ thôn sẽ góp phần vào việc giảm thiểu rủi ro khi sinh. Tuy nhiên, những khó khăn trên khiến các cô đỡ khó yên lòng công tác”.

Dương Phong